Heo hơi tăng nóng, thịt tại chợ tăng tăng giá

Chủ nhật, ngày 24/07/2022 22:11 PM (GMT+7)
Chiến sự Ukraine: Giá heo hơi tăng nóng lên mức 75.000 đồng/kg kéo theo giá thịt thành phẩm tại các chợ, siêu thị neo cao trở lại. Phó thủ tướng yêu cầu có biện pháp bình ổn ngay giá thịt.
Bình luận 0

Từ đầu tháng 7, giá heo hơi xuất chuồng có xu hướng tăng liên tục, lên 61.000-73.000 đồng/kg, đáng chú ý có thời điểm vọt lên mốc 75.000 đồng/kg.

Ngày 24/7, tại miền Bắc, giá heo hơi dao động trong khoảng 69.000-73.000 đồng/kg. Nam Định và Hưng Yên lần lượt thu mua với giá 71.000 đồng/kg và 73.000 đồng/kg. Vĩnh Phúc là tỉnh giao dịch ở mức thấp nhất khu vực với 69.000 đồng/kg.

Giá heo hơi tại miền Trung, Tây Nguyên dao động trong khoảng 66.000 - 73.000 đồng/kg. Còn tại khu vực miền Nam đồng loạt tăng mạnh trong tuần qua, đáng chú ý có nơi tăng tới 10.000 đồng/kg. Hiện, dao động quanh ngưỡng 65.000-72.000 đồng/kg.

Như vậy, từ mốc 46.000-48.000 đồng/kg vào thời điểm đầu năm, tính đến nay, heo hơi đã tăng lên mức 69.000-73.000 đồng/kg, tùy địa phương. Nhìn chung, trong 6 tháng đầu năm, giá heo hơi đã tăng khoảng 23.000-29.000 đồng/kg, tương đương tăng 30-38%.

Heo hơi tăng nóng, thịt tại chợ tăng - Ảnh 1.

Tại chợ tăng, siêu thị vẫn neo cao

Khảo sát tại một số chợ truyền thống, cửa hàng thực phẩm và chợ lẻ trên địa bàn TP Hà Nội như chợ Linh Lang, Cống Vị (quận Ba Đình), chợ Mỹ Đình (quận Nam Từ Liêm), chợ Hoàng Văn Thái (quận Thanh Xuân)... giá bán lẻ thịt lợn tăng thêm 5.000-10.000 đồng/kg. Hiện giá mặt hàng này ở mức 100.000-180.000 đồng/kg, tùy loại thịt.

Chị Hà, tiểu thương bán thịt tại chợ Hoàng Văn Thái (quận Thanh Xuân) thừa nhận từ đầu tháng đến nay giá heo hơi tăng liên lục nên giá bán thịt mảnh tại chợ phải tăng theo. "Hiện, giá thịt ba chỉ ở mức 140.000 đồng/kg, sườn ngon ở mức 170.000 đồng/kg, nạc vai ở mức 130.000 đồng/kg. Mức giá này cao hơn tháng trước khoảng 10.000-15.000 đồng/kg", chị nói.

Theo chị, giá xăng dầu thời gian qua tăng cao khiến giá hàng hóa, chi phí vận chuyển đồng loạt tăng trong khi sức mua giảm. Chưa kể gần đây giá heo hơi tăng khiến giá bán tại chợ phải tăng theo.

Tương tự, một tiểu thương tại chợ Mỹ Đình cũng cho biết vì heo tăng giá liên tục, sức mua không cao nên người bán cũng không dám nhập nhiều hàng như trước. Theo người này, dù giá tăng hay giảm thì sức mua tại các chợ truyền thống thời gian qua không còn được như trước, người mua chuyển dần sang siêu thị, cửa hàng thực phẩm.

Tại các siêu thị ở TP.HCM và Hà Nội, giá thịt heo các loại có tăng và neo ở mức rất cao, đặc biệt với các nhãn hàng có thương hiệu. Cụ thể, tại cửa hàng Bách Hóa Xanh, thịt ba rọi heo C.P có giá 188.000 đồng/kg, thịt đùi heo giá 146.000 đồng/kg, sườn non heo C.P có giá 238.000 đồng/kg...

Còn tại siêu thị Co.opmart (quận Hà Đông), sườn non có giá 189.900 đồng/kg, thịt nạc đùi cũng có giá lên tới 164.900 đồng/kg. Tại chuỗi cửa hàng Winmart+, ba rọi heo Meat Deli giá 179.900 đồng/kg, thịt vai 159.900 đồng/kg, nạc thăn khoảng 161.900 đồng/kg, sườn thăn (sườn non) loại cao cấp lên tới hơn 300.000 đồng/kg.

Heo hơi tăng nóng, thịt tại chợ tăng - Ảnh 2.

Không chỉ giá bán lẻ ở chợ tăng, mà giá tại siêu thị và các hệ thống cửa hàng bán lẻ cũng đồng loạt tăng cao. Ảnh: T.T.

Vì sao giá heo hơi tăng nóng?

Trao đổi với Zing, ông Nguyễn Kim Đoán - Phó chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai cho rằng giá heo hơi trong nước thời gian gần đây tăng do tăng theo các nước trong khu vực như Trung Quốc hiện giá heo tăng tới 80.000 đồng/kg, Thái Lan hơn 70.000 đồng/kg.

"Bên cạnh đó, giá thức ăn chăn nuôi, đặc biệt là giá cám tăng 15 lần so với năm 2020 cũng là nguyên nhân khiến giá heo hơi tăng nóng. So với năm 2020 đến nay chi phí chăn nuôi heo đã tăng khoảng 2 triệu đồng/con. Do đó giá heo tăng lên để phù hợp yêu cầu sản xuất", ông Đoán đánh giá.

Tuy nhiên, Phó chủ tịch hiệp hội này cho rằng mức tăng này, người nông dân vẫn chỉ huề vốn chứ chưa thể có lãi. Ngoài ra, nhiều nơi đang có tình trạng ngại tái đàn vì lo ngại dịch tả lợn châu Phi, điều này cũng khiến nguồn cung giảm.

"Dự báo từ nay đến hết năm, giá thức ăn chăn nuôi vẫn tiếp tục tăng do chiến sự tại Ukraine", ông nói thêm.

So với năm 2020 đến nay chi phí chăn nuôi heo đã tăng khoảng 2 triệu đồng/con. Do đó giá heo tăng lên để phù hợp yêu cầu sản xuất.

Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai.

Thực tế, hiện nay không chỉ nguyên liệu đầu vào các ngành sản xuất mặt hàng tiêu dùng tăng mà ngành chăn nuôi, trồng trọt cũng đối mặt với làn sóng tăng giá. Từ thức ăn chăn nuôi, phân bón, bao bì, túi nylon, nguyên liệu sản xuất đều tăng lên mức kỷ lục, gây áp lực không nhỏ cho người nông dân.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), trong 6 tháng đầu năm, giá heo hơi tại các vùng trên cả nước tăng 15-22% so với cuối năm 2021. Cơ quan này cho rằng giá heo hơi tăng nhờ nhu cầu tiêu thụ thịt và các sản phẩm từ thịt tăng trở lại do các hoạt động du lịch, văn hóa và lễ hội, các nhà hàng, nhà ăn tại trường học và nhà máy mở cửa trở lại.

Trong 6 tháng đầu năm, tổng sản lượng thịt các loại khoảng 3,4 triệu tấn, trong đó, sản lượng thịt bò 241.200 tấn, tăng 4,4%; sản lượng sữa 617,8 triệu lít, tăng 10,1%; sản lượng thịt lợn hơi khoảng 2,12 triệu tấn, tăng 5,7%; sản lượng thịt gia cầm 980.700 tấn, tăng 5,2% và sản lượng trứng 8,8 tỷ quả, tăng 4,8%.

"Do ảnh hưởng của giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trên thế giới, giá nguyên liệu trong 6 tháng đầu năm đều tăng so với cùng kỳ 2021 dẫn đến giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm cũng tăng 36-38%", Bộ NNPTNT thông tin.

Trước diễn biến giá thịt lợn và nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng cao, ngày 22/7, Phó thủ tướng Lê Minh Khái đã có chỉ đạo yêu cầu Bộ Công Thương, Bộ NNPTNT bảo đảm cân đối cung cầu, nguồn cung, thực hiện ngay biện pháp bình ổn giá thịt. Ngoài ra, ông cũng yêu cầu làm rõ những bất cập, hạn chế (nếu có) đề xuất giải pháp khắc phục đảm bảo giảm thiểu các khâu trung gian đẩy chi phí lưu thông, tăng giá bán.



Thanh Thương (zingnews.vn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem