Hệ thống phòng không Ukraine liệu có thể ngăn chặn tên lửa siêu thanh 'Killjoy' Nga cung cấp cho Belarus?

Lê Phương (Newsweek) Thứ tư, ngày 02/11/2022 13:38 PM (GMT+7)
Hệ thống phòng không của Ukraine sẽ chỉ có thể bắn hạ một tỷ lệ nhỏ tên lửa siêu thanh AS-24 "Killjoy" của Nga mà tình báo Anh tin rằng đang được chuyển giao cho Belarus.
Bình luận 0
Hệ thống phòng không Ukraine liệu có thể ngăn chặn tên lửa siêu thanh 'Killjoy' Nga cung cấp cho Belarus? - Ảnh 1.

Hệ thống phòng không S-300. Ảnh: Getty

Hôm 1/11, Bộ Quốc phòng Vương quốc Anh cho biết họ tin rằng tên lửa Killjoy của Nga đang được cất giữ tại sân bay Machulishchy của Belarus. Các hình ảnh vệ tinh cho thấy máy bay phản lực của Nga đậu tại sân bay cùng với một cái hộp "có khả năng" gắn với một tên lửa đạn đạo phóng từ trên không Killjoy, Bộ viết trong bản cập nhật tình báo hàng ngày.

Tên lửa Killjoy có một số lợi thế so với các tên lửa khác mà Mỹ đã cung cấp cho Ukraine, bao gồm Hệ thống Tên lửa Pháo binh Cơ động Cao M142 (HIMARS). Ví dụ, chúng có thể mang trọng tải hạt nhân và di chuyển với tốc độ khoảng 15.000km/giờ.

Giám đốc Trung tâm Sáng kiến An ninh Quốc gia tại Đại học Colorado, ông Iain Boyd nói với Newsweek hôm 1/11 rằng hệ thống phòng không hiện tại của Ukraine sẽ chỉ có thể bắn hạ khoảng 20% tên lửa siêu thanh do chúng có tốc độ cao.

Vì tên lửa di chuyển quá nhanh nên thời gian phản ứng của hệ thống phòng không quân đội Ukraine sẽ không kịp, ông Boyd nói. Các hệ thống S-300 mà Ukraine sử dụng có tầm bắn từ 10 đến 100 km, trong khi tên lửa Killjoy có thể di chuyển 3 km/giây. Hơn nữa, tên lửa siêu thanh có hành trình bay cao hơn S-300, ông nói.

"Khả năng thành công của các hệ thống này ít hơn. Tên lửa Killjoy có tốc độ nhanh gấp đôi hệ thống phòng không hiện tại của Ukraine", ông nói.

Bộ Quốc phòng Mỹ hôm 31/10 đã cam kết gửi cho Ukraine 8 hệ thống NASAMS cùng các loại bom, đạn liên quan. NASAMS là hệ thống phòng không tầm ngắn. Giám đốc điều hành Raytheon Technologies, Greg Hayes nói với CNBC rằng hệ thống phòng thủ này có thể "đánh sập mọi thứ trên bầu trời, từ máy bay không người lái, tên lửa đạn đạo đến máy bay chiến đấu".

Ông Boyd lưu ý NASAMS sẽ có hiệu quả hơn khi đối đầu với Killjoy.

Mỹ vẫn đang phát triển công nghệ chống lại tên lửa siêu thanh

Quân đội Mỹ vẫn đang nghiên cứu công nghệ nhằm đánh bại tên lửa siêu thanh, ông Boyd nói. Ví dụ, Cơ quan Phòng thủ Tên lửa đang nghiên cứu các cảm biến trong không gian có thể giúp phát hiện tên lửa sớm hơn và các radar tầm xa hơn — cả hai đều sẽ cung cấp cho quân đội thời gian phản ứng lâu hơn. Tuy nhiên, những công nghệ này vẫn còn trong giai đoạn đầu phát triển.

"Hiện tại, chúng tôi vẫn chưa có hệ thống nào đủ khả năng ngăn cản hoàn toàn những vũ khí này", ông nói. 

Việc bố trí các tên lửa siêu thanh ở Belarus có thể cho phép Nga dễ dàng tấn công các mục tiêu quan trọng ở phía tây và phía bắc Ukraine, vì Belarus có chung biên giới phía nam với Ukraine. Đáng chú ý, nước này cho phép Nga cất giữ các tên lửa gần thủ đô Kiev của Ukraine.

Tuy nhiên, tình báo Anh lưu ý rằng vị trí này có thể mang tính biểu tượng hơn là thực sự sẽ gây ra một cuộc xung đột lớn.

Người phát ngôn lực lượng vũ trang Ukraine Yevhen Silkin nghi ngờ rằng Nga sẽ thực hiện các cuộc tấn công từ Belarus. Tuy nhiên, ông cho biết khả năng xảy ra sẽ phụ thuộc vào việc liệu Nga có thể bổ sung thêm ít nhất 50.000 quân tiếp viện thông qua các nỗ lực huy động liên tục hay không. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem