Khoa học có rất nhiều nhân vật nổi tiếng và thú vị nhưng có lẽ không ai kỳ lạ như Tycho Brahe, nhà thiên văn học người Đan Mạch - Người sáng lập môn thiên văn quan sát trước khi có kính viễn vọng.
Không chỉ là một nhà thiên văn học lừng lẫy, Brahe còn được biết đến với vẻ ngoài lập dị vì bị mất mũi trong một cuộc thi đấu, và chính ông là thầy của Johannes Kepler.
Từ nhỏ, Brahe đã có cuộc sống khá kỳ lạ. Năm lên hai tuổi, ông được người chú giàu có Jorgen Brahe đem về nuôi, tách khỏi cha mẹ. Những năm tháng sau đó của cuộc đời ông là những sự kiện khá kỳ lạ và không kém phần thú vị.
Tycho Brahe và chiếc mũi giả.
Nhật thực năm 1560 đã kích thích Brahe theo con đường thiên văn. Từ đó ông giành cả cuộc đời cống hiến cho nền thiên văn học còn non trẻ của nhân loại.
Tuy nhiên, ông không chỉ đơn thuần là một nhà khoa học. Năm 1566, khi 20 tuổi, ông bị mất mũi trong cuộc đấu tay đôi với một quý tộc Đan mạch là Manderup Parsbjerg vì tranh cãi về một công thức toán học.
Vì không ai chịu thua và không có chứng cứ thuyết phục, họ phải phân định bằng một trận đấu. Kết quả là Brahe phải đeo mũi giả suốt phần đời còn lại.
Chiếc mũi giả được làm bằng đồng, tuy nhiên ông vẫn có mũi giả bằng vàng và bạc để dành cho các sự kiện đặc biệt.
Đến năm 1565, trong khi cứu vua Đan Mạch khỏi chết đuối, người chú giàu có của Brahe đã ra đi và để lại toàn bộ tài sản cho ông. Người ta ước tính số tài sản mà ông thừa kế lên đến 1% tổng tài sản Đan mạch lúc bấy giờ.
Brahe sống trong lâu đài với một người lùn tên Jepp, một con hươu làm vật nuôi. Không lâu sau, con hươu say bia và chết khi lăn xuống cầu thang.
Cuộc sống của ông tuy vậy bình thường và có phần nhàm chán, chỉ cái chết của ông mới kỳ lạ.
Cái chết kỳ lạ và bí ẩn của nhà khoa học "mất mũi"
Brahe chết bất thường năm 1601 tại một buổi tiệc ở Prague, cộng hòa Séc bây giờ. Trước đó, ông không thể đi tiểu tiện, ông đã chết sau 11 ngày đau đớn.
Nhiều khả năng ông bị nhiễm độc thủy ngân khi sau này người ta phát hiện một lượng lớn thủy ngân còn sót trên râu. Có hai khả năng xảy ra, một là ông bị nhiễm độc trong quá trình nghiên cứu, hai là bị đầu độc.
Nếu như Brahe bị đầu độc thì ai là kẻ đứng sau?
Có hai giả thuyết được đặt ra. Đầu tiên, Brahe được đồn rằng có quan hệ với nữ hoàng Đan Mạch nên thái tử sau khi lên ngôi đã ra lệnh hạ sát Brahe. Trên thực tế, Brahe phải bỏ chạy khỏi đất nước khi nhà vua trẻ Christian nắm ngai vàng.
Nhưng có lẽ giả thuyết thứ hai về cái chết của Brahe còn ly kỳ hơn. Vì ông lấy vợ là một thường dân, con ông không được xem là quý tộc và không thể thừa kế tài sản.
Trong số tài sản đó có rất nhiều ghi chép về thiên văn học. Thứ mà ông ngăn cản không cho cả học trò của mình là Johannes Kepler chạm vào.
Và khi Brahe qua đời, Kepler đã tận dụng cơ hội để nắm giữ toàn bộ số liệu. Chính Kepler cũng thừa nhận đây không phải là việc làm quang minh chính đại.
Bức tượng Tycho Brahe và Johannes Kepler.
Dựa vào những số liệu thiên văn của Brahe, Kepler đã có thể đưa thiên văn học tiến xa. Chính vì những tài liệu quan trọng mà Kepler thu được sau cái chết đầy bí ẩn của Brahe đã khiến nhiều người nghi ngờ rằng chính Kepler là thủ phạm mưu sát Brahe.
Dù sao đi nữa, chính cái chết của Brahe đã mở ra một kho tài liệu mà nếu như Brahe còn sống Kepler không thể nhờ đó mà phát triển thiên văn học.
Mãi về sau, một nghiên cứu khai quật tử thi của Brahe xác nhận rằng cái chết là vì đột tử do suy thận.
Tùng Lê (Trí Thức Trẻ)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.