Hiểm nguy từ những chuyến đò ngang ở TP.HCM: Người dân cho rằng thời gian ngắn, không cần mặc áo phao

Chinh Hoàng Thứ ba, ngày 21/02/2023 08:15 AM (GMT+7)
Dù đò, phà được trang bị đầy đủ áo phao, phao cứu sinh nhưng nhiều người dân TP.HCM khi đi đò, phà trên sông vẫn chủ quan, thờ ơ với việc mang áo phao. Họ cho rằng thời gian di chuyển ngắn chỉ 5-10 phút, không cần thiết phải trang bị rườm rà.
Bình luận 0

Nhiều người dân chọn đi đò, phà để tiết kiệm thời gian

Tại bờ sông Đồng Nai (nơi giáp ranh giữa TP.Thủ Đức, TP.HCM và tỉnh Đồng Nai) hiện có nhiều bến đò. Nhiều người dân muốn qua Đồng Nai, thường chọn đi đò từ phường Long Bình, TP.Thủ Đức. Theo họ, việc đi đò qua Đồng Nai khá nhanh, tiết kiệm thời gian thay vì đi những quãng đường khác.

Hiểm nguy từ những chuyến đò ngang ở TP.HCM: Người dân cho rằng thời gian ngắn, không cần thiết mặc đồ bảo hộ - Ảnh 1.

Ông Ngọc Trai (46 tuổi, ngụ TP.Thủ Đức, TP.HCM) cho biết, do đặc thù công việc phải di chuyển qua lại giữa TP.Thủ Đức và Đồng Nai nên ông Trai thường xuyên lựa chọn đi đò để tiết kiệm thời gian. Ghi nhận của phóng viên Dân Việt ngày 20/2, trên chuyến đò này không ai mặc áo phao, kể cả chủ thuyền. Ảnh: Chinh Hoàng

Ghi nhận của phóng viên, phí đi đò mỗi người kèm xe máy 25.000 đồng. Mỗi ngày, những chiếc đò ở phường Long Bình hoạt động từ liên tục từ 5h-17h30, khoảng 50-70 chuyến/ngày. Khi đi trên những chuyến đò này, chuyện mang áo phao để đảm bảo an toàn bị "ngó lơ", dù những chiếc áo phao cũ kỹ vẫn được treo ở khu vực buồng lái.

Tố độ chuyến đò di chuyển nhanh, tuy nhiên trên đò không ai mặc áo phao kể cả người lái đò. Clip: Chinh Hoàng

Ông Ngọc Trai (46 tuổi, ngụ TP.Thủ Đức, TP.HCM) cho biết, do đặc thù công việc phải di chuyển qua lại giữa qua lại giữa TP.Thủ Đức và Đồng Nai nên ông thường xuyên lựa chọn bến đò để tiết kiệm thời gian.

Theo ông Trai, đi từ TP.Thủ Đức sang huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) bằng đường sông thời gian lại nhanh hơn rất nhiều so với việc di chuyển qua Xa lộ Hà Nội và phà Cát Lái.

"Thời gian di chuyển ngắn chỉ hơn 10 phút đò đã cập bến sang tỉnh Đồng Nai, việc mặc đồ bảo hộ tôi thấy rất mất thời gian, rườm rà", ông Trai nói.

Trên cùng chuyến đò qua Đồng Nai với ông Trai, bà Nguyễn Thị Hồng (56 tuổi, ngụ TP.Thủ Đức, TP.HCM) chia sẻ: Thời gian đi đò chỉ mất khoảng 10-15 phút nên việc mang áo phao là không cần thiết. 

Bà Hồng cho rằng, nhiều năm đi qua lại như vậy nhưng rất ít khi mang áo phao, vì đi qua bờ bên kia chỉ mất có một lúc nên mang áo phao mất thời gian "Áo phao cũng không được vệ sinh nên mang lên người sẽ dính bụi bẩn lên quần áo", bà Hồng thổ lộ.

