“Hết cửa” cho phân bón giả, kém chất lượng

Trần Quang (thực hiện) Thứ tư, ngày 25/06/2014 08:00 AM (GMT+7)
Trước tình trạng phân bón giả, phân bón kém chất lượng hoành hành, trao đổi với phóng viên NTNN, ông Nguyễn Duy Khuyến - Tổng Giám đốc Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao (NPK Lâm Thao) khẳng định: Nghị định 202 ra đời góp phần giúp các cơ quan quản lý nhà nước dẹp dần nạn phân bón giả, kém chất lượng.
Bình luận 0

Theo đánh giá của ông, Nghị định 202 có điểm gì mới so với các nghị định trước đó?

- So với Nghị định 113 và 191, Nghị định 202 ngày 27.11.2013 của Chính phủ có nhiều nét mới, với những điều khoản chặt chẽ, khắt khe hơn. Thứ nhất, các đơn vị muốn được cấp phép sản xuất phân bón phải có đủ nhà xưởng, phòng thí nghiệm. Thứ hai, Nghị định 202 cũng quy định rõ hơn về các chủng loại phân bón và các tiêu chuẩn kèm theo nên khi kiểm tra, đánh giá cũng dễ dàng hơn. Thứ ba, sẽ có nhiều phòng thí nghiệm có đủ cơ sở để phân tích, đánh giá các loại phân bón ở địa phương xem có đủ tiêu chuẩn, có công bố chất lượng an toàn hay không...

Đáng chú ý nhất là Nghị định 202 đưa ra các chế tài xử lý mạnh hơn, qua đó tăng tính răn đe đối với các đơn vị, cá nhân có ý định sản xuất phân bón giả, kém chất lượng. Làm nghiêm theo Nghị định 202 thì phân bón giả, nhái nhãn mác, kém chất lượng sẽ “hết cửa” sống.

Thưa ông, với các đơn vị, cá nhân sản xuất phân bón, việc thực hiện Nghị định 202 có gặp khó khăn gì không?

- Đến nay, các cơ quan quản lý Nhà nước vẫn đang tiếp tục lấy ý kiến cho dự thảo thông tư hướng dẫn thực hiện nghị định. So với tiến độ, các thông tư ban hành chậm, nhưng cũng là cần thiết để ngành chức năng cân nhắc các quy định, chế tài sao cho nghị định thực sự có tính khả thi, phù hợp và hiệu quả, góp phần giúp các đơn vị, doanh nghiệp sản xuất phân bón chân chính yên tâm sản xuất, kinh doanh cũng như giúp bà con nông dân được hưởng lợi. Tuy nhiên, cá nhân tôi cho rằng Nghị định 202 cần siết chặt việc cấp phép, theo đó các doanh nghiệp phải có đủ điều kiện, đủ tiêu chuẩn thì mới được cấp phép sản xuất phân bón.

Trước đây, việc cấp phép cho các đơn vị sản xuất phân bón có phần dễ dãi, thậm chí nhiều cơ sở không có cán bộ kỹ thuật, sử dụng “công nghệ” sản xuất phân bón bằng cuốc, xẻng, gạch, đá... làm thiệt hại đến sản xuất của bà con cũng như làm ảnh hưởng đến các doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Thời gian qua, chúng tôi cũng đã nhiều lần phát hiện một số cơ sở làm giả phân bón NPK Lâm Thao, đơn cử như năm 2013 đã phát hiện một số vụ ở Thanh Hóa, Hà Nội và Bắc Giang, khiến người tiêu dùng rất hoang mang. Để hạn chế tình trạng làm giả phân bón, nhái nhãn mác và sản xuất phân bón kém chất lượng, chúng tôi đã thực hiện giải pháp xây dựng hệ thống cửa hàng bán phân bón NPK Lâm Thao đến tận thôn, xã, bản làng. Các cửa hàng trên phải ký cam kết bán, cung cấp đúng loại phân bón với chất lượng tốt cho người dân, nếu phân bón có vấn đề thì các cửa hàng đó phải chịu hoàn toàn trách nhiệm.

Với bà con nông dân, ông có lời khuyên nào để bà con thực sự là những người sử dụng phân bón thông thái?

- Về phía người nông dân, chúng tôi luôn khuyến cáo bà con nên sử dụng các loại phân bón có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, tốt nhất là nên mua các loại phân bón có thương hiệu trên thị trường, không nên ham rẻ, ham hàng khuyến mãi mà dễ mua phải phân bón giả, kém chất lượng.

“Chúng tôi cũng kiến nghị Hội Nông dân Việt Nam cần đẩy mạnh việc tuyên truyền, bổ sung kiến thức sử dụng phân bón cho hội viên nông dân. Đặc biệt là khuyến khích, hướng dẫn bà con tránh mua các loại phân bón không có thương hiệu, không rõ nguồn gốc xuất xứ”.
Ông Nguyễn Duy Khuyến
Để giúp bà con nông dân chọn mua được phân bón tốt cũng như phân biệt được các loại phân bón giả, kém chất lượng, hàng năm NPK Lâm Thao đều tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo đầu bờ nhằm tuyên truyền, trang bị kiến thức cho nông dân về sử dụng phân bón đúng cách, hợp lý, phân biệt phân bón giả; xây dựng mô hình hướng dẫn bà con sử dụng phân bón hiệu quả cho cây trồng...

 

Thông qua việc xây dựng các mô hình sản xuất lúa, ngô, khoai... chúng tôi đã chứng minh được rằng, nếu nông dân bón phân NPK Lâm Thao đúng cách, sử dụng đúng liều lượng sẽ góp phần tăng thu nhập từ 6 - 20 triệu đồng/ha.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem