Hiểm họa từ thủy đài bỏ hoang

Thứ bảy, ngày 26/09/2015 03:00 AM (GMT+7)
Các thủy đài trăm tuổi ở TP HCM đang là nỗi lo thường trực của nhiều người.
Bình luận 0

Chuyện thủy đài trăm tuổi chực chờ gây họa không phải chỉ có người dân thấy mà các cơ quan chức năng cũng thấy nhưng chậm xử lý.

Ai cũng thấy...

Theo thống kê, trên địa bàn TP HCM hiện có hơn 100 thủy đài lớn nhỏ, hầu hết không còn sử dụng vào mục đích chứa nước, điều hòa áp lực nước. Điều đáng nói, những thủy đài được xây từ thời Pháp, Mỹ đang trong quá trình rệu rã, hư hỏng nặng.

img

Một thủy đài được xây từ thời Pháp đang trong tình trạng xuống cấp

Chiều 20-9, bà Phạm Thị Bé (63 tuổi) vừa bước vào con hẻm trên đường Tô Ký (gần cầu vượt Quang Trung, quận 12), bất ngờ một mảnh bê tông bằng viên gạch rơi từ trên trời xuống. May thay, vị trí rơi cách bà đứng 3 bước chân nên không bị gì. Ngước nhìn lên, bà Bé hoảng hồn khi phát hiện mảnh bê tông rơi từ thủy đài xuống.

Theo quan sát, thủy đài cao trên 30 m. Phía dưới là gần chục căn nhà lụp xụp mái tôn có nhiều người cư ngụ... Hiện tại, các trụ thủy đài đã hỏng, nhiều vị trí bị bong tróc.

Đáng nói, người dân nơi đây nhiều lần kiến nghị đến cơ quan chức năng nhưng vẫn chưa có sự thay đổi.

“Những ngày qua, vụ sập căn biệt thự tại Hà Nội và cách đó không lâu bé gái ở Thủ Đức bị bồn nước đè chết khiến tôi ngày đêm lo lắng” - bà Trần Thị Lắm, chủ căn nhà 3 tầng nằm sát thủy đài hình cây nấm khổng lồ trên đường Lê Đại Hành (quận 11), nói.

Theo bà Lắm, từ sân thượng nhà bà đến đỉnh tháp thủy đài chỉ tầm 15 m. Tại đây có thể thấy rất rõ vết nứt, chắp vá bằng xi măng tạm bợ. “Nếu không sử dụng thì nên đập bỏ chứ để như thế này có ngày ngã xuống cả nhà tôi không biết ra sao!” - bà Lắm lo lắng.

... Nhưng từ từ tính!

Một cán bộ công tác trong lĩnh vực cấp thoát nước của Sở Giao thông Vận tải TP HCM cho biết cách đây khoảng 7-8 năm, sau khi xảy ra một số vụ ngã đổ thủy đài, Sở Xây dựng TP có khảo sát, ghi nhận nhiều thủy đài đã bị hư hỏng nặng cần phải đập bỏ. Trong đó, đáng lưu ý là có đến 8 thủy đài hình nấm khổng lồ do Mỹ xây dựng đến nay vẫn chưa một lần được đưa vào sử dụng. “Trách nhiệm này thuộc công ty cấp nước” - vị cán bộ này nói.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động trưa 25-9, ông Bạch Vũ Hải, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (SAWACO), thừa nhận những thủy đài hình nấm đều là tài sản của SAWACO, được tổng công ty và các chi nhánh đồng quản lý. “Việc đập phá những thủy đài hình nấm do nguy cơ đổ ngã chỉ là tin đồn, bởi kết cấu hạ tầng rất vững chắc” - ông Hải khẳng định.

Nói chắc là vậy nhưng ông Hải lại cho hay trước đây, SAWACO đã cùng Bộ Xây dựng khảo sát các thủy đài, bằng việc bơm nước lên để kiểm tra. Qua đó, nhận thấy xảy ra tình trạng rò rỉ nước (?!).

Theo ông Hải, SAWACO đang đưa ra 2 phương án giải quyết 8 thủy đài khổng lồ hình nấm. Một là tiếp tục cho các chuyên gia vào kiểm tra lần nữa sau đó tiến hành trám các vị trí gây rò rỉ nước để tái sử dụng. “Tuy nhiên, với giải pháp này phải tính toán xem có cần thiết hay không, bởi khu vực có thủy đài áp lực nước đã bảo đảm. Chưa kể việc sử dụng không những không hiệu quả mà gây lãng phí” - ông Hải thông tin.

Phương án thứ 2 là đập bỏ để lấy quỹ đất làm bể ngầm chứa nước. Những phương án này chỉ mới đề ra, thời gian tới sẽ kiến nghị lên UBND TP xin chỉ đạo.

Cũng theo ông Hải, ngoài 8 thủy đài trên, SAWACO không quản lý các thủy đài rệu rã còn lại. “Cách đây hàng chục năm, trong quá trình xây dựng khu dân cư, đơn vị quân đội tự xây dựng nhằm phục vụ việc sinh hoạt nên các thủy đài nhỏ do địa phương quản lý là chính” - ông Hải nhấn mạnh.

Trở lại chuyện của thủy đài trên đường Tô Ký có thể sụp đổ bất cứ lúc nào, trao đổi với Báo Người Lao Động, ông Lê Trương Hải Hiếu, Chủ tịch UBND quận 12 (TP HCM), cho biết thủy đài trên không thuộc thẩm quyền quản lý của địa phương. “Thủy đài đó hiện đang nằm trong khu đất của Trường Quân sự Quân khu 7 nên địa phương không quản lý” - ông Hiếu nói.

Ông Hiếu chia sẻ thêm nếu sống ở dưới những thủy đài xuống cấp như vậy thì quả là nguy hiểm. Thế nhưng, như đã nói ở trên vì không thuộc thẩm quyền của địa phương nên địa phương không thể xử lý.

Theo ông Nguyễn Ân, một chuyên gia về cấp nước, việc đập tất cả thủy đài đã xuống cấp là việc cần thiết. Khi trùng tu mà không bảo đảm chất lượng thì các thủy đài hình nấm sẽ gây họa tức thì. Bởi mỗi thủy đài chứa rất nhiều nước. Nếu xảy ra sự cố, một lượng lớn nước từ trên cao đổ xuống, chưa kể bê tông cũng đủ gây ra đại họa.

Theo luật sư Nguyễn Thạch Thảo (Đoàn Luật sư TP HCM), chuyện đã được cảnh báo nhiều năm mà tới giờ mới lên phương án xử lý là quá chậm. Theo luật, nếu xảy ra sự cố thì rõ ràng đơn vị được giao quản lý phải chịu trách nhiệm bồi thường. “Thế nhưng, để xảy ra chuyện đã rồi trong điều kiện mình có thể đoán nó sẽ xảy ra mà không ngăn ngừa thì quả là quá tắc trách” - ông Thảo phân tích.

Hầu hết nằm trong nội thành

Theo ông Bạch Vũ Hải, 8 thủy đài loại lớn do SAWACO quản lý hiện nằm chủ yếu ở các quận nội thành, gồm: đường Hoàng Diệu (quận 4), đường Lê Đại Hành (quận 11), gần Trung tâm Văn hóa quận 5 (quận 5), đường 3 Tháng 2 (quận 10), đường Nguyễn Văn Đậu (quận Bình Thạnh), đường Hồ Văn Huê (quận Phú Nhuận), đường Phạm Phú Thứ (quận 6) và thủy đài 198/2 Nguyễn Thái Sơn (quận Gò Vấp).

Lê Phong (Người lao động)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem