Nếu sử dụng ma túy “đá” dẫn đến giảm khả năng nhận thức, điều khiển hành vi, Khương phải chịu trách nhiệm hình sự tội “Cố ý gây thương tích”. Trong trường hợp bị bệnh tâm thần (không liên quan đến việc sử dụng ma túy “đá”), Khương không phải chịu trách nhiệm hình sự.
Chưa khởi tố bị canNhững ngày qua, vụ việc em trai
cắt chân chị gái khiến dư luận chưa hết bàng hoàng, lạnh gáy. Trần Tuấn Khương (SN 1971, trú tại quận Ba Đình, Hà Nội) dùng dao gọt hoa quả cắt lìa chân chị gái mình là Trần Thanh D (SN 1963), người đang nằm điều trị bệnh ung thư tại Bệnh viện Xanh Pôn.
Trước đó, chị D được gia đình đưa đến điều trị tại bệnh viện Xanh Pôn từ ngày 23.12.2013. Những người thân trong gia đình chị D thay phiên nhau trông nom chị. Tối 1.1.2014, chị D được con gái Trần Thanh V và em trai Trần Tuấn Khương chăm sóc.
Khoảng 3h ngày 2.1.2014, chị D đau và nói mê sảng nên Trần Thanh V đã ôm đầu và xoa bóp cho mẹ, còn Trần Tuấn Khương bóp chân cho chị gái. Sau đó, Khương nói V đưa cho mình con dao gọt hoa quả. V lấy dao đưa cho Khương và không để ý.
Đối tượng Trần Tuấn Khương.
Lúc này, Khương đã dùng dao cứa vào chân chị D. Thấy vậy, các y bác sĩ đã căn ngăn và báo sự việc cho cơ quan công an. Ngay sau đó, Khương và V được đưa về trụ sở công an để phục vụ công tác điều tra.
Bị cảnh sát bắt giữ, bước đầu, Khương khai nhận, thấy chị gái kêu la đau đớn, nói có ma nhập vào người, Khương muốn đuổi con ma thoát ra khỏi thân xác chị nên dùng dao cắt chân để máu chảy ra ngoài, để ma theo máu chảy ra. Qua kiểm tra, cảnh sát xác định, Khương dương tính với ma túy.
Sáng 6.1, Công an quận Ba Đình cho hay, hiện cơ quan điều tra đang xác minh, làm rõ các chi tiết và những người liên quan đến vụ án. Cơ quan điều tra vẫn chưa ra quyết định khởi tố bị can đối với Trần Tuấn Khương.
Chờ kết luận giám định thương tật
Dưới góc độ pháp lý, luật gia Nguyễn Xuân Đạo (Công ty luật hợp danh Sự thật - Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho rằng, thời điểm hiện tại, cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án, song muốn biết Trần Tuấn Khương có phải chịu trách nhiệm hình sự hay không hoặc phải chịu khung hình phạt nào phải chờ kết luận giám định thương tật.
“Theo nội dung vụ việc, Trần Tuấn Khương đã dùng hung khí nguy hiểm, hành vi có tính chất côn đồ và phạm tội với người đau ốm. Trường hợp tỷ lệ thương tật của bà D dưới 11%, cơ quan điều tra sẽ căn cứ yêu cầu của người bị hại để khởi tố Trần Tuấn Khương. Nếu bà D có đơn xin miễn truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Trần Tuấn Khương, cơ quan điều tra sẽ đình chỉ khởi tố. Nếu tỷ lệ thương tật của bà D từ 11% trở lên, dù bà D có đơn yêu cầu không khởi tố, Trần Tuấn Khương vẫn bị cơ quan điều tra truy tố” - luật gia Đạo cho hay.
Theo luật gia Nguyễn Xuân Đạo, đối chiếu trường hợp của bà D với Thông tư liên bộ số 12/TTLB ngày 26.7.1995 của Bộ Y tế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (quy định về tiêu chuẩn thương tật và tiêu chuẩn bệnh tật), tỷ lệ thương tật của bà D dao động từ 51%-60%. Do đó, vụ việc trên sẽ được pháp luật hình sự điều chỉnh.
“Dưới góc độ pháp luật hình sự, chúng ta phải xác định hành vi, tuổi và lỗi của Trần Tuấn Khương để xem Khương có phải chịu trách nhiệm hình sự không. Hành vi của Khương đã rõ khi dùng dao gọt hoa quả tác động đến thân thể của bà D, làm cho bà D bị thương tật khoảng 51%-60%. Tuy nhiên, Trần Tuấn Khương đã dùng ma túy “đá” trước khi thực hiện hành vi phạm tội. Điều 14 Bộ luật Hình sự quy định: “Người phạm tội trong tình trạng say do dùng rượu hoặc chất kích thích mạnh khác thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự”.
Trường hợp này, ma túy “đá” là một chất kích thích. Vì vậy, Trần Tuấn Khương dùng ma túy “đá”, không cần biết có ảnh hướng đến khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi hay không, Khương vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự” - luật gia Nguyễn Xuân Đạo phân tích.
Song, cũng theo luật gia Đạo, trong trường hợp bị bệnh tâm thần (mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi), đáp ứng cả hai dấu hiệu y học và tâm lý, Trần Tuấn Khương không phải chịu trách nhiệm hình sự. “Nhưng nếu thiếu một trong hai dấu hiệu, ông Khương vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự” - luật gia Đạo nói rõ.
“Vụ việc trên sẽ có thể xảy ra 2 trường hợp: Nếu bị bệnh tâm thần (không liên quan đến việc sử dụng ma túy “đá”), ông Khương không phải chịu trách nhiệm hình sự. Ngược lại, nếu sử dụng ma túy “đá” dẫn đến tâm thần hoặc giảm khả năng nhận thức và điều khiển hành vi, ông Khương vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về “tội cố ý gây thương tích”, quy định tại Điều 104 Bộ luật Hình sự với tình tiết tăng nặng là dùng hung khí nguy hiểm, có tính chất côn đồ và phạm tội với người đau ốm. Nếu bị truy tố theo tội danh này, ông Khương sẽ đối diện khung hình phạt từ 5 năm đến 15 năm tù giam” - luật gia Đạo nhận định.
Dân trí (Theo Dân trí)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.