Hiệp hội du lịch Hồ Chí Minh nói gì khi hàng trăm doanh nghiệp du lịch kêu cứu

Hồng Phúc Thứ tư, ngày 16/06/2021 14:51 PM (GMT+7)
Tp Hồ Chí Minh hàng trăm doanh nghiệp du lịch đang bị tê liệt và đang cần gấp 'bình thở oxy' để tồn tại.
Bình luận 0

Hai ngày qua, các cơ quan quản lý lĩnh vực du lịch tại TP.HCM đã liên tục kiến nghị từ Trung ương đến thành phố nhiều giải pháp để "cấp cứu" hàng nghìn doanh nghiệp trong ngành du lịch, lữ hành bởi tác động nặng nề của dịch Covid-19.

Sở du lịch đề nghị ngân hàng nhà nước giảm 80% số tiền ký quỹ cho doanh nghiệp lữ hành

Sở Du lịch TP.HCM vừa có văn bản đề xuất UBND TP.HCM kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính xem xét giảm thuế suất VAT từ 10% xuống còn 5% trong năm 2021 để giúp giảm giá thành sản phẩm và các gói dịch vụ du lịch, hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết khó khăn về nhu cầu vốn lưu động.

Doanh nghiệp du lịch TP.HCM cần gấp bình thở oxi - Ảnh 1.

Nhiều điểm du lịch tại TP.HCM vắng khách vì Covid-19 từ đầu năm 2020 đến nay. (Ảnh: Hồng Phúc).

Đồng thời, xem xét kéo dài chính sách giảm 15% tiền thuê đất đối với các doanh nghiệp du lịch trong năm 2021; xem xét tiếp tục gia hạn giảm phí thẩm định hồ sơ cấp phép kinh doanh lữ hành và cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch đến hết năm 2021.

Sở cũng kiến nghị Bộ Tài chính phối hợp với Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, đề xuất Chính phủ cho phép doanh nghiệp lữ hành được giảm 80% số tiền ký quỹ của doanh nghiệp để giúp tạo dòng tiền vào cho doanh nghiệp duy trì hoạt động và có nguồn tiền làm vốn lưu động.

UBND TP.HCM kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét cho phép kéo dài thời gian tạm dừng đóng bảo hiểm hưu trí và tử tuất, lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn đối với các doanh nghiệp và các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 mà không tính lãi phạt chậm nộp.

Đồng thời, xem xét điều chỉnh quy định về quyền lợi bảo hiểm thất nghiệp năm 2021 theo hướng giảm yêu cầu thời gian làm việc tối thiểu từ 12 tháng xuống còn 3 tháng, tăng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp từ bằng 60% lên đến 80% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm tự nguyện.

Sở Du lịch TP.HCM đề xuất UBND TP kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện cho các doanh nghiệp lữ hành, điểm du lịch bởi họ cũng chịu thiệt hại nặng nề do đóng băng thị trường khách quốc tế, thị trường nội địa 5 tháng đầu năm cũng chỉ diễn ra trong 2 tháng, còn lại là dịch bệnh.

Cần có cơ chế trả nợ, lãi vay riêng

Không chỉ Sở Du lịch TP.HCM kiến nghị một loạt giải pháp hỗ trợ ngành du lịch, Hiệp hội Du lịch TP.HCM cũng có công văn gửi Ngân hàng Nhà nước và các Bộ ngành về vấn đề "cấp cứu" doanh nghiệp.

Doanh nghiệp du lịch TP.HCM cần gấp bình thở oxi - Ảnh 3.

Đường sách TP.HCM đóng cửa trong đợt dịch Covid-19 lần thứ tư. (Ảnh: Hồng Phúc).

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP.HCM - bà Nguyễn Thị Khánh, nhận định Covid-19 từ đầu năm 2020 đến nay đã làm ngành du lịch và hàng không chịu thiệt hại rất nặng nề. 

Mọi hoạt động trong ngành gần như tê liệt. Hầu hết doanh nghiệp đều ngưng hoạt động, không có doanh thu, trong khi đó vẫn phải chịu áp lực lớn về chi phí như trả lương cho lao động, trả lãi vay, nợ, hoàn tiền cho khách với các chi phí đã đặt trước.

Theo Hiệp hội Du lịch TP.HCM, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành thông tư 01/2020 quy định về cơ cấu lại thời hạn trả, miễn, giảm lãi, phí, qua đó đã hỗ trợ doanh nghiệp có khả năng trả nợ tốt hơn, trả nợ đúng hạn. Tháng 4/2021, Thông tư 03 của Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực, thông tư đã bổ sung một số điều của thông tư 01 trong hỗ trợ doanh nghiệp, có phương án về thời hạn trả, giảm lãi cởi mở hơn nhưng vẫn chưa thể giúp doanh nghiệp phục hồi.

"Dù cơ cấu thời hạn trả nợ thêm 12 tháng theo Thông tư 03 thì doanh nghiệp du lịch vẫn khó khăn trong thanh toán các khoản nợ", bà Khánh đánh giá.

Vì vậy, Hiệp hội Du lịch TPHCM kiến nghị với Ngân hàng Nhà nước, Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, sớm có chính sách đặc thù về thời hạn trả nợ, lãi vay cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch.

Hiệp hội đề xuất cụ thể các giải pháp như: Các doanh nghiệp du lịch được giảm mức lãi suất vay đang áp dụng, không áp dụng chuyển nhóm nợ; ân hạn gốc và lãi toàn bộ dư nợ hiện hữu; thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ (kể cả trường hợp gia hạn nợ) là 24 tháng, kể từ ngày thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem