Hé lộ tình hình kinh doanh Tập đoàn Egroup của Shark Thủy trước loạt lùm xùm

An Vũ Thứ năm, ngày 29/12/2022 06:00 AM (GMT+7)
Trong năm 2021, doanh thu Tập đoàn Egroup của ông Nguyễn Ngọc Thủy (Shark Thủy) giảm sâu tới 80%, lợi nhuận sau thuế cũng giảm tới 73% còn vỏn vẹn hơn 4 tỷ đồng.
Bình luận 0

Thời gian gần đây, hệ sinh thái của Công ty CP Tập đoàn Giáo dục Egroup của ông Nguyễn Ngọc Thủy liên tiếp dính lùm xùm về chậm trả lãi đầu tư, nợ lương và bảo hiểm nhân viên, chất lượng giảng dạy đi xuống...

Chân dung Tập đoàn Egroup của Shark Thủy

Trên website của Egroup giới thiệu, công ty đặt mục tiêu trở thành tập đoàn số 1 Việt Nam về giáo dục trực tuyến, năng động, cạnh tranh mạnh mẽ, luôn hướng đến chinh phục các mục tiêu cao hơn và là sự lựa chọn hàng đầu của mọi đối tác và khách hàng trong nước và quốc tế.

Công ty Cổ phần Tập đoàn Giáo dục Egroup thành lập năm 2008, tiền thân là Công ty Cổ phần Trò chơi Giáo dục Trực tuyến - Egame, hoạt động trong lĩnh vực trò chơi giáo dục trực tuyến. Người sáng lập kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị là Shark Thủy.

Năm 2016, Công ty Cổ phần Trò chơi Giáo dục Trực tuyến Egame được đổi tên thành Công ty Cổ phần Tập đoàn Giáo dục Egroup.

Tập đoàn Egroup là công ty mẹ, hệ sinh thái của ông Nguyễn Ngọc Thủy trải rộng trên nhiều lĩnh vực từ giáo dục - đào tạo, chăm sóc sức khỏe đến thực phẩm.

Hé lộ tình hình kinh doanh Tập đoàn Egroup của Shark Thủy trước loạt lùm xùm - Ảnh 1.

Hệ sinh thái của Công ty CP Tập đoàn Giáo dục Egroup của ông Nguyễn Ngọc Thủy liên tiếp dính lùm xùm về chậm trả lãi đầu tư, nợ lương và bảo hiểm nhân viên, chất lượng giảng dạy đi xuống...

Đến nay Tập đoàn Egroup có 12 công ty hoạt động trong các lĩnh vực đào tạo tiếng Anh, giáo dục mầm non, giáo dục trực tuyến, phát triển tư duy sáng tạo cho trẻ em thông qua robot thông minh và tính nhẩm, giáo dục kỹ năng nghề và du học.

Các công ty con nổi bật của Egroup gồm Apax Holdings (IBC) - đứng sau chuỗi trung tâm Anh ngữ Apax Leaders, hệ thống mầm non Igarten, trường liên cấp Firbank Australia...

Bên cạnh đó, hệ sinh thái này còn có hai thành viên là Công ty Egame và Công ty Ecapital. Trong đó, chỉ Apax Holdings được niêm yết và đứng sau nhiều thương vụ đầu tư lớn của ông Nguyễn Ngọc Thủy.

Theo giới thiệu trên website của Egroup, đến nay công ty có 130 trung tâm tiếng Anh Apax English – Apax Leaders; 11 trường mầm non STEAMe GARTEN và 1 trung tâm trải nghiệm STEM chuẩn quốc tế; 11 Viện trị liệu thẩm mỹ Yakson Beauty; 50 cửa hàng Soya Garden trên toàn quốc; 12 trung tâm CMS tại Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh và Hạ Long (Quảng Ninh).

Lợi nhuận Egroup giảm sâu, trữ tiền còn vỏn vẹn 33 triệu đồng

Dữ liệu Dân Việt cho thấy, năm 2021 tình hình kinh doanh của Egroup không mấy tươi sáng.

Cụ thể, năm 2021, doanh thu thuần của Egroup ghi nhận 108,58 tỷ đồng, giảm 80,5% so với năm trước đó, giá vốn bán hàng cao hơn doanh thu với 112,3 tỷ đồng nên lợi nhuận gộp âm hơn 3,7 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 15,6 tỷ đồng.

Doanh thu tài chính tăng 21% lên gần 66 tỷ đồng, chi phí tài chính tăng 26% lên 44,8 tỷ đồng.

Kết quả, năm 2021 Egroup báo lãi 4,2 tỷ đồng, giảm sâu tới 73% so với năm 2020.

Tổng tài sản tính tới cuối năm 2021 tăng nhẹ 6% lên 1.551 tỷ đồng. Tài sản ngắn hạn tăng 52,3% lên hơn 390 tỷ đồng; trữ tiền giảm tới 99,8% còn vỏn vẹn hơn 33 triệu đồng.

Phải thu ngắn hạn tăng hơn 600% lên 204,4 tỷ đồng, hàng tồn kho tăng gần 48 tỷ đồng. Trong năm 2021, Egroup đầu tư vào công ty con 822,5 tỷ đồng; đầu tư vào công ty liên kết, liên doanh hơn 120 tỷ đồng; đầu tư vào các đơn vị khác 20 tỷ đồng.

Về nguồn vốn, nợ phải trả tăng 27% lên 427 tỷ đồng, trong đó, nợ ngắn hạn tăng 26,5% lên 320 tỷ đồng; phải trả người bán ngắn hạn tăng hơn 2 lần lên 68,4 tỷ đồng; phải trả người lao động ghi nhận hơn 20 tỷ đồng.

Vay nợ ngắn hạn giảm 16,8% xuống 134 tỷ đồng; vay nợ dài hạn tăng 87,6% lên gần 70 tỷ đồng. Vốn điều lệ tính tới cuối năm 2021 đạt 962,5 tỷ đồng.

Liên quan đến Egroup, Apax Holdings mới đây đã công bố báo cáo kết quả giao dịch cổ phiếu IBC của ông Nguyễn Ngọc Thủy, Chủ tịch hội đồng quản trị và công ty mẹ Egroup.

Theo đó, ông Nguyễn Ngọc Thủy bị Công ty CP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) bán giải chấp 113,8 nghìn cổ phiếu IBC trong ba phiên 20/12, 21/12, 22/12. Sau giao dịch số lượng cổ phiếu IBC ông Thủy sở hữu giảm từ 6,69 triệu đơn vị xuống còn 6,58 triệu đơn vị, tương đương tỷ lệ sở hữu giảm từ 8,05% xuống 7,913%. Giao dịch được thực hiện bằng phương pháp thỏa thuận hoặc khớp lệnh liên tục.

Trước đó, trong phiên 19/12, BVSC đã bán giải chấp 71,9 nghìn cổ phiếu IBC của Egroup - công ty mẹ của Apax Holdings. Tương tự, Công ty CP Chứng khoán Mirea Asset đã bán giải chấp 716,8 nghìn cổ phiếu IBC trong 4 phiên 16, 19, 20 và 21/12. Các giao dịch này được thực hiện bằng phương pháp thỏa thuận hoặc khớp lệnh liên tục.

Sau các giao dịch số lượng sở hữu của Egroup tại Apax Holdings đã giảm từ 49,69 triệu cổ phần, tương đương 59,76% xuống còn 48,9 triệu cổ phần, tương đương 48,9% vốn điều lệ của IBC.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 28/12, cổ phiếu IBC tiếp tục giảm sàn về 2.240 đồng/cổ phiếu, dư bán sàn hơn 10,9 triệu cổ phiếu. Đây đã là phiên giảm sàn thứ 26 liên tiếp của mã này kể từ mức 15.500 đồng ngày 22/11. So với mức 20.400 đồng/cổ phiếu hồi đầu năm, thị giá cổ phiếu IBC đã bốc hơi 88%.

Về Công ty Cổ phần Anh ngữ Apax, công ty được giới thiệu là thành quả của sự kết hợp giữa Tập đoàn Giáo dục nổi tiếng Chungdahm Learning và Công ty Cổ phần Tập đoàn giáo dục Egroup.

Công ty Cổ phần Anh ngữ Apax thành lập ngày 22/10/2012 với tên ban đầu là Công ty CP Trò chơi Evui. Ngành nghề chính khi này là lập trình máy vi tính. Vốn điều lệ ban đầu là 1 tỷ đồng gồm các cổ đông sáng lập: Phạm Thanh Tùng góp 500 triệu đồng (50%), Nguyễn Hoàng Dương góp 250 triệu đồng (25%) và Đặng Ngọc Nam góp 250 triệu đồng (25%).

img

Công ty Cổ phần Anh ngữ Apax dính loạt lùm xùm về nợ lương nhân viên và chất lượng học đi xuống.

Đến ngày 10/7/2015, công ty có vốn điều lệ 30 tỷ đồng và được đổi tên thành Công ty CP Quản lý đầu tư Bluestone Việt Nam.

Đến 26/7/2016, Công ty có tên là Công ty CP Anh Ngữ Apax. Đến 18/11/2016, vốn điều lệ công ty tăng từ 30 tỷ đồng tăng lên 78,1 tỷ đồng, trong đó ông Thủy góp 7,5 tỷ đồng (9,6%).

Tại thay đổi 6/12/2016, Công ty Anh Ngữ Apax nâng vốn điều lệ lên 118,1 tỷ đồng, trong đó ông Thủy góp 7,5 tỷ đồng (chiếm 6,35%), các cổ đông Công ty CP Đầu tư và Phân phối Egame, Nguyễn Thùy Dương, Nguyễn Trường Sơn, Nguyễn Thị Thùy Dung đều không rõ sở hữu.

Đến ngày 31/7/2017, Công ty nâng vốn từ hơn 168,7 tỷ đồng lên 338 tỷ đồng, trong đó ông Thủy góp hơn 52 tỷ đồng (15,4%) và Công ty Chungdahm Learning góp 50,6 tỷ đồng (chiếm gần 15%).

Tại thay đổi ngày 15/11/2018, Apax tăng vốn lên gần 612 tỷ đồng, trong đó, Công ty Chungdahm Learning góp hơn 61,86 tỷ đồng (chiếm 10,1%).

Đến ngày 31/12/2021, Công ty tăng vốn từ 612 tỷ đồng tăng lên hơn 887 tỷ đồng, trong đó công ty Hàn Quốc Chungdahm Learning vẫn góp 61,86 tỷ đồng (chiếm 6,9%), không rõ các cổ đông khác.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem