Hé lộ vũ khí siêu thanh phóng từ tiêm kích tàng hình của Mỹ

Quốc Việt Thứ ba, ngày 21/01/2020 22:30 PM (GMT+7)
Cơ quan Nghiên cứu Dự án Quốc phòng tiên tiến của Mỹ đang phát triển loại tên lửa siêu thanh có khả năng phóng từ tiêm kích F-22 hoặc F-15 với tốc độ gấp 5 lần vận tốc âm thanh.
Bình luận 0

Tech Insider (một trang web chuyên về công nghệ thuộc Business Insider) cho biết, bản đồ họa ý tưởng thiết kế vũ khí siêu thanh mới đã được Cơ quan Nghiên cứu các Dự án Quốc phòng tiên tiến (DARPA) của Mỹ trình bày trong sự kiện “Demo Day” diễn ra vào giữa tháng 5 vừa qua.

img

Đồ họa cơ chế hoạt động của tên lửa siêu thanh HAWC. Ảnh: DARPA.

Chương trình được gọi là HAWC với mục đích phát triển loại tên lửa siêu thanh có thể phóng từ tiêm kích tàng hình F-22 Raptor hoặc tiêm kích đa nhiệm F-15. Vũ khí mới có thể bay với tốc độ lên đến Mach 5 ( khoảng 6.123 km/h).

HAWC có thể treo dưới cánh tiêm kích F-15 hoặc trong khoang vũ khí của F-22. Sau khi phóng, tên lửa sẽ bay lên một độ cao nhất định rồi lao xuống mục tiêu kiểu “bổ nhào” với tốc độ gần như không thể đánh chặn. Đại diện DARPA cho biết, vũ khí mới sẽ cho phép Không quân Mỹ tấn công các mục tiêu được bảo vệ kỹ càng nhất.

Nói cách khác, một tên lửa bay với tốc độ siêu thanh sẽ rất khó khăn cho kẻ thù để đánh chặn và có ít thời gian hơn để tìm cách đối phó. “Chúng ta đang nói về một loại vũ khí mà thời gian chỉ tính bằng phút thay vì bằng giờ cho chuyến bay xuyên lục địa”, đại diện DARPA chia sẻ.

Tên lửa siêu thanh HAWC sẽ tạo ra bước đột phá cho hoạt động tấn công trong tương lai của Không quân Mỹ, đặc biệt là với những kẻ thù có sức mạnh quân sự hàng đầu thế giới. Đồng thời, vũ khí này cũng giúp nâng cao sức mạnh răn đe của Mỹ bên cạnh vũ khí hạt nhân truyền thống.

Mỹ không phải là quốc gia duy nhất phát triển vũ khí siêu thanh, Nga, Trung Quốc và Ấn Độ đang nỗ lực để sở hữu loại vũ khí này. Tạp chí National Interest từng nhận định, “thế giới đang bước vào cuộc đua vũ khí siêu thanh”.

Vũ khí siêu thanh sẽ làm thay đổi bản chất của các hệ thống phòng thủ tên lửa hiện có và khiến cho các mục tiêu dễ bị tổn thương hơn, đặc biệt là các tàu chiến loại lớn. Tuy nhiên, công nghệ vũ khí siêu thanh là rất đắt đỏ và khó làm chủ, do đó mức độ thành công với chương trình vũ khí siêu thanh ở mỗi quốc gia sẽ khác nhau, Tech Insider nhận định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem