Hết lòng giữ tiếng đàn kìm

Cao Văn Minh Toàn Thứ hai, ngày 17/11/2014 10:31 AM (GMT+7)
Xuất thân trong một gia đình có cha theo nghiệp đàn ca tài tử, ông Lâm Quốc Thanh ở xã Lương Hòa Lạc (Chợ Gạo, Tiền Giang) đã gắn bó với cây đàn kìm mấy chục năm qua. Như một duyên số tiền định, ông Thanh đang hết lòng đem tiếng đàn kìm bay xa, vang xa.   
Bình luận 0

Tâm nguyện của cha

Hiện ông Lâm Quốc Thanh đang tham gia sinh hoạt tại Câu lạc bộ (CLB) Đờn ca tài tử (ĐCTT) huyện Chợ Gạo và ấp Long Mỹ, xã Phước Thạnh, TP. Mỹ Tho. Ông nổi tiếng là người có ngón đàn "ngọt lịm", dễ dàng níu chân những ai đam mê nghệ thuật ĐCTT.

Chúng tôi đến thăm ông Thanh khi ông vừa cùng dàn nhạc của CLB ĐCTT ấp Long Mỹ hòa tấu điệu "Lý con sáo Gò Công" cho một nghệ sĩ "cây nhà lá vườn" hát. Tiếng đàn kìm du dương hòa lẫn nhịp gõ song loan của ông Quốc Thanh giúp cho bài hát thêm trọn vẹn, thu hút đông đảo người dân địa phương đến xem.

imgÔng Thanh (trái) đang đàn tại một buổi sinh hoạt ĐCTT.        C.V.M.T

 

Ngay từ nhỏ, ông Thanh đã được nghe ngón đàn du dương, trầm bổng của cha mình dạo lên trong mỗi lần tập cho nghệ sĩ trước các buổi biểu diễn hay các buổi sinh hoạt văn nghệ tại địa phương, nhưng lúc đó, ông chỉ thích thưởng thức chứ không thích đàn. Ông Thanh nói: “Nhiều lần cha bắt ép, chỉ cách đàn nhưng tôi vẫn không thích, không chú tâm học. Đến khi cha qua đời, ông cầm tay dặn tôi “con phải nối nghiệp cha, giữ hồn cho tiếng đàn kìm được trầm bổng theo thời gian".

Nhớ lời cha dặn, ông ra sức rèn luyện ngón đàn kìm, ông bắt đầu mày mò học theo những “kinh nghiệm” cha để lại. Do đã ngấm sâu và hiểu được cung bậc của từng phím đàn ngay từ nhỏ, cộng với năng khiếu có sẵn, nên với ông Thanh bắt đầu đàn là không quá khó. Từ đó, ông ra sức rèn luyện để nâng cao tay nghề và gắn bó với cây đàn kìm cho đến ngày hôm nay.

Khi đã thạo nghề, ông bắt đầu tham gia vào CLB ĐCTT tại xã Lương Hòa Lạc. Thấy ngón đàn của ông có hồn, làm say đắm lòng người, nhiều CLB ĐCTT đã mời ông tham gia. Đến nay, ông tham gia nhiều CLB ĐCTT của huyện Chợ Gạo, TP.Mỹ Tho, huyện Châu Thành… và cũng tham gia đàn cho hội thi cổ nhạc do các đội nhóm, CLB, của các huyện, thị, thành tổ chức. Bên cạnh đó, ông thường xuyên đi giao lưu ĐCTT khắp nơi để nâng cao tiếng đàn, đưa cây đàn kìm trở thành “quân từ cầm” trong bộ nhạc cụ của loại hình nghệ thuật ĐCTT và quan trọng hơn là góp phần vực dậy phong trào ĐCTT tại các địa phương, đưa ĐCTT trở lại thời hoàng kim như những năm về trước.

Khó tìm người kế nghiệp

Quan điểm

Ông Lâm Quốc Thanh
 Nếu thời gian quay trở lại, tôi sẽ theo nghiệp ĐCTT và gắn với cây đàn kìm sớm hơn, bởi khi đã đàn rồi thì mê lắm. Hầu như ngày nào tôi cũng lấy cây đàn ra vừa tập vừa chơi”. 
Ông Thanh nói, không phải ai cũng có thể "chơi" được cây đàn kìm, muốn đàn thì cần phải có năng khiếu, một đôi tai biết cảm thụ, một bàn tay nhanh nhẹn, đặc biệt là phải yêu bộ môn nghệ thuật ĐCTT. Người học đầu tiên phải biết chút ít về ĐCTT và phải học từ kiến thức căn bản tới nâng cao, tập đàn cho quen "Hò, xừ, xang, xê, cống...". Ai tiếp thu nhanh thì trong vòng khoảng 5 tháng là có thể đàn được những bài bản nhỏ.

 

Đã hơn 60 tuổi nhưng với ông Thanh, tiếng đàn kìm vẫn có một sức quyến rũ bởi đây không chỉ là loại nhạc cụ gắn lời căn dặn của cha trước lúc đi xa mà so với những loại nhạc cụ khác thì tiếng đàn kìm chững chạc, thể hệ rõ ràng từng cung bậc. Tiếng đàn kìm du dương, réo rắt cũng là tiếng lòng, tiếng đời của người chơi đàn với những cung bậc cảm xúc khác nhau…

Tuy nhiên, ông Thanh cũng cho biết, hiện nay tìm người kế nghiệp, ôm cây đàn kìm là quá khó vì thế hệ trẻ bây giờ ít ai chịu theo nghiệp ĐCTT. Nhiều năm nay, ông vẫn hy vọng có người thật sự có khiếu, đam mê ĐCTT để nối nghiệp. Thế nhưng, tìm mãi vẫn không được người ưng ý để truyền nghề.

Ông Thanh thở dài: "Nếu thời gian quay trở lại, tôi sẽ theo nghiệp ĐCTT và gắn với cây đàn kìm sớm hơn, bởi khi đã đàn rồi thì mê lắm. Hầu như ngày nào tôi cũng lấy cây đàn ra vừa tập vừa chơi. Nếu không tập thường xuyên thì tay sẽ bị cứng, thể hiện không lưu loát. Bây giờ với tôi, đàn không phải để kiếm sống mà đàn để thỏa mãn niềm đam mê, giữ cho tiếng đàn được bay cao, bay xa cùng những cung bậc, cảm xúc trầm bổng theo thời gian và quan trọng hơn là có thể giới thiệu loại hình nghệ thuật độc đáo này đến với bạn bè quốc tế”.

Cuộc trò chuyện của chúng tôi tạm dừng khi có lời yêu cầu ông Thanh cùng dàn nhạc đàn bài vọng cổ nhịp 32 "Hoa mua trắng", nhìn ông Thanh cặm cụi đàn "Hò, xừ, xang, xê, cống" cùng với giọng hát lên cống, xuống hò ngọt lịm của nghệ sĩ miệt vườn. Chúng tôi nghĩ, chính ông Thanh cùng bao nghệ sĩ không chuyên khác đã góp phần giữ lửa, phát huy loại hình nghệ thuật độc đáo, mang đậm nét đặc trưng của vùng sông nước ĐBSCL, đưa nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ trở thành di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem