Hệ thống trường từ mầm non tới đại học sẽ được sắp xếp lại

Thứ bảy, ngày 28/10/2017 12:12 PM (GMT+7)
Nghị quyết số 19 của Trung ương Đảng nêu rõ không nhất thiết tỉnh nào cũng có trường đại học, Nhà nước đầu tư trường mang tầm cỡ khu vực.
Bình luận 0

Nghị quyết số 19 về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức, quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập được Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành ngày 25.10. Trong đó, lĩnh vực giáo dục đào tạo sẽ được đổi mới mạnh mẽ.

Theo nghị quyết, Trung ương Đảng yêu cầu sáp nhập, hợp nhất hoặc giải thể các trường đại học, cơ sở giáo dục đào tạo hoạt động không hiệu quả, không nhất thiết tỉnh nào cũng có trường đại học. Ngành giáo dục và địa phương phải sắp xếp, tổ chức lại, tập trung xây dựng một số trường sư phạm trọng điểm để đào tạo đội ngũ giáo viên, quản lý giáo dục.

"Nhà nước tập trung đầu tư chiều sâu, cơ sở vật chất, nguồn nhân lực chất lượng cao đối với các trường đại học công lập ở một số lĩnh vực mang tầm cỡ khu vực và quốc tế. Các trường trong Quân đội, Công an chỉ thực hiện nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực cho lực lượng vũ trang", nghị quyết nêu rõ.

img

Trường Đại học Hà Hoa Tiên hoạt động không hiệu quả đã được Bộ Công an mua lại với mục tiêu đầu tư, nâng cấp để thành lập cụm trường công an.

Đối với giáo dục mầm non, phổ thông, Ban Chấp hành Trung ương chỉ đạo phải tổ chức lại gắn với nâng cao chất lượng giáo dục, hình thành trường phổ thông nhiều cấp học (tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông) phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế của mỗi địa phương.

Quy mô lớp học cũng được rà soát, điều chỉnh lại một cách hợp lý, thu gọn các điểm trường trên nguyên tắc thuận lợi cho người dân và phù hợp với điều kiện thực tế của vùng, miền, địa phương. Ở những nơi có khả năng xã hội hóa cao, Trung ương cho phép tạo điều kiện để các cơ sở giáo dục mầm non, trung học phổ thông chuyển đổi mô hình từ công lập ra ngoài công lập.

Hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp sẽ được hệ thống lại theo hướng mở và linh hoạt, đáp ứng nhu cầu nhân lực của thị trường lao động. Nhà nước chỉ tập trung đầu tư một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao và cơ sở giáo dục nghề nghiệp cho các nhóm đối tượng đặc thù phù hợp với khả năng đầu tư của nhà nước và khả năng huy động nguồn lực của xã hội.

Lần này, Trung ương chỉ đạo kiên quyết sáp nhập trường trung cấp vào trường cao đẳng; giải thể trường trung cấp, cao đẳng hoạt động không hiệu quả.

"Về cơ bản, trên địa bàn cấp tỉnh chỉ còn một đầu mối đào tạo nghề công lập. Cần sáp nhập trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục hướng nghiệp, trung tâm dạy nghề thành một cơ sở giáo dục dạy nghề trên địa bàn cấp huyện", nghị quyết nêu rõ.

Trung ương cũng khuyến khích thành lập các đơn vị sự nghiệp ngoài công lập, giao quyền tự chủ cho trường đại học; có cơ chế, chính sách tạo điều kiện để thành lập doanh nghiệp đa sở hữu trong các viện nghiên cứu, trường đại học nhằm ứng dụng, thương mại hóa kết quả nghiên cứu.

Các doanh nghiệp được khuyến khích phát triển cơ sở giáo dục nghề nghiệp để đào tạo đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động. Doanh nghiệp cũng sẽ được tham gia giáo dục nghề nghiệp theo hình thức đặt hàng của Nhà nước và của doanh nghiệp khác; tham gia xây dựng chương trình đào tạo và đánh giá kết quả học tập của học sinh, sinh viên.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm học 2016-2017 cả nước có hơn 14.880 trường mầm non (ngoài công lập gần 2.300); hơn 15.000 trường tiểu học (113 trường ngoài công lập); gần 11.000 trường THCS (55 trường ngoài công lập); hơn 2.800 trường THPT (55 trường ngoài công lập); 235 trường đại học (ngoài công lập là 65).

Ngoài ra, còn hệ thống đông đảo trường nghề, trường trung cấp chuyên nghiệp do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội quản lý.

Hoàng Thùy (VNE)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem