Khi tạm đủ lương thực thì thực phẩm đã trở thành nhu cầu cấp thiết. Sữa bò là loại thực phẩm rất bổ dưỡng, do đó rất cần thiết cho phát triển cơ thể của con người. Muốn có nhiều sữa cần phải nuôi nhiều bò, vì vậy cần cung cấp nhiều thức ăn cho bò.
Nghiên cứu cho thấy: Trung bình mỗi con bò cho sữa, hằng ngày cần cung cấp khoảng 30kg thức ăn xanh thô hay đã ủ chua cùng với 1,5 - 2kg thức ăn tinh mới bảo đảm chất và lượng sữa tốt. Như vậy, khi đàn bò sữa càng nhiều thì nhu cầu thức ăn xanh càng cao.
Hiện nay số lượng bò sữa cả nước có đến trên 300.000 con (chưa kể đến số lượng bò thịt), thì mỗi ngày cần đến 9.000 - 10.000 tấn thức ăn xanh đủ chất lượng mới bảo đảm đàn bò khỏe và cho sản lượng cũng như chất lượng sữa tốt.
Hiện nay ở nước ta đã có mặt nhiều chủng loại cây dùng làm thức ăn cho gia súc có giá trị như cỏ voi, cao lương, cỏ Ruzi, cỏ sả, cỏ ba lá Ai cập, cỏ Alfalfa, cỏ Stylo, cỏ Mombasa... Đặc biệt, các loại ngô, trong đó ngô được coi là cây cho thức ăn xanh chiếm tỷ lệ nhiều nhất vì có chất lượng cao, chỉ xếp sau một số loại cỏ như Alfalfa, Stylo và đậu tương, nhưng dễ trồng, dễ cho số lượng sinh khối cao, dễ cung cấp hạt giống, dễ sử dụng biện pháp cơ giới hóa để bảo đảm trồng trên diện tích rộng, cho sinh khối lớn. Vì vậy, sử dụng ngô làm thức ăn xanh (thức ăn sinh khối) càng ngày càng được ưa chuộng hơn cả.
Theo số liệu thu được của Viện Nghiên cứu Ngô thuộc Bộ NN&PTNT thì trong cây ngô khi thu hoạch ở giai đoạn chín sáp, cây còn chứa nhiều nước, thân lá mềm, hàm lượng chất khô cũng khá cao, chiếm khoảng 28 - 35%, trong đó có khoảng 8 - 9% lượng protein thô, cây ngô cũng chứa nhiều chất hữu cơ và khoáng cần thiết cho bò sữa (như N, P, K, Ca, Mg, Si, Zn, Fe, Cu, Mo, Bo...).
Trồng ngô sinh khối: Nghiên cứu đã chứng minh rằng cây ngô rất "phàm ăn". Nghĩa là nếu bảo đảm đầy đủ và phù hợp các biện pháp kỹ thuật liên hoàn "Nước, phân cần giống" thì ở Việt Nam đất nào, mùa nào cũng có thể trồng ngô sinh khối cho năng suất cao được, trong đó nước và phân là những nhân tố rất quan trọng.
Lợi ích bón phân Đầu Trâu cho ngô sinh khối
Năm 2023, Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền đã phối hợp với Viện Nghiên cứu Ngô của Bộ NN&PTNT làm một số thí nghiệm về bón phân Đầu Trâu cho ngô sinh khối tại một số địa điểm cả miền Bắc và miền Nam, kết quả thu được rất khả quan.
Với khuôn khổ của bài báo, tác giả chỉ xin nêu tóm tắt kết quả thí nghiệm thực hiện vào vụ Hè - thu năm 2023, tại xã Cư M’ Gar, huyện Cư M’ Gar, tỉnh Đắk Lắk để tiện tham khảo. Thí nghiệm sử dụng giống ngô LVN66. Được biết cả vùng Tây nguyên có 172,9 nghìn ha ngô, phần lớn là ngô lấy hạt. Riêng tỉnh Đắk Lắk đã có 80,9 nghìn ha chiếm 46,8% diện tích ngô toàn vùng.
Việc trồng ngô sinh khối chỉ được thực hiện khi có hợp đồng giữa cơ sở chăn nuôi bò sữa với nông dân nên tỷ lệ diện tích ngô sinh khối trong vùng còn hạn chế. Vì vậy, mục đích thí nghiệm này là để tạo tiền đề cho cả nông dân và doanh nghiệp tiếp nhận trong những năm sắp tới.
Thí nghiệm được thực hiện với sự tham gia trực tiếp của chủ đất, với 3 công thức bón phân, trong đó 1 công thức bón theo kinh nghiệm của sản xuất (CT1), làm đối chứng (Đ/c) và 2 công thức thí nghiệm sử dụng phân Đầu Trâu (CT2 và CT3).
Công thức đối chứng (Đ/c) sử dụng 250kg DAP, 500kg Ure và 400kg phân kali/ha, tổng số chất dinh dưỡng của công thức đối chứng là 275kg N + 115kg P205 và 240kg K20/ha.
Còn phân bón Bình điền có 2 công thức, dùng 4 chủng loại phân (trên cơ sở nghiên cứu kỹ chất đất để bón theo yêu cầu của cây nhằm giảm chi phí và giảm phát thải khí nhà kính) bao gồm: Đầu trâu Organic, ĐT cân bằng đất, ĐT tăng trưởng và ĐT chắc hạt, với tổng số chất dinh dưỡng ở CT2 là 121N + 64P205 + 94K20 và CT3 có 112kg N + 64kg P205 và 48kg K20/ha.
Như vậy, chưa tính đến chất lân (P205) và Kali (K20) thì riêng chất đạm (N) công thức 2 (CT2) bón phân Đầu Trâu đã giảm so với công thức đối chứng (Đ/c) là 154kg N, hay giảm 52,7% (tương đương với 334kg phân Ure/ha), và công thức bón phân ĐT thứ 3 (CT3) giảm được 163kg N, hay giảm 59,2% ( 354kg phân Urea) so với công thức đối chứng.
Dù tập quán bà con bón phân nhiều như vậy nhưng điều đáng lưu ý là năng suất ngô sinh khối lại thấp hơn cả 2 công thức sử dụng phân Đâu Trâu rất đáng kể. Cụ thể: công thức Đ/c cho năng suất 87,3 tấn/ha, còn công thức bón phân Đầu Trâu số 2 đạt 107,6 tấn/ha, cao hơn đối chứng là 20,7 tấn hay tăng 13,7%/ha và CT3 có năng suất cao hơn đối chứng là 13,4 tấn hay tăng 12,8%/ha.
Tính hiệu quả kinh tế càng thấy tính ưu việt của phân Đầu Trâu bón cho ngô sinh khối là rất ấn tượng. Riêng tiền phân, ở công thức bón phân Đầu Trâu số 2 và số 3 đều giảm được 4.300.000đ/ha (giảm 25,6%). Tiền lời thu được ở công thức bón phân ĐT số 2 cao hơn đối chứng là 67.540.000đ (hay cao hơn 42%) và ở công thức bón phân ĐT thứ 3 là 61.330.000đ/ha (hay 42,03%).
Như vậy, bón phân Đầu trâu cho ngô sinh khối vừa giảm được số lượng phân, dẫn đến giảm chi phí đầu tư, đồng thời giảm phát thải khí nhà kính nên môi trường thêm trong sạch, chất lượng sữa tốt và an toàn. Đồng thời, năng suất ngô sinh khối lại cao hơn phương pháp canh tác cũ, nên giảm được giá thành đầu tư, mang lại lợi nhuận cao hơn cho cả người trồng ngô và cả người chăn nuôi bò sữa.
Ngô sinh khối là gì? Đó là cây ngô (hay cây bắp) gieo trồng với mục đích thu hoạch sớm gồm cả thân, lá và cả bắp ngô ở vào giai đoạn chín sáp, dùng để làm thức ăn nuôi trâu, bò, đặc biệt là bò sữa.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.