Theo ông Phạm Quốc Doanh, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam, trước đây, Nhà nước đã tạm nhập tái xuất 220.000 tấn đường đến thời hạn ngày 31.12.2017 và từ tháng 1.2018 trở đi sẽ không cho tạm nhập tái xuất sản phẩm đường.
Mía đường tồn kho tăng cao, nhà máy tiêu thụ chậm khiến giá thu mua mía sụt giảm mạnh. Ảnh minh hoạ
Tuy nhiên, Bộ Công Thương và UBND tỉnh Lào Cai vừa kiến nghị Thủ tướng cho phép gia hạn thực hiện các giấy phép tạm nhập tái xuất đường đã cấp qua các cửa khẩu thuộc tỉnh Lào Cai đến hết ngày 31.12.2019.
Trong đơn, Hiệp hội Mía đường đề nghị với số lượng đường còn lại trong giấy phép tạm nhập tái xuất, không xem xét gia hạn theo kiến nghị của UBND tỉnh Lào Cai và Bộ Công Thương. Hoạt động xuất khẩu đường tại các cửa khẩu phụ ở Lào Cai nên để ưu tiên cho các doanh nghiệp sản xuất đường trong nước.
Đối với lượng đường đã tạm nhập về mà đến nay chưa tái xuất được (hiện tồn kho ở Lào Cai khoảng gần 40.000 tấn), đề nghị thực hiện đúng khoản 4, điều 11, chương 3, Nghị định 187/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài. Theo đó, lượng hàng này buộc phải xuất trả trở lại nước ban đầu.
Hiệp hội cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo thành lập tổ công tác liên ngành gồm: Bộ Công Thương chỉ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan, Hiệp hội Mía đường Việt Nam kiểm tra đánh giá việc thực hiện tạm nhập tái xuất đường đã được cấp phép đến hết ngày 31.12.2017.
Trong khi đó, niên vụ mía đường 2016 - 2017 có lượng đường tồn kho tăng cao nhất từ trước đến nay, có thời điểm cao nhất 700 nghìn tấn. Hiện nay, niên vụ 2017 - 2018 đã vào vụ gần 2 tháng với gần 100 nghìn tấn nhưng lượng đường tồn của niêu vụ cũ (hơn 200 nghìn tấn) vẫn tiêu thụ chưa hết và bán rất chậm. Đã có nhà máy phải tạm dừng sản xuất.
Hiện nay lượng đường tồn của niên vụ cũ vẫn chưa tiêu thụ hết, trong khi vụ mới đã bắt đầu được gần 2 tháng.
Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Quốc Doanh cho biết nguyên nhân của đường tồn kho cao kỷ lục vừa qua là ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết nên hầu hết các nhà máy đường vào vụ muộn so với các năm trước từ 15 ngày đến 1 tháng. Thậm chí, có những nhà máy ở Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long vào vụ nhưng không chạy liên tục, phải nghỉ giữa chừng nên lượng đường sản xuất ra dồn nhiều ở giai đoạn cuối.
Ngoài ra, ông Doanh cho rằng một nguyên nhân có tác động khá lớn là tình trạng buôn lậu đường và gian lận thương mại năm nay có diễn biến phức tạp hơn so với mọi năm. Hơn nữa, tạm nhập tái xuất và nhập không chính thức cũng chiếm một lượng khá lớn vào nước ta.
“Chúng tôi đến cửa khẩu Lao Bảo, việc buôn lậu diễn ra gần như công khai. Họ sang bao, xếp hàng lên xe tải và đem đi phân phối tự nhiên như chỗ không người”, ông Doanh nói và cho hay giá đường lậu hiện thấp hơn khá nhiều so với giá đường trong nước và khoảng cách giữa giá đường trong nước với giá lậu đang được nới ra.
Nói với báo chí, ông Nguyễn Văn Hải, Tổng thư ký Hiệp hội Mía đường nhận định không chỉ đường nhập lậu, đường tạm nhập tái xuất nhưng lại tuồn vào thị trường nội địa cũng đang được bán ở nhiều tỉnh phía bắc với giá thấp hơn so với giá bán buôn của đường trong nước.
Theo ông Hải, tình trạng này xảy ra ở nhiều địa phương trên cả nước. Khi tàu chở đường từ Thái Lan tạm nhập qua cảng Hải Phòng để tái xuất sang Trung Quốc thì được lén đưa ra tiêu thụ ở Việt Nam với số lượng không nhỏ, giá thấp hơn nên gây khó khăn cho các nhà máy.
Trước đó, năm 2015, theo đề xuất của Bộ Công Thương, Chính phủ cho phép tạm nhập tái xuất qua địa bàn tỉnh Lào Cai 220.000 tấn đường (chủ yếu là đường Thái Lan), thời hạn thực hiện tái xuất được gia hạn đến ngày 31.12.2017.
Tuy nhiên, theo báo cáo của UBND tỉnh Lào Cai và các doanh nghiệp, tỷ lệ thực hiện giấy phép tạm nhập tái xuất đường đến hết năm 2017 chỉ đạt khoảng 43,73%, trong đó một số doanh nghiệp đã nhập đường về nhưng chưa xuất được sang Trung Quốc.
Để giải quyết khó khăn cho các doanh nghiệp tạm nhập tái xuất đường, Bộ Công Thương đang kiến nghị Chính phủ theo hướng cho phép gia hạn thực hiện các giấy phép tạm nhập tái xuất đường đã cấp đến hết ngày 31.12.2019 trên nguyên tắc: Không bổ sung thêm số lượng mà tập trung xử lý dứt điểm 220.000 tấn đường đã được cấp phép; không bổ sung doanh nghiệp mới ngoài các doanh nghiệp đã được cấp phép và chỉ được xuất qua các cửa khẩu, địa điểm đã được Chính phủ cho phép.
Bên cạnh đó, xem xét thu hồi giấy phép của các doanh nghiệp không thực hiện hoặc thực hiện quá ít từ năm 2015 để chuyển cho các doanh nghiệp đã được cấp phép khác, có điều kiện giao nhận tốt hơn.
Số liệu thống kê từ năm 2012 cho thấy, kể từ khi cho phép tạm nhập tái xuất mặt hàng đường, lượng đường của doanh nghiệp trong nước xuất đi Trung Quốc sụt giảm mạnh, thậm chí 2 năm gần đây gần như không xuất được tấn nào.
Cụ thể, năm 2012 cho phép xuất khẩu 52.000 tấn, thực hiện được 100%; năm 2013 cho phép gần 266.000 tấn, thực hiện được 66%; năm 2014 cho phép 475.000 tấn thực hiện được 38%; năm 2015 cho phép 246.400 tấn thực hiện được 33%; năm 2016 và 2017 (giai đoạn Chính phủ cho phép tạm nhập tái xuất 220.000 tấn đường) chỉ xuất được vài nghìn tấn.
|
Hoài Phong (Một Thế Giới)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.