HLV Mai Đức Chung: "Tôi chỉ làm những việc nho nhỏ thế thôi!"
HLV Mai Đức Chung: "Tôi chỉ làm những việc nho nhỏ thế thôi!"
Lê Minh
Thứ ba, ngày 08/02/2022 19:10 PM (GMT+7)
Chứng kiến thầy trò HLV Mai Đức Chung ôm nhau ăn mừng tấm vé dự World Cup nữ 2023 lịch sử, ít ai biết hành trình đầy chông gai mà lớp lớp thế hệ cầu thủ đã phải trải qua dưới bàn tay dìu dắt của "bố Chung" - người luôn khiêm tốn tự nhận: "Tôi chỉ làm những việc nho nhỏ thế thôi!"
HLV Mai Đức Chung: "Chúng tôi đã vất vả bao lâu rồi"
Chiều 6/2 vừa qua, HLV Mai Đức Chung đã dẫn dắt ĐT nữ Việt Nam thắng sát nút Đài Bắc Trung Hoa 2-1 trong trận play-off có ý nghĩa quyết định, qua đó giành vé dự World Cup 2023.
ĐT nữ Việt Nam và khoảnh khắc vỡ oà ăn mừng tấm vé dự World Cup 2023 lịch sử. Ảnh: VFF
Trước đó 4 ngày, ngày 2/2, thầy trò HLV Mai Đức Chung đã đá bại ĐT nữ Thái Lan 2-0 trong trận play-off đầu tiên. Cần nhớ, cách đây 8 năm, chính Thái Lan đã thắng ĐT nữ Việt Nam dưới sự dẫn dắt của HLV người Trung Quốc Trần Vân Phát với tỷ số 2-1 trong trận play-off tranh vé dự World Cup nữ 2015 ngay trên sân Thống Nhất (TP.HCM).
Nói cách khác, tấm vé dự World Cup nữ 2023 có ý nghĩa như một sự giải toả cho những "uất ức" bị dồn nén suốt bao năm của bóng đá nữ Việt Nam. Đó cũng là thành quả, sự thừa nhận công lao của một thầy người đáng kính – HLV Mai Đức Chung.
Trong cuộc họp báo sau trận thắng Đài Bắc Trung Hoa, HLV Mai Đức Chung đã hạnh phúc, tự hào chia sẻ: "Tôi cũng như tất cả các thành viên ban huấn luyện, cầu thủ đều vỡ oà niềm vui. Tôi đã chạy vào sân ăn mừng cùng toàn đội. Chúng tôi đã cùng nhau vất vả bao lâu rồi.
Giá như không bị ảnh hưởng của Covid-19, chúng tôi sẽ chơi tốt hơn, có nhiều trận đấu hay hơn. Covid-19 đã ảnh hưởng lớn tới sức khoẻ của ĐT nữ Việt Nam. Rất may là càng về cuối giải, chúng tôi đã dần hồi phục và có thể chơi tốt ở trận đấu có ý nghĩa quyết định với Đài Bắc Trung Hoa.
Thành quả hôm nay có được là nhờ sự quan tâm sâu sát của Chính phủ, lãnh đạo ngành thể thao Việt Nam và VFF. Tất cả đã giúp ĐT nữ Việt Nam có sự tập trung cao độ trong suốt quá trình diễn ra giải, từ trận ra quân cho tới trận cuối cùng".
Đồng cảm với HLV Mai Đức Chung, cựu tuyển thủ Việt Nam, Quả bóng vàng nữ Việt Nam 2008 Đỗ Thị Ngọc Châm cho biết cô cảm thấy "tự hào, hạnh phúc, vui sướng" khi chứng kiến thế hệ "đàn em" ở ĐT nữ Việt Nam đã giành vé dự World Cup. Thuộc thế hệ học trò của HLV Mai Đức Chung hơn chục năm trước, Ngọc Châm ghi nhận công lao rất lớn của người thầy đáng kính.