Nhiều người dân đi đò, phà trên sông thản nhiên không mặc áo phao

Tại một số bến đò nhỏ ở quận 8, TP.HCM cũng xuất hiện tình trạng người dân đi đò, phà không mang áo phao. Cụ thể, theo ghi nhận tại bến Rạch Cát, nhiều người đi đò, phà từ đường Lưu Hữu Phước băng qua kênh Đôi để đến đường Phạm Thế Hiển cũng không mặc áo phao.

Hiểm nguy từ những chuyến đò ngang ở TP.HCM: Người dân cho rằng thời gian ngắn, không cần thiết mặc đồ bảo hộ - Ảnh 4.

Đông người và phương tiện qua bến đò Rạch Cát (quận 8, TP.HCM) không ai mặc áo phao, đồ bảo hộ...

Hiểm nguy từ những chuyến đò ngang ở TP.HCM: Người dân cho rằng thời gian ngắn, không cần thiết mặc đồ bảo hộ - Ảnh 5.

Bảng nội quy không mấy ai quan tâm. Ảnh: Chinh Hoàng

Tại bến đò Rạch Cát có "Nội quy bến đò" quy định: "Mỗi hành khách, thuyền viên, người lái phương tiện vận tải hành khách ngang sông phải mặc áo phao hoặc cầm (đeo) dụng cụ nổi cá nhân trong suốt hành trình của phương tiện từ lúc rời bến đến khi an toàn", nhưng thực tế không có ai mang áo phao và chủ đò, phà cũng không yêu cầu khách phải mang áo phao.

Tương tự, tại bến đò Hội Đồng cách bến đò Rạch Cát không xa, tình trạng người dân và thuyền viên không mang áo phao khi đi đò, phà vẫn xảy ra, dù bảng nội quy tại bến có ghi "khách đi đò phải mặc áo phao".

Chị Nguyễn Thị Hải Minh (29 tuổi, ngụ quận 8, TP.HCM) kể, di chuyển bằng đò qua kênh Đôi khá tiện lợi và tiết kiệm thời gian, cộng với việc chi phí chỉ mất 3.000 đồng cho người và xe máy nên chị vẫn ưu tiên lựa chọn di chuyển bằng những chuyến đò nhỏ. Dù vậy, chị vẫn cảm thấy lo lắng khi đi đò. "Mặc dù không cảm thấy an toàn lắm khi đi đò, nhưng để tiết kiệm thời gian thì tôi vẫn đi những chuyến đò này", chị Minh tâm sự.

Theo danh sách các bến thủy nội địa chưa được công bố, cấp phép hoạt động trên địa bàn TP.HCM trong Quý IV năm 2022 do Thanh tra Sở Giao thông vận tải (GTVT) thống kê: TP.Thủ Đức có 11 bến chưa được cấp phép, quận 7 có 3 bến, quận 8 có 7 bến, quận 12 có 2 bến, huyện Củ Chi 1 bến, huyện Nhà Bè 6 bến, huyện Bình Chánh 27 bến và huyện Cần Giờ có 2 bến.

Sở GTVT đề nghị Công an TP.HCM chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, Công an TP.Thủ Đức và các quận, huyện tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi neo đậu phương tiện để xếp dỡ, chuyển tải hàng hóa hoặc đón, trả hành khách tại các vị trí chưa được công bố, cấp phép hoạt động.

Sở GTVT cũng đề nghị Chủ tịch UBND TP.Thủ Đức và các quận, huyện chủ trì, phối hợp đơn vị thuộc Công an TP và Sở kiểm tra, xử lý triệt để tình trạng bến thủy nội địa chưa được công bố, cấp phép hoạt động, các trường hợp vi phạm lấn chiếm sông, kênh, rạch trên địa bàn quản lý.

Trước đó, ngày 5/2, một vụ lật đò trên sông Đồng Nai. Cụ thể, chiếc đò mang ký hiệu ĐN 0228 khi đang chở 12 người từ chùa Phước Long (TP.Thủ Đức) đến bến đò Xưa (Đồng Nai) thì bất ngờ va chạm với sà lan chở container. Hậu quả, vụ tai nạn khiến chiếc đò lật úp, toàn bộ hành khách rơi xuống sông, 1 người không may tử vong.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem