Như tin đã đưa ngày 16.5, tại tang lễ của “hiệp sĩ” Nguyễn Văn Thôi (xã Mỹ Lợi, huyện Phù Mỹ, Bình Định), đội “hiệp sĩ” săn bắt cướp ở TP. HCM đã cử 2 thành viên đi theo xe đưa thi thể anh Thôi về quê và phụ giúp gia đình trong lúc tang gia.
"Hiệp sĩ" Đỗ Công Tường ra tận Bình Định chia sẻ nỗi đau với gia đình anh Thôi. Ảnh: D.T
Nói về con đường mà các anh đang chọn, “hiệp sĩ” Đỗ Công Tường (28 tuổi) - thành viên nhóm săn bắt cướp TP.HCM cho biết: “Bản thân tôi tham gia nhóm “hiệp sĩ” bắt cướp hơn 7 năm, giờ đây 2 đồng đội của tôi là anh Thôi và Nam đã ngã xuống bởi nhát dao của đối tượng chuyên “đá xế”. Dù đau thương, mất mát nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục tham gia bắt cướp, không thể chùn bước vì trước đó anh em đã lập với nhau lời thề giúp người”.
Theo lời “hiệp sĩ” Tường, các “hiệp sĩ” đường phố ngày thường làm rất nhiều công việc để mưu sinh như: Chạy xe ôm, bốc vác, lái xe tải, buôn bán lề đường. Đa phần, họ là người xa quê nghèo khó, nếm đủ khổ cực trong cuộc sống đời thường và có chung “máu” bắt cướp. Sau khi xong công việc mưu sinh, ban đêm, anh em lại tập trung đi tuần đến gần 12 giờ đêm mới về nhà. Thậm chí, có đêm bắt được cướp, còn phải làm giấy tờ, trình báo công an nên đến sáng hôm sau mới xong.
Anh Tường cho hay, dù biết việc bắt trộm cướp trách nhiệm chính thuộc về công an, thế nhưng đằng sau công việc này là cả nỗi niềm của người “hiệp sĩ” mà chính họ mới hiểu được.
“Người hiểu thì thương nhưng kẻ ghét thì họ chửi chúng tôi rảnh rỗi, lo chuyện bao đồng và rất nhiều lời khó nghe. Nhưng đâu ai biết, chúng tôi cũng có gia đình, thay vì nguy hiểm bắt cướp cũng muốn quay về nhà để tìm phút giây yên bình sau giờ làm. Thế nhưng, lương tâm không cho phép chúng tôi làm điều đó. Tôi đã từng chứng kiến, người mẹ mang thai bị tên cướp đẩy xuống đường làm sảy thai, cụ già nghèo khó khóc thét vì tài sản bỗng chốc tiêu tan” - anh Tường trải lòng.
Nhắc về 2 đồng đội bị cướp sát hại, anh Tường nói: “Sau vụ việc đau lòng này, chúng tôi mong cơ quan chức năng cho thành lập tổ phòng chống tội phạm tận phường, truyền đạt kỹ năng, nghiệp vụ và có công cụ hỗ trợ để anh em yên tâm hơn. Khi bắt đầu theo nhóm “hiệp sĩ” bắt cướp, phải là người thực tâm muốn giúp người khác, đam mê với công việc của mình thì mới làm được. Xảy ra chuyện với đồng đội, anh em chúng tôi rất buồn, xót thương nhưng vẫn sẽ tiếp tục công việc của mình”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.