Trượng nghĩa như… “hiệp sĩ”
Nhiều năm trời chơi với giới “hiệp sĩ đường phố" Sài Gòn, tôi chưa thấy ai có gia cảnh đáng thương như “hiệp sĩ” Trần Văn Hoàng - một trong 3 “hiệp sĩ” đang nằm điều trị trong bệnh viện.
Thậm chí, ông Hoàng còn được giới “hiệp sĩ” phong tặng danh hiệu “hiệp sĩ nghèo”.
“Hiệp sĩ” Trần Văn Hoàng và công việc mưu sinh.
Mấy ngày nay, từ khi xảy ra vụ 5 “hiệp sĩ” truy bắt cướp bị thương vong, tại góc ngã tư Trương Công Định – Trường Chinh (Tân Bình) trống vắng sạp bán nón bảo hiểm, khẩu trang… vỉa hè của vợ chồng “hiệp sĩ” Hoàng.
Nhiều năm nay, gia đình “hiệp sĩ” Hoàng sống chủ yếu nhờ vào cái sạp di động này. Mỗi sáng anh Hoàng chở nón bảo hiểm ra đây, vợ anh trải tấm nilông dọn hàng ra bán. Mỗi ngày hai vợ chồng cắc củm kiếm trăm ngàn lo miếng ăn.
Mang tiếng chạy xe ôm kiếm thu nhập phụ vợ, nhưng anh Hoàng chủ yếu dành thời gian lo làm… “hiệp sĩ đường phố". Mặc dù vóc dáng nhỏ bé, nhưng với khuôn mặt bặm trợn, nước da ngăm đen, xăm trổ đầy mình, ông Hoàng đã trở thành khắc tinh của bọn cướp giật trên đường phố suốt hơn 20 năm nay.
“Gia cảnh chú Hoàng khổ lắm. Căn phòng ông đang thuê ở cho 3 người rất chật chội. Tôi vẫn hay khuyên ông bớt thời gian đi săn trộm cướp trên đường với các thanh viên mà chạy xe ôm phụ vợ, nhưng chú không chịu, cứ bảo ở nhà ngứa tay, chướng mắt vì bọn cướp giật”, anh Tường – một trong những thành viên nhóm “hiệp sĩ Sài Gòn” thổ lộ.
Nếu anh Hoàng nghèo nhất trong nhóm Sài Gòn thì anh Nguyễn Thanh Hải – thủ lĩnh nhóm “hiệp sĩ” ở Bình Dương, được xem như “đại gia” trong giới này. Hiện, “hiệp sĩ” Hải là chủ một cơ sở buôn bán vật liệu xây dựng. Thế nhưng, phần lớn thời gian của anh trong ngày là cùng đồng đội đi… săn bắt cướp.
Nhớ ngày đầu tiên gặp nhau, anh Hải còn lái ôtô đưa tôi đi uống cà phê. Hỏi anh, giàu có như thế thì việc gì bán mạng với bọn tội phạm? Anh cười mỉm: “Tôi thích hai chữ trượng nghĩa”.
Nhóm "Hiệp sĩ Sài Gòn" trước giờ xuất kích đuổi bắt tội phạm.
“Hiệp sĩ” Hải kể, hơn chục năm trước, đang đi trên đường nghe thấy một phụ nữ kêu "cướp", anh ngoái theo thì thấy có 2 tên cướp giật chạy xe máy lao vun vút trên đường. “Tôi rồ ga đuổi theo, rồi ép và đạp cho 2 tên cướp ngã đưa về đồn công an, trả tài sản lại cho người phụ nữ”, anh cho biết.
Trong cuộc đời “hiệp sĩ” của mình, Hải từng bị bắn thủng bụng khi đuổi bắt cướp. Hỏi có sợ chết bỏ lại cơ ngơi tài sản? Anh cười: “Sợ thì không làm!”.
Tính đến giờ, có hơn 1.200 tên tội phạm đã được “Hiệp sĩ” Hải và đồng đội bắt giao cơ quan luật pháp, hàng trăm chiếc xe bị mất cắp đã được trao trả cho các nạn nhân, vô số tài sản trị giá hàng tỉ đồng đã được anh và đồng đội thu hồi, hoàn trả người bị mất cắp...
Không lùi bước
Sau khi đưa Nguyễn Hoàng Nam (Đồng Nai) về nơi an nghỉ cuối cùng, anh Tường trở lại Sài Gòn ngồi thu lu trong góc bàn cà phê ở một tiệm bida. Nơi đây, thi thoảng chúng tôi ngồi tán gẫu với nhau sau những giờ các “hiệp sĩ” đuổi bắt bọn tội phạm.
Cạy miệng mãi Tường mới buông lời. Sau sự cố thương tâm khiến 5 thành viên của nhóm thương vong, anh lo lắng cho sự tồn vong của nhóm “hiệp sĩ Sài Gòn”.
Anh Tường - một trong những thủ lĩnh của nhóm “hiệp sĩ Sài Gòn”.
“Chú Hoàng có lẽ sau sự cố này sẽ khó tham gia săn bắt cướp nữa vì sức khỏe yếu. Tinh thần các anh em khác cũng đang rất dao động. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ vượt qua mất mát này. Nhóm “hiệp sĩ Sài Gòn” sẽ không tan rã mà sẽ củng cố mạnh hơn. Chúng tôi sẽ truy đuổi bọn tội phạm đến cùng”, Tường nói dứt khoát.
Trong khi đó, “hiệp sĩ” Nguyễn Thanh Hải sau giây phút “choáng” trước biến cố “13 giây, 5 hiệp sĩ Sài Gòn thương vong”, đã cho biết, tinh thần anh em “hiệp sĩ” Bình Dương đã ổn.
“Chúng tôi lại tiếp tục làm công việc của mình trên đường phố, sẽ đuổi bắt bọn trộm cướp giữ gìn tài sản, yên bình cho xã hội”, anh thổ lộ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.