Hiệp định RCEP có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, hướng tới thị trường 2,2 tỷ người tiêu dùng

Thứ ba, ngày 09/11/2021 06:54 AM (GMT+7)
Hiệp định RCEP sẽ giúp tạo lập thị trường xuất khẩu ổn định, lâu dài cho các nước ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng, góp phần thúc đẩy nền sản xuất định hướng xuất khẩu của Việt Nam.
Bình luận 0

Bộ Công Thương cho biết, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) được 10 quốc gia thành viên ASEAN và 5 nước đối tác của ASEAN là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand ký kết vào ngày 15/11/2020 bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 do Việt Nam làm Chủ tịch. Việc thúc đẩy kết thúc đàm phán và ký kết Hiệp định RCEP trong năm Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN là thành tựu được các nước ASEAN và đối tác đánh giá rất cao, qua đó khẳng định vai trò và vị thế của Việt Nam trong khu vực.

Theo quy định của Hiệp định RCEP, Hiệp định sẽ chính thức có hiệu lực sau 60 ngày kể từ thời điểm có ít nhất 6 nước ASEAN và 3 nước đối tác hoàn tất việc phê chuẩn/phê duyệt Hiệp định và nộp lưu chiểu cho Tổng Thư ký ASEAN.

Đến ngày 2/11 vừa qua, đã có 6 nước ASEAN, trong đó có Việt Nam và 4 nước đối tác gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Australia và New Zealand nộp lưu chiểu văn kiện phê duyệt/phê chuẩn Hiệp định RCEP của mình cho Tổng Thư ký ASEAN. Như vậy, Hiệp định RCEP sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2022.

Hiệp định RCEP có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, hướng tới thị trường 2,2 tỷ người tiêu dùng - Ảnh 1.

Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) chính thức được ký kết ngày 15/11/2020.

Theo Bộ Công Thương, việc Hiệp định RCEP có hiệu lực từ tháng 1/2022 sẽ góp phần đa phương hóa các Hiệp định thương mại tự do mà ASEAN đã ký kết với từng nước đối tác trước đây, hài hòa các cam kết, quy định trong các hiệp định này, tối đa hóa các lợi ích kinh tế, đặc biệt là quy tắc xuất xứ và tạo thuận lợi cho thương mại, góp phần củng cố các chuỗi cung ứng khu vực và phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19.

Sau khi có hiệu lực đầy đủ với tất cả các nước tham gia ký kết, Hiệp định RCEP sẽ tạo thành một thị trường với quy mô 2,2 tỷ người tiêu dùng, chiếm khoảng 30% dân số thế giới và GDP khoảng 26,2 nghìn tỷ USD, tương đương khoảng 30% GDP toàn cầu và trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất trên thế giới xét về quy mô dân số.

Do vậy, Hiệp định RCEP dự kiến sẽ giúp tạo lập một thị trường xuất khẩu ổn định, lâu dài cho các nước ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng, góp phần thúc đẩy việc thực hiện chính sách xây dựng nền sản xuất định hướng xuất khẩu của Việt Nam.

Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện (CEPA) có hiệu lực từ ngày 1/11/2021

Bộ Công Thương cũng cho biết, Hiệp định thương mại tự do giữa khối EFTA (bao gồm 4 nước Thụy Sỹ, Na Uy, Iceland, Liechtenstein) và Indonesia đã chính thức có hiệu lực từ ngày 1/11/2021 sau khi được các bên ký kết hoàn tất quá trình phê chuẩn.

Hiệp định này, có tên đầy đủ là Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện (CEPA), được khối EFTA và Indonesia khởi động vòng đàm phán đầu tiên vào năm 2011. Sau đó, các Bên đã trải qua 14 vòng đàm phán chính thức và nhiều cuộc họp cấp chuyên gia, tổ chức luân phiên tại các nước EFTA và Indonesia. Hiệp định được chính thức ký kết tại Jakarta, Indonesia vào ngày 16/12/2018.

Thương vụ Việt Nam tại Thụy Sỹ cho biết, tại Thụy Sỹ, Hiệp định đã được Quốc hội Thụy Sỹ thông qua tháng 12/2019. Tuy nhiên sau đó, do có một số nội dung được người dân Thụy Sỹ quan tâm, đặc biệt về vấn đề dầu cọ và phát triển bền vững, nên theo quy định của nước này, Hiệp định đã phải trải qua trưng cầu dân ý. Cử tri Thụy Sỹ cuối cùng cũng đã bỏ phiếu ủng hộ Hiệp định trong cuộc trưng cầu dân ý ngày 7/3/2021.

Đây được coi là một hiệp định toàn diện và hiện đại. Nó bao trùm tất cả các lĩnh vực thường có trong các hiệp định thương mại tự do toàn diện mà khối EFTA đã ký thời gian qua, như thương mại hàng hóa và dịch vụ, đầu tư, quyền sở hữu trí tuệ, cạnh tranh, mua sắm chính phủ, thương mại và phát triển bền vững, cũng như các điều khoản pháp lý và các điều khoản ngang.

Hiệp định này sẽ cải thiện khả năng tiếp cận thị trường và môi trường pháp lý đối với thương mại hàng hóa và dịch vụ giữa khối EFTA và Indonesia. Khi kết thúc lộ trình dỡ bỏ thuế quan, tất cả thuế quan sẽ không còn đối với hầu hết hàng hóa xuất nhập khẩu.

Hiệp định sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp các nước EFTA tiếp cận thị trường Indonesia đối với các sản phẩm xuất khẩu chính như thủy hải sản, sản phẩm nông nghiệp và thực phẩm (pho mát, chocolate, cà phê), các sản phẩm công nghiệp, máy móc thiết bị, đồng hồ, hóa chất và dược phẩm. Hiệp định cũng sẽ thúc đẩy thương mại dịch vụ, chẳng hạn các dịch vụ liên quan đến năng lượng, viễn thông, tài chính ngân hang…. Hiệp định còn tạo ra một khuôn khổ thúc đẩy các hoạt động đầu tư xuyên biên giới giữa các bên.

Hiệp định cũng có một chương về hợp tác và nâng cao năng lực, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện các mục tiêu tổng thể của hiệp định và đặc biệt là thúc đẩy các cơ hội hợp tác thương mại và đầu tư mà hiệp định đem lại.

Đồng thời hiệp định cũng hướng tới sự tăng cường hợp tác nhằm đạt được sự phát triển kinh tế và xã hội bền vững. Chương về thương mại và phát triển bền vững của hiệp định sẽ tạo ra một khuôn khổ tham chiếu chung, ràng buộc về mặt pháp lý cho các quan hệ thương mại ưu đãi, giúp đảm bảo rằng các mục tiêu phát triển kinh tế phải phù hợp với các mục tiêu về bảo vệ môi trường và quyền lao động.

Liên quan đến dầu cọ (sản phẩm xuất khẩu quan trọng của Indonesia), đây là một chủ đề nhạy cảm của phát triển bền vững. Thụy Sỹ đánh giá Hiệp định chỉ quy định cắt giảm thuế quan ở mức độ vừa phải, trong hạn ngạch được giới hạn nghiêm ngặt. Các nhà nhập khẩu chỉ có thể nhập khẩu dầu cọ một cách ưu đãi nếu họ chứng minh được rằng dầu cọ được sản xuất bền vững. Chính phủ Thụy Sỹ trước đó đã thông qua quy định thực hiện chứng chỉ bền vững đối với dầu cọ vào ngày 18/8/2021. Điều này sẽ có hiệu lực cùng lúc với Hiệp định.

Thương mại hàng hóa giữa khối EFTA và Indonesia đạt khoảng 1,35 tỷ USD vào năm 2020. Kim ngạch xuất khẩu của các nước EFTA sang Indonesia đạt xấp xỉ 750 triệu USD trong năm 2020, bao gồm một số sản phẩm chính là máy móc thiết bị điện (15,6%), thiết bị cơ khí (12%), hóa chất (9%) và dược phẩm (8,8%). EFTA nhập khẩu hàng hóa từ Indonessia với kim ngạch khoảng 600 triệu USD trong cùng năm, trong đó giày dép là mặt hàng lớn nhất (22,5%), tiếp theo là hàng dệt thoi và phụ kiện quần áo (13%) và máy móc thiết bị điện (9,7%). Đối với Indonesia, EFTA là khu vực châu Âu đầu tiên nước này ký kết một hiệp định toàn diện như vậy.

Về phía Thụy Sỹ, không kể Liên minh châu Âu EU, nước này hiện có 33 hiệp định thương mại tự do (FTA) với 43 đối tác. Phần lớn FTA này được Thụy Sỹ ký kết trong khuôn khổ khối EFTA. Tuy nhiên, cũng có một số đối tác quan trọng mà Thụy Sỹ ký FTA song phương ngoài khuôn khổ EFTA, như với Nhật Bản, Trung Quốc và mới đây nhất với Anh (cho thời kỳ hậu Brexit).

Trong các nước ASEAN, khối EFTA cùng Thụy Sỹ đã ký FTA với Singapore (có hiệu lực từ tháng 1/2003), Philippines (có hiệu lực từ tháng 6/2018) và Indonesia. Hiện khối EFTA đang tiếp tục đàm phán FTA với Malaysia và Việt Nam. Đàm phán FTA với Thái Lan đã tạm dừng nhưng các bên đang trao đổi để sớm nối lại.

Nguyễn Quỳnh (vov.vn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem