Hitler và ảo mộng Đức Quốc xã trường tồn 1.000 năm: Cái kết bi thảm

Vũ Anh (Theo National Geographic) Thứ ba, ngày 14/09/2021 20:30 PM (GMT+7)
Hitler từng tuyên bố đế chế quốc xã sẽ trường tồn 1.000 năm, nhưng Liên Xô cùng phe Đồng minh kết liễu nó chỉ sau 12 năm bằng chiến thắng 1945.
Bình luận 0

Đến mùa xuân năm 1945, Thế chiến II đã tàn phá khắp châu Âu được hơn 5 năm, với vô số trận đánh ác liệt gây thiệt hại khủng khiếp về người và tài sản. Liên Xô chiến đấu chống lại phát xít Đức ở mặt trận phía Đông từ năm 1941, hàng triệu người đã ngã xuống để chặn đà tiến quân và đẩy lùi phát xít Đức khỏi lãnh thổ.

Chiếc dịch đổ bộ vào Pháp của quân Đồng minh vào tháng 6/1944 giúp quân đội Mỹ và Anh giành lại các vùng đất bị phát xít Đức chiếm trước đó ở mặt trận phía Tây. Cùng lúc đó, Hồng quân Liên Xô cũng mở chiến dịch tiến công từ phía đông, tạo ra hai gọng kìm với mục tiêu là thủ đô Berlin của Đức.

Hitler và ảo mộng Đức Quốc xã trường tồn 1.000 năm: Cái kết bi thảm - Ảnh 1.

Một đơn vị Hồng quân Liên Xô trong chiến dịch Bagration. Ảnh: Sputnik.

Ngày 22/6/1944, ba năm sau khi phát xít Đức phát động chiến dịch Barbarossa xâm lược Liên Xô, Hồng quân khởi động "chiến dịch Bagration", mật danh của Chiến dịch Tấn công Chiến lược Belorussia với sự tham gia của 6 mũi tấn công từ 4 phương diện quân. Mục tiêu của chiến dịch là xóa sổ Cụm Tập đoàn quân Trung tâm, lực lượng Đức từng áp sát ngoại ô thủ đô Moskva trong chiến dịch Barbarossa.

Các tin tình báo giả về một đòn tấn công của Liên Xô ở phía nam, quanh Biển Đen khiến lực lượng Đức ở phía bắc hoàn toàn sơ hở khi 1,5 triệu binh sĩ Hồng quân tấn công. Hitler khiến tình hình tệ hơn khi không cho phép các đơn vị Đức rút lui cho tới khi quá muộn.

Tập đoàn quân số 4 và 9 của Đức bị hủy diệt khi Hồng quân tạo thế gọng kìm bao vây ở Minsk. Tập đoàn quân thiết giáp số 3 của phát xít cũng chịu tổn thất nặng.

Đây được xem là chiến thắng vĩ đại nhất của Hồng quân trong cả cuộc chiến. Nhiều nhà nghiên cứu lịch sử coi đó là một trong hai chiến dịch tiêu biểu cho nghệ thuật chiến tranh Liên Xô trong Thế chiến II với các hoạt động nghi binh liên tục đánh lừa phát xít Đức, trong khi bài bản tấn công của học thuyết "Tác chiến chiều sâu" được thực hiện gần như hoàn hảo ở mọi cấp độ.

Về phía phát xít Đức, đây bị coi là thất bại thảm hại nhất trong toàn bộ cuộc chiến khi Cụm Tập đoàn quân Trung tâm bị xóa sổ hoàn toàn, khu vực phòng thủ phía đông nước Đức sụp đổ và Đông Phổ bị đe dọa trực tiếp.

Hồng quân sau đó tiến vào Ba Lan và dừng chân để củng cố lực lượng gần thủ đô Warsaw vào tháng 8/1944. Họ giành lại thủ đô Ba Lan từ tay Đức vào tháng 1/1945, đồng thời mở rộng mặt trận về phía bắc, vượt qua các nước vùng Baltic để tiến vào Đông Phổ. Ở hướng nam, Hồng quân Liên Xô cũng tấn công Romania và những nước đồng minh của phát xít Đức.

Sau khi Liên Xô giành được mỏ dầu Ploesti và cắt đứt nguồn cung nhiên liệu của Đức, vua Michael I của Romania đã loại bỏ nhà độc tài thân Đức Ion Antonescu và chuyển sang ủng hộ Liên Xô. Bulgaria cũng ủng hộ Liên Xô, trong khi sự hiện diện của lính Đức khiến Hungary không thể rời phe Trục cho đến khi thủ đô Budapest được giải phóng vào tháng 2/1945.

Tới lúc này, Hồng quân Liên Xô đã sẵn sàng tung đòn kết liễu vào Berlin.

