Ngày 6.10, gặp phóng viên NTNN khoảng 1 giờ, võ sư Lê Công (ảnh)- HLV đầy tâm huyết được lớp lớp học trò kính trọng đã bày tỏ hết “ruột gan” khi nói về nỗi đau gắn với thất bại ASIAD: “Điều đầu tiên tôi xin chia buồn với các vận động viên (VĐV). Phải thừa nhận, nhiều VĐV thi đấu tốt nhưng đẳng cấp chưa đủ để giành HCV. Vấn đề còn lại là những nhà lãnh đạo ngành thể thao, các HLV, chuyên gia cần phải nghiêm túc nhìn nhận khuyết điểm”.
Không thể có chiến thắng bằng quan hệ!
Ngược dòng quá khứ, HLV Lê Công khẳng định: “Thành tích tại ASIAD 2014 thấp hơn cả thành tích năm 1994 khi HLV Đoàn Đình Long dẫn các cháu Trần Văn Thông, Phạm Hồng Hà đi đạt 2 HCB. Tới ASIAD 1998, khi tôi và anh Long cùng ban huấn luyện dẫn đội đi thi đấu ở Thái Lan, chúng ta giành 1 HCB, 5 HCĐ. Kỳ ASIAD 2002 ở Busan (Hàn Quốc) là Á vận hội đáng nhớ nhất trong cuộc đời cầm quân của tôi. Thời điểm đó, VĐV của ta phải đối đầu với những võ sĩ hàng đầu thế giới nhưng đã thắng trong 2 trận chung kết. Vũ Thị Kim Anh thắng võ sĩ Nhật Bản vừa vô địch thế giới ở Brazil về. Nguyễn Trọng Bảo Ngọc cũng hạ võ sĩ Uzbekistan vốn có đòn chân cực hay. Đến năm 2006, Nguyệt Ánh giành 1 HCV, và mới đây thôi, tại ASIAD 2010, Bích Phương giành HCV duy nhất cho đoàn TTVN”.
Quan điểm
Ông Lê Công •
HLV môn Karatedo
Trong thể thao, quan hệ chỉ là điều kiện ban đầu, giúp xây dựng mối quan hệ tốt với nhau trên tinh thần thượng võ. Theo tôi, quan hệ không thể tạo ra những tấm huy chương vàng, tư duy ấy rất xấu..
Càng hồi tưởng, HLV Lê Công càng không thể nén nổi sự bức xúc khi ai đó cho rằng những kết quả karatedo có được trong quá khứ là nhờ… quan hệ: “Chúng ta không thể quan hệ được với cú đá vào mặt VĐV Nhật Bản của Lê Bích Phương. Cũng không thể quan hệ được thành tích của Kim Anh thắng nhà vô địch thế giới. Tương tự, không thể quan hệ được để có tấm HCV của Nguyệt Ánh hạ võ sĩ Malaysia khi Malaysia là Chủ tịch Hội đồng trọng tài châu Á. Trong thể thao, quan hệ chỉ là điều kiện ban đầu, giúp xây dựng mối quan hệ tốt với nhau trên tinh thần thượng võ. Theo tôi, quan hệ không thể tạo ra những tấm HCV, tư duy ấy rất xấu”.
“Tuyển quân đã đúng chưa?”
Khi phóng viên đề cập việc Trưởng đoàn TTVN tại ASIAD 2014 Lâm Quang Thành cho rằng karatedo là môn cảm tính, HLV Lê Công nhấn mạnh rằng phát biểu này là không chính xác.
Theo ông, trong thể thao, môn nào cũng phụ thuộc ít nhiều vào yếu tố con người trong vai trò trọng tài. “Thời tôi làm, chúng ta đã chiến thắng nhưng luôn khiêm tốn, học hỏi. Chúng ta phải biết mình, biết người, biết nắm thời cơ giành chiến thắng. Những chiến thắng trong quá khứ là mồ hôi nước mắt, là máu, là những năm tháng mệt mỏi chấn thương của VĐV cộng với sự đầu tư của Nhà nước. Những chiến thắng đó là rất thuyết phục. ASIAD 2014 ta không thành công thì ta phải nhận lỗi và chịu trách nhiệm, đó là điều tôi mong muốn” - HLV Lê Công nói.
Lý giải về nguyên nhân thất bại của karatedo Việt Nam, HLV Lê Công chia sẻ: “Chúng ta đã thực sự tuyển quân đúng chưa? Em Lăng Thị Hoa là một VĐV có bề dày thành tích quốc tế, đã được HCV giải Thái Lan mở rộng ngay sát ASIAD, sao không được đi? Nếu tôi làm, tôi sẽ đưa Hoa đánh hạng 61kg. Còn ở các hạng cân nam tôi cũng sẽ tìm bằng được người đánh hạng 55kg, đó có thể là em Thanh Duy – người giành HCĐ ASIAD 2014 hạng 60kg. Hạng 75kg, tôi đưa Minh Phụng về thi đấu. Trước đây, em Phụng đi với tôi, tôi đưa thử lên đánh hạng 80kg không có thành tích bởi trọng lượng nặng, không đánh được. Đó là cách nghĩ của tôi, nhưng giờ HLV, chuyên gia ngoại lại nghĩ khác, đó là quyền của họ”.
Dưới góc độ chuyên môn, HLV Lê Công nói thêm: “VĐV của ta không khỏe, tầm vóc không cao, sải tay, sải chân không dài nhưng bù lại mình lại rất khéo léo. Trong thi đấu phải biết mình, biết người, phát huy yếu tố tinh thần, trí tuệ, lựa chọn đúng thời điểm để ra đòn bất ngờ. Trong karatedo, ngoài tốc độ, còn có những yếu tố quan trọng khác như điều chỉnh khoảng cách, chọn thời điểm, tinh thần quyết thắng”.
Đi tìm giải pháp để giúp karatedo nước nhà “hồi phục”, HLV Lê Công nói: “Chúng ta phải dân chủ trong vấn đề quản lý. Nghĩa là phải có liên đoàn, có hội đồng chuyên môn, hội đồng trọng tài, qua đó tuyển chọn thật tốt HLV, VĐV để hình thành “chân đế” vững chắc. Tôi cũng muốn nhắn nhủ các em VĐV vừa đi thì đấu ASIAD về là các em đừng suy nghĩ tiêu cực, đừng bi quan. Các em cứ gắng tập lên, suy nghĩ, rút kinh nghiệm, thấy rõ cái nào là sai, là rủi ro và những gì đã làm được. Để thành công, các em chỉ có một con đường phấn đấu và phấn đấu hơn nữa để giành chiến thắng”.
Ông Vũ Sơn Hà - Trưởng bộ môn karatedo (Tổng cục TDTT): Chúng tôi lạc quan về tương lai
Không ai trong chúng tôi có thể vui khi karatedo Việt Nam không thể giành HCV như các kỳ ASIAD gần đây. Nhưng phải nhấn mạnh là ASIAD là đấu trường rất khốc liệt, nơi tập trung các VĐV vô địch châu Á và thế giới. Bản thân các VĐV khi bước vào thi đấu đều đã nỗ lực hết mình và chúng tôi hài lòng với những gì họ thể hiện, cả về chiến thuật và kỹ thuật. Các chuyên gia, HLV nước bạn cũng đánh giá cao sự tiến bộ của VĐV Việt Nam.
Điều đáng nói nhất, trong số 8 VĐV dự ASIAD, thì 6 VĐV (trừ Hoàng Ngân và Minh Phụng) nằm trong độ tuổi 18-20 và đây là những VĐV tài năng của karatedo Việt Nam có thể phát triển trong tương lai. Tôi cũng khẳng định là với quỹ thời gian chỉ có 6 tháng, những gì chuyên gia người Iran làm được cho karatedo Việt Nam cũng rất đáng ghi nhận. Thời gian tới, chúng tôi sẽ ngồi lại với nhau, nghiêm túc nhìn xem còn hạn chế ở đâu để làm cho tốt hơn.
Ông Vũ Xuân Thành - Trưởng bộ môn taekwondo (Tổng cục TDTT):
Không bằng lòng với 2 HCĐ
Chuẩn bị cho ASIAD, taekwondo Việt Nam đã được đầu tư tốt, đặc biệt là đội nữ được đưa đi tập huấn dài hạn ở Hàn Quốc, thi đấu cọ xát nhiều. Và việc chỉ có 2 HCĐ khiến chúng tôi rất buồn và không bằng lòng. Tại ASIAD vừa rồi, một số VĐV thi đấu đã không vượt qua được chính mình như trường hợp của Doãn Thị Hương Giang, Nguyễn Thanh Thảo. Một số khác lại gặp những đối thủ quá mạnh ngay từ đầu như Nguyễn Trọng Cường.
Một điểm cần khẳng định là lứa VĐV nữ hiện nay hầu hết là những cái tên chúng tôi tập trung cho mục tiêu dài hạn ở ASIAD 2018 dưới sự dẫn dắt xuyên suốt của chuyên gia Hàn Quốc. Ví dụ như trường hợp của Phạm Thị Thu Hiền (HCĐ ASIAD 2014) năm nay mới 19 tuổi. Trương Thị Kim Tuyền còn trẻ hơn nữa, mới 17 tuổi. Trong tương lai, khi taekwondo nhận được sự đầu tư nhiều hơn nữa từ nguồn xã hội hóa, các VĐV sẽ có điều kiện thi đấu nhiều hơn để nâng cao bản lĩnh trận mạc. Tuệ Minh (ghi)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.