Đồng ý hiến đất sau bữa rượu
Nhớ lại những ngày triển khai thi công tuyến đường thôn Lìm, ông Huy cho biết, để hoàn thành được tuyến đường đó, đội ngũ lãnh đạo xã đã phải lăn lộn, ăn ngủ dưới cơ sở để huy động sức dân cùng vào cuộc. Hầu hết bà con đều hưởng ứng việc làm đường và đóng góp bằng cách hiến đất, cây cối hoa màu trên đất, công lao động. “Riêng chỉ có đoạn đường qua nhà ông Đinh Hồng Cách là còn vướng, vì phải lấy vào nhà ông ấy khoảng 1.000m2 đất. Lúc đầu ông Cách không đồng ý hiến tặng, cán bộ từ xã đến thôn thuyết phục thế nào cũng không nghe. Một hôm, tôi cùng mấy đồng chí cán bộ vào tận nhà nói chuyện thêm lần nữa, ông ấy lẳng lặng lôi ra chai rượu mời chúng tôi uống. Bao nhiêu tâm sự được dốc hết trong bữa rượu, cả những ước mơ, dự định khi con đường hoàn thành. Hôm đó ai cũng say nhưng sau đó ông Cách đã đồng ý hiến tặng đất mà không đòi hỏi gì” - ông Huy kể.
Ông Đinh Văn Huy (trái) và ông Bùi Khắc Vinh kiểm tra tuyến đường từ xóm Doi đi xóm Dưng. Ảnh: Anh Thơ
Cũng nhờ sự nỗ lực, tinh thần đoàn kết của cán bộ và nhân dân trong xã mà đến nay, nhiều tuyến đường ở Hiền Lương đã được mở rộng hoặc bê tông hóa, rút ngắn khoảng cách giữa các thôn với nhau cũng như về trung tâm huyện thuận lợi hơn. Theo ông Huy, hiện xã đã đạt 12/19 tiêu chí và phấn đấu đến hết năm 2014 sẽ đạt thêm 4 tiêu chí (giao thông, trường học, chợ nông thôn, nhà ở dân cư).
“Từ câu chuyện dân vận ở thôn Lìm, chúng tôi nhận thấy khi người dân đã hiểu đúng vai trò, trách nhiệm cũng như quyền lợi của mình trong xây dựng nông thôn mới thì họ sẽ nhiệt tình ủng hộ. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2014, người dân đã hiến tới 1.500m2 đất để xây dựng các công trình. Ngoài ra, để đảm bảo vệ sinh môi trường, xã cũng đã phát động phong trào “Ngày thứ Bảy xanh”, huy động hội viên các đoàn thể tham gia vệ sinh đường làng ngõ xóm vào thứ Bảy hàng tuần nên đường làng luôn sạch sẽ” – ông Huy vui vẻ nói.
Chú trọng nâng cao thu nhập
Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong xây dựng nông thôn mới nhưng Hiền Lương vẫn là một xã miền núi còn nhiều khó khăn, vì vậy việc nâng cao thu nhập cho nhân dân luôn được lãnh đạo xã coi là nhiệm vụ hàng đầu. Theo đó, xã khuyến khích nhân dân đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng – vật nuôi, du nhập thêm các ngành nghề phụ. Đặc biệt là lợi dụng địa bàn nằm ven vùng lòng hồ sông Đà, xã đã vận động bà con tham gia nuôi cá lồng và có nhiều mô hình đang cho hiệu quả cao như mô hình nuôi cá dầm xanh, trê lai… “Đến nay xã có khoảng 175 lồng cá, năng suất bình quân 2,5 tạ/lồng/năm, đặc biệt có lồng đạt 4 tạ, mang lại thu nhập khá cho người dân” – ông Huy nói.
Điều đáng ghi nhận là phong trào nuôi cá lồng ở Hiền Lương đang phát triển theo hướng chuyên nghiệp hóa khi nhiều tổ nhóm sản xuất đã được thành lập, giúp bà con tháo gỡ những khó khăn trong sản xuất, nhất là khâu tiêu thụ. Trong đó, HTX Đức Huy đang là điểm sáng về mô hình kinh tế tập thể của địa phương, với 20 lồng cá của 20 hộ. Ông Bùi Khắc Vinh - Phó Trưởng phòng NNPTNT huyện Đà Bắc cho biết, thời gian tới Phòng sẽ triển khai một số mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại Hiền Lương, cụ thể là đưa cây chuối tiêu hồng và một số loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao vào trồng nhằm giúp người dân tăng thu nhập.
Xã Hiền Lương đã đạt 12/19 tiêu chí, tỷ lệ hộ nghèo còn 26,7%, dự kiến đến hết năm 2014 đạt thêm 4 tiêu chí.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.