Hitler và ảo mộng Đức Quốc xã trường tồn 1.000 năm: Cái kết bi thảm - Ảnh 2.

Lãnh đạo Anh, Mỹ và Liên Xô tại hội nghị Yalta. Ảnh: Reuters.

Lãnh đạo Liên Xô Iosef Stalin có lợi thế rất lớn khi gặp Tổng thống Mỹ Franklin Roosevelt và Thủ tướng Anh Winston Churchill tại thành phố Yalta vào tháng 2/1945. Các bên thống nhất khu vực kiểm soát trên lãnh thổ Đức, cũng như chia đôi thủ đô Berlin dù nó nằm hoàn toàn trong vùng kiểm soát của Liên Xô.

Bất đồng lớn nhất là lực lượng nào sẽ tấn công và chiếm Berlin. Sau khi quân đội Mỹ dưới quyền tướng Dwight Eisenhower chiếm được vùng Ruhr vào đầu tháng 4, các nỗ lực chống trả ở phía tây Đức dần suy yếu, nhưng vẫn rất mạnh ở phía đông. Hàng triệu dân thường Đức cũng được sơ tán hoặc tự bỏ chạy về phía tây để tránh mũi tấn công của Hồng quân.

Trận đánh cuối cùng giữa phát xít Đức và Liên Xô khai màn vào sáng sớm 16/4/1945, khi các đơn vị pháo binh Liên Xô ở dọc sông Oder nã đạn dữ dội vào ngoại ô Berlin ở cách đó hàng chục km.

Binh sĩ Đức rút lui để bảo toàn lực lượng và giữ phòng tuyến vững chắc trong giai đoạn đầu. Tuy nhiên, họ không thể chống đỡ đòn tấn công áp đảo từ Phương diện quân Belorussia số 1 dưới quyền nguyên soái Georgi Zhukov, người được mệnh danh là cứu tinh của Moskva.

Hitler và ảo mộng Đức Quốc xã trường tồn 1.000 năm: Cái kết bi thảm - Ảnh 3.

Chiến dịch tấn công Berlin của Hồng quân Liên Xô. Video: YouTube/Blitzkrieg.

"Họ liên tục tấn công. Binh lính của tôi chiến đấu đến lúc hết đạn, các đơn vị bị xóa sổ hoặc đánh bại hoàn toàn", một chỉ huy thuộc Tập đoàn quân số 9 Đức báo cáo.

Về phía nam, nguyên soái Ivan Konev, tư lệnh Phương diện quân Ukraine số 1, cũng hủy diệt Tập đoàn quân thiết giáp số 4 Đức trước khi hướng tới Berlin. Hai mũi tấn công tạo thành dây thòng lọng quấn quanh thủ đô của Đức Quốc xã.

Ngày 26/4, hơn nửa triệu binh sĩ Hồng quân mở cuộc tiến công trung tâm Berlin, nơi đặt hầm ngầm của Hitler và tòa nhà quốc hội Đức. Các đơn vị Waffen-SS và dân quân địa phương Đức, với thành phần chủ chốt là thiếu niên và người già, sớm bị vô hiệu hóa.

Hitler và ảo mộng Đức Quốc xã trường tồn 1.000 năm: Cái kết bi thảm - Ảnh 4.

Lính Hồng quân cắm cờ trên nóc tòa nhà quốc hội Đức. Ảnh: Yevgeny Khaldei.

Ngày 30/4, Adolf Hitler tự sát trong hầm ngầm, thi thể trùm phát xít được cấp dưới thiêu cháy sau đó. Tối cùng ngày, lính Hồng quân tấn công tòa nhà quốc hội Đức và cắm cờ trên nóc.

22h43 ngày 8/5/1945, các đại diện Đức Quốc xã ký biên bản xác nhận đầu hàng vô điều kiện tại một trường quân sự cũ ở Karlshorst gần Berlin, đánh dấu chiến thắng của phe Đồng minh, chấm dứt Thế chiến II ở châu Âu. Lúc đó là 0h43 ngày 9/5/1945 theo giờ Moskva.

Thông tin về việc quân Đức hạ vũ khí đầu hàng nhanh chóng lan truyền khắp thế giới, đặt dấu chấm hết cho ảo mộng "đế chế nghìn năm" của Hitler. Chế độ phát xít của y chỉ tồn tại được 12 năm và bị đánh đổ bởi xương máu của hàng triệu người đã ngã xuống trong cả cuộc chiến.

Mỹ, Anh và nhiều nước châu Âu gọi ngày 8/5 là "Ngày chiến thắng của châu Âu", trong khi Liên Xô kỷ niệm Ngày Chiến thắng Phát xít vào 9/5.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem