Quang Tự (1871 - 1908) là hoàng đế thứ 11 của nhà Thanh, trị vì từ năm 1875 đến năm 1908.Vào ngày 14/11/1908, Hoàng đế Quang Tự đột ngột băng hà ở tuổi 38. Ngay ngày hôm sau, Từ Hi Thái hậu - người thực sự nắm giữ quyền lực trong triều suốt nửa thế kỷ cũng qua đời ở tuổi 74. Việc hai người đứng đầu triều đình nhà Thanh qua đời cách nhau trong chưa đầy 24 giờ đã khiến cả nước bàng hoàng. Nguyên nhân cái chết của Quang Tự là một ẩn số lớn gây tranh cãi của lịch sử. Sự việc này đã trở thành một trong những bí ẩn lớn nhất trong triều đình nhà Thanh.
Là hoàng đế nhưng thực chất, cả cuộc đời Quang Tự chỉ là bù nhìn và bị Từ Hi Thái hậu điều khiển hoàn toàn. Nhà vua cũng khao khát quyền lực và hy vọng có thể thay đổi Trung Quốc lúc bấy giờ nhưng ông không bao giờ thoát khỏi sự kiểm soát của Từ Hi. Trong 10 năm cuối đời, Quang Tự đã bị giam cầm trong cung điện cho đến khi qua đời ngay trước Từ Hi Thái hậu - người cũng là bác ruột của ông. Sự trùng hợp kỳ lạ này đã tạo ra rất nhiều lời đồn thời bấy giờ. Nhiều người cho rằng ông đã bị hại chết chứ không chỉ đơn thuần là do bệnh tật như được công bố.
Sau khi băng hà, Hoàng đế an nghỉ tại Sùng Lăng cùng với vợ là Long Dụ Hoàng hậu. Năm 1938, lăng mộ của ông đãbị bọn trộm cướp phá. Hơn 40 năm sau, tức vào năm 1980, các nhà khảo cổ quốc gia Trung Quốc mới có thể một lần nữa khai quật, nghiên cứu Sùng Lăng.
Sùng Lăng là mộ ngầm dưới lòng đất, được xây dựng rất kiên cố và bề thế. Trong căn phòng nơi đặt quan tài của Hoàng đế Quang Tự, khung cảnh bấy giờ đã bị phá hủy. Những kẻ trộm mộ đã khoét một lỗ lớn trên quan tài của Hoàng đế bằng búa và rìu để cố moi móc châu báu, ngọc ngà. Thi thể Quang Tự bị lôi ra khỏi quan tài và không có giày, trên y phục vẫn còn thấy những họa tiết rồng mờ. Hài cốt của Hoàng hậu Long Dụ bên cạnh cũng đã ở trong tình trạng thê thảm tương tự.
Để tìm hiểu nguyên nhân cái chết của Hoàng đế Quang Tự, các chuyên gia sau đó đã lấy một số mẫu tóc của nhà vua trong quan tài và tiến hành phân tích. Kết quả này đã chứng thực được một phần lời đồn đại năm xưa. Trong tóc ông, các nhà khảo cổ phát hiện có một hàm lượng lớn diarsenic trioxide hay chính là thạch tín. Quang Tự được khẳng định đã qua đời vì bị ngộ độc thạch tín.
Thạch tín là một trong những chất cực độc thường được sử dụng để giết người ở Trung Quốc thời xưa. Vào thời nhà Thanh, Trần Sĩ Đạc có mô tả trong cuốn Biện Chính lục - Trúng độc môn rằng: "Những người uống phải thạch tín sẽ phải chịu cái chết đau đớn cùng cực. Nếu không sơ cứu kịp thời sẽ dẫn đến thối dạ dày, tiêu chảy, nôn ra máu tím và chết". Loại chất độc này còn được sử dụng nhiều vì rất dễ ngụy trang, có thể tan trong nước.
Vậy câu hỏi được đặt ra bây giờ là ai là kẻ đã đầu độc thạch tín Hoàng đế? Rất nhiều suy đoán đã được đưa ra. Nhiều sử gia đến nay vẫn luôn cho rằng người đó chính là Từ Hi Thái hậu. Bà không cam tâm ra đi một mình và lo lắng Quang Tự sẽ lấy lại được quyền lực nên vào lúc ốm đau cuối đời đã cho người hạ độc cháu trai. Dục Đức Linh (1886-1944) - một nữ quan hầu hạ Thái hậu nhiều năm từng tiết lộ người trực tiếp sát hại Quang Tự chính là thái giám Lý Liên Anh mà ông cũng chínhlà cận thần thân tín của Từ Hi. Bên cạnh đó, cũng có sử gia lập luận kẻ đầu độc Quang Tự là đại thần hoặc kẻ phản đối khác trong triều.
Đáp án thực sự ai là người đã đầu độc Hoàng đế có lẽ sẽ khó lòng được giải đáp vì đã bị lịch sử chôn vùi. Nhưng cho dù kẻ sát nhân là ai thì việc Quang Tự đã chết vì nhiễm độc thạch tín là một sự thật không thể chối cãi.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.