Vừa qua, Thông tư 57/2015 của Bộ Công an về quy định trang bị thiết bị PCCC cho phương tiện cơ giới đường bộ đã chính thức có hiệu lực. Theo đó, ô tô 4 chỗ ngồi trở lên bắt buộc phải trang bị bình cứu hỏa.
Sau khi Thông tư 57 có hiệu lực, nhiều tài xế đã gấp rút mua bình cứu hỏa để trang bị cho xe. Tuy nhiên, nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại, bình cứu hỏa có thể phát nổ khi xe ô tô để ngoài trời có nền nhiệt độ cao hoặc khi di chuyển bị rung lắc.
Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với đại tá Đoàn Hữu Thắng, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ (Bộ Công an) xung quanh vấn đề này.
Đại tá Đoàn Hữu Thắng - Phó cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ (Bộ Công an)
Thưa đại tá, nhiều tài xế đang lo lắng, thời tiết nắng nóng sẽ làm nhiệt độ trong ô tô tăng cao khiến bình cứu hỏa đặt bên trong phát nổ gây nguy hiểm, ông đánh giá thế nào về điều này?
Đại tá Đoàn Hữu Thắng: Các nhà sản xuất bình cứu hỏa thường khuyến cáo việc bảo quản bình trong điều kiện nhiệt độ từ -7 độ C đến 55 độ C. Tuy nhiên, trên thực tế có lúc ở trong xe nhiệt độ lên tới hơn 60 độ C. Vậy, với nhiệt độ như vậy thì bình chữa cháy có chịu được không? Về việc này chúng tôi sẽ kiểm tra để đánh giá một cách đầy đủ, khoa học sau đó sẽ hướng dẫn cụ thể tới người dân.
Tuy nhiên nói về góc độ kỹ thuật, những nhà sản xuất đã chỉ định ra nhiệt độ bảo quản thì chúng tôi khuyến cáo lái xe nên chú ý tuân thủ.
Ở nước ta, có nhiều yếu tố làm tăng nhiệt độ trong xe như thời tiết nắng nóng, các yếu tố gây khúc xạ ánh sáng như việc đóng kín cửa kính… Vì vậy, chúng tôi khuyến cáo các lái xe bố trí bình cứu hỏa ở trong xe ở vị trí thích hợp và đỗ xe ở vị trí thuận lợi, chú ý giảm sự hấp thụ nhiệt độ ngoài trời.
Việc này không chỉ giúp chủ phương tiện đảm bảo nhiệt độ an toàn cho bình cứu hỏa theo tiêu chuẩn của nhà sản xuất mà còn bảo vệ nhiều tài sản khác bên trong xe.
Tôi cho rằng, nếu nhiệt độ trong xe ô tô lên đến khoảng 60 độ C thì nhiều vật dụng khác trong xe cũng bị hủy hoại chứ không riêng gì bình cứu hỏa.
Những bình cứu hỏa đảm bảo về chất lượng, có van an toàn, khi áp suất đạt đến một mức độ nhất định có thể ảnh hưởng tới chất lượng của vỏ bình thì van an toàn sẽ tự động mở ra để giảm áp suất.
Nhiều lái xe còn lo ngại, trong quá trình di chuyển, việc xe ô tô bị rung lắc có thể làm bình cứu hỏa phát nổ. Vậy, theo đại tá, bình cứu hỏa có thể phát nổ khi xe bị rung lắc hay không?
Với các bình bột, bình khí CO2, chúng tôi chưa thấy hiện tượng nổ nào. Nếu có thì trong trường hợp của loại bình bọt do áp suất tăng.
Tuy nhiên, khi xảy ra nổ thì phải kiểm tra xem bình đó có đảm kỹ thuật hay không, bình để ở nhiệt độ nào, ở bối cảnh nào để xem xét nguyên nhân vụ nổ.
Đối với những bình đã đảm bảo về chất lượng, có van an toàn, khi áp suất đạt đến một mức độ nhất định có thể ảnh hưởng tới chất lượng của vỏ bình thì van an toàn sẽ tự động mở ra để giảm áp suất.
Ngoài ra, với các nhà sản xuất, trước khi bán ra thị trường, bao giờ họ cũng thử nghiệm, áp suất thử bao giờ cũng lớn hơn 1,5 lần so với áp suất làm việc của bình. Vậy nên, hiện tượng nổ bình rất hiếm, tỷ lệ rất rất nhỏ.
Hiện nay chúng tôi đang cập nhật việc nổ bình chiếm tỷ trọng như thế nào và vì sao lại xảy ra nổ bình. Từ đó chúng tôi sẽ đưa ra khuyến cáo và điều chỉnh việc kiểm định phương tiện PCCC cho phù hợp.
Đại tá Thắng cho rằng, nếu trang bị thiết bị chữa cháy đúng tiêu chuẩn, có tem kiểm định thì lái xe không lo ngại bình cứu hỏa bị nổ khi xe rung lắc.
Nếu bình cứu hỏa bị nổ thì có nguy hiểm không thưa đại tá?
Thứ nhất, một số loại bình cứu hỏa có áp suất khoảng 1 atm, tức là áp suất không phải lớn. Thứ hai, những bình chịu khí nén đã được kiểm định và có van an toàn thì không quá đáng ngại việc nổ bình.
Nếu các bình cứu hỏa đã được cơ quan chuyên môn của Nhà nước kiểm định, dán tem kiểm định thì tôi nghĩ rằng các bình này đủ điều kiện đảm bảo an toàn, không ngại ảnh hưởng tới sức khỏe con người.
Đại tá có thể chia sẻ một số biện pháp giúp chủ phương tiện tránh hiện tượng xe nóng lên khiến thiết bị PCCC phát nổ?
Trước tiên, lái xe cần phải đảm bảo mua bình cứu hỏa đúng tiêu chuẩn, được dán tem kiểm định của cơ quan Nhà nước.
Quá trình lắp bình cứu hỏa trong xe, chủ phương tiện có thể chọn các vị trí ổn định về nhiệt độ nhất như dưới gầm ghế lái hoặc khe để đồ ở cửa ra vào của xe. Tránh để bình cứu hỏa tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng.
Tôi đã sử dụng xe nhiều năm và thấy rằng, chúng ta không nên để xe ô tô ngoài trời nắng. Và nếu có để ngoài trời nắng, tôi sẽ sử dụng thiết bị phản xạ ánh sáng như bạt phản nhiệt để che đậy cho xe, đặc biệt là kính
Ngoài ra, chúng ta có thể hạ nhiệt xe bằng cách để hé cửa xe để tạo sự trao đổi nhiệt giữa bên trong và bên ngoài. Theo dự báo thời tiết, nhiệt độ ở nước ta chưa có chỗ nào lên đến 45 độ, có nơi 42-43 độ là cao nhất. Vì vậy việc để hé cửa xe có thể tạo sự thông thoáng thì nhiệt độ trong xe chắc chắn không lên quá cao được.
Xin cảm ơn đại tá!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.