Hình thành nhiều cánh đồng “vàng”

Thứ tư, ngày 07/08/2013 09:38 AM (GMT+7)
Trong nhiều năm gần đây, nhờ đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng cạn trên đất lúa, nông dân tỉnh Bình Định đã có thu nhập khá cao. Tại tỉnh này đã hình thành nhiều cánh đồng cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha/năm.
Bình luận 0
Nhiều cánh đồng thu hàng trăm triệu đồng/ha

Theo Sở NNPTNT Bình Định, thời gian qua ngành nông nghiệp tỉnh đã tổ chức xây dựng thành công nhiều cánh đồng mẫu, cánh đồng sản xuất cây trồng cạn cho thu nhập từ 100 triệu đồng/ha/năm trở lên tại nhiều địa phương trong tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng thành công 47 công thức luân canh cây trồng trên 210 cánh đồng với diện tích 8.600ha, cho thu nhập đạt 100 triệu đồng/ha/năm. Các công thức luân canh cây trồng mới đã khẳng định được ưu thế vượt trội so với lối canh tác cũ, mang lại giá trị kinh tế cao. Từ mô hình điểm, nhiều địa phương đã nhân rộng trên những cánh đồng chuyên canh với diện tích sản xuất hàng trăm ha.
Nông dân xã Phước Hiệp (Tuy Phước) trồng dưa leo trên đất lúa thiếu nước tưới cho hiệu quả kinh tế cao.
Nông dân xã Phước Hiệp (Tuy Phước) trồng dưa leo trên đất lúa thiếu nước tưới cho hiệu quả kinh tế cao.

Các công thức luân canh có giá trị thu nhập cao được xây dựng thành công gồm: Trồng đậu phộng và 2 vụ hành/năm tại xã Cát Hải (huyện Phù Cát) với diện tích 340ha, cho thu nhập 180 triệu đồng/ha/năm; đậu phộng - ớt - bắp (ngô) lai - mè - rau xanh với diện tích 874ha tại xã Cát Tài (huyện Phù Cát), giá trị thu nhập 150 triệu đồng/ha/năm; đậu phộng - dưa leo - khổ qua, hay đậu phụng - 2 vụ hành - dưa leo tại xã Tây Giang (huyện Tây Sơn), giá trị thu nhập 337 triệu đồng/ha/năm.

Tại cánh đồng sản xuất lúa năng suất bấp bênh ở các xã Phước Sơn, Phước Hiệp, Phước Lộc (huyện Tuy Phước), nông dân chuyển đổi sang mô hình 1 vụ lúa + hoa huệ cho thu nhập 120 triệu đồng/ha/năm.

Đáng chú ý là trên diện tích chân ruộng cao, bấp bênh nước tưới ở các xã Ân Phong, Ân Tường Đông, Ân Hảo Đông, Ân Thạnh (huyện Hoài Ân), mô hình xen canh lúa - đậu phụng - lúa, đậu phộng - bắp lai - kiệu đã cho thu nhập 70-150 triệu đồng/ha/năm. Nông dân các xã Mỹ Trinh, Mỹ Châu (huyện Phù Mỹ) đã chuyển trên 500 ha diện tích sản xuất 3 vụ lúa bấp bênh/năm thiếu nước sang luân canh lúa - mè - bắp lai hoặc đậu phộng - mè - bắp lai - kiệu thu nhập từ 76 - 96 triệu đồng/ha/năm…

Chuyển đổi gắn với tiêu thụ nông sản

Ông Hồ Ngọc Hùng - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Bình Định cho biết: Giải pháp để công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng mang lại hiệu quả cao là ngành đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương tổ chức quy hoạch vùng sản xuất cây trồng cạn tập trung, xây dựng, chuyển giao các mô hình, công thức sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao. Nhờ vậy, phần lớn người dân đồng tình với chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân...
Đến nay, toàn tỉnh Bình Định đã xây dựng thành công 47 công thức luân canh cây trồng trên 210 cánh đồng với diện tích 8.600ha, cho thu nhập đạt 100 triệu đồng/ha/năm.

Cũng theo ông Hùng, ngành nông nghiệp tỉnh đang triển khai xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung, sản xuất các loại cây trồng cạn, nhằm đáp ứng hoạt động của các nhà máy chế biến, nhất là các loại nông sản phục vụ chế biến thức ăn chăn nuôi như ngô, đậu nành, lạc... “Chúng tôi đang tăng cường vận động nông dân đẩy mạnh chuyển đổi từ 3 vụ lúa bấp bênh sang 2 vụ lúa ăn chắc với diện tích ổn định 23.000ha/vụ; còn lại chuyển sang trồng các loại cây trồng cạn” - ông Hùng nói.

Nguyễn Quý (Nguyễn Quý)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem