Mùa mưa bão năm 2013, Vĩnh Phúc có 7 người chết, khoảng 9.000ha lúa, hoa màu, thủy sản bị mất trắng, một đập bị vỡ, hàng chục hồ, đập sụt lún, rò rỉ không an toàn… Năm nay, không ai dám chắc tai họa sẽ không tiếp tục xảy ra.
“Vá” điểm vỡ cũ lại phát sinh điểm mới
Với địa hình là một tỉnh trung du, miền núi, Vĩnh Phúc hiện có tới 441 hồ, đập các loại, trong đó 11 hồ, đập có dung tích trên 1 triệu m3. Đầu tháng 8, chúng tôi trở lại “điểm đen” đập tràn Phân Lân hạ (xã Tạo Trù, huyện Tam Đảo). Hiện phần vỡ của năm trước đã được khắc phục xây mới và tích nước. Tuy nhiên, nhìn vết tích trận vỡ đập còn chưa lành, người dân nơi đây vẫn nơm nớp lo sợ. Họ cho rằng vị trí xây đập, kết cấu kỹ thuật đập chưa hợp lý, hơn nữa việc để xe ô tải đi qua là rất nguy hiểm, thân đập sẽ nhanh chóng xuống cấp và nguy cơ đập tiếp tục vỡ là khó tránh khỏi.
Cách đó không xa, là “điểm đen” hồ Xạ Hương (xã Minh Quang, huyện Tam Đảo). Tại thời điểm này, trên thân đập gần chục máy khoan phụt vẫn nằm đó, vài công nhân đang hì hục vác đá kè mái đập tại các vị trí khoan phụt.
Ông Văn Đăng Khánh – Giám đốc Công ty Thủy lợi Tam Đảo thừa nhận, mùa mưa bão năm 2013, hồ Xạ Hương đứng trước nguy cơ vỡ rất cao do mái đập có nhiều vị trí bị sụt lún, nước rò rỉ rất mạnh. Sau khi báo chí phản ánh, công ty và UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã lập dự án “Xử lý cấp bách chống thấm thân đập hồ chứa nước Xạ Hương” trình T.Ư để xin kinh phí khắc phục. Dự toán là gần 38 tỷ đồng, sau đó rút xuống gần 30 tỷ đồng và cuối cùng là xấp xỉ 14 tỷ đồng do Công ty Thủy lợi Tam Đảo làm chủ đầu tư.
Ông Trần Duy Hưng – Cụm trưởng cụm đầu mối Xạ Hương, kiêm giám sát thi công cho biết, công trình có tổng cộng 210 mũi khoan với chiều dài gần 4,9km “Hiện hồ đang tích nước dưới cốt 88m. Nhưng đa số vị trí nước thấm nằm ở cốt 91m trở xuống, nếu tháng 9 thời điểm tích nước chắc chắn thân đập vẫn rò rỉ. Nguy hiểm hơn nếu mưa to, lũ lớn mực nước trong hồ lên cao, đặc biệt là tràn hồ thì cực kỳ nguy hiểm – ông Hưng nhận định.
Trong khi những “điểm đen” cũ chưa được khắc phục triệt để, thì hàng loạt “điểm đen” mới lại xuất hiện, trong đó phải kể đến đập Phân Lân thượng, hồ Thanh Lanh, Vĩnh Thành, suối Sải, Bò Lạc… Đập Phân Lân thượng cách đập Phân Lân hạ khoảng 1km, nhưng nằm ở vị trí cao hơn rất nhiều. Theo quan sát của PV, trên thân đập nhiều vị trí sụt lún tới 40 – 50cm, chạy dài hàng mét, nước rò rỉ rất mạnh. Tại mặt phía lòng hồ, mặc dù được kè bê tông, nhưng nhiều tấm bê tông đã bị bong gẫy, sụt lún nham nhở.
Mỗi năm chịu ngập lụt tới cả 10 lần
Vĩnh Phúc có tới 7 con sông chảy qua gồm sông Hồng, sông Lô, sông Cà Lồ, sông Cầu, sông Phó Đáy và sông Phan. Nhưng đáng chú ý nhất là sông Cà Lồ, sông Phó Đáy và sông Cầu, bởi đây là các sông chảy uốn lượn qua nhiều huyện trước khi đổ ra sông Hồng. Do địa hình nghiêng thấp lòng chảo, nên các huyện Bình Xuyên, Yên Lạc, Tam Dương, Vĩnh Tường hễ có mưa lớn là lại ngập, năm nào cũng thế ít thì 3 – 4 lần ngập lụt.
Anh Nguyễn Văn Thành, một người dân ở thị trấn Hương Canh (huyện Bình Xuyên) cho biết: “Hầu như năm nào cũng xảy ra sự cố tràn đê bao ở Đầm Mong, còn việc ngập lụt thì năm nào cũng xảy ra vài lần, có năm đến cả chục lần. Hễ cứ mưa to kéo dài là lại ngập”. Song tuyến đê này cũng chỉ được đắp tạm thời bằng những bao tải đất, chứ không được tu sửa đắp cao kiên cố, do đó mùa mưa năm nay nếu lượng mưa lớn, mực nước dâng cao việc tràn đê, vỡ đê là điều khó tránh khỏi.
Ông Đường Văn Hải – Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Thủy lợi Liễn Sơn, đơn vị quản lý các công trình thủy lợi tưới, tiêu thuộc các huyện Lập Thạch, Tam Dương, Vĩnh Tường, Bình Xuyên, Vĩnh Yên, Phúc Yên thừa nhận, nếu lượng mưa trên 200mm kéo dài thì việc ngập úng là khó tránh khỏi, song công ty cũng đang bế tắc vì lực bất tòng tâm.
Theo ông Hải, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc ngập úng này, thứ nhất do địa hình của Vĩnh Phúc trũng về phía Nam, nên khi mưa các huyện Bình Xuyên, Yên Lạc, Tam Dương… trở thành rốn lũ. Thứ hai, hầu hết các con sông đều chảy ngang, chênh lệch giữa điểm đầu và cuối không lớn, hơn nữa lòng sông bị người dân lấn chiếm làm nhà, đóng cọc làm lồng bè nuôi trồng thủy sản, bèo, vứt rác bừa bãi… làm hạn chế dòng chảy, do đó khi nước sông dâng cao, sẽ bão hòa với nước trong đồng dẫn đến úng ngập.
“Hiện chúng tôi chủ yếu tiêu ra sông Cà Lồ rồi chảy ra sông Cầu với dòng tiêu dài gần 60km, vì vậy nếu sông Cầu nước lên cao sẽ chảy ngược trở lại và như vậy việc tiêu úng sẽ tê liệt hoàn toàn”– ông Hải cho hay.
317 hồ đang hư hỏng nặng
Việt Nam hiện có 6.500 hồ chứa thủy lợi, với tổng dung tích khoảng 11 tỷ m3, trong đó có 560 hồ chứa lớn (dung tích trên 3 triệu m3); 1.752 hồ dung tích từ 0,2-3 triệu m3, còn lại là hồ dung tích dưới 0,2 triệu m3. Theo Bộ NNPTNT, vấn đề lo ngại nhất hiện nay là cả nước có 317 hồ chứa bị hư hỏng, được ví như những "quả bom nước", trong đó có 120 hồ trọng điểm cần được quan tâm, bảo đảm an toàn trong mùa mưa lũ 2013. Đối với các hồ chứa có dung tích trên 3 triệu m3 hoặc đập cao trên 15m, có đến 25 đập đang bị thấm ở mức độ mạnh, 9 hồ hư hỏng tràn xả lũ, 13 hồ hư hỏng thân cống, 17 hồ thiếu khả năng xả lũ theo quy chuẩn, tiêu chuẩn...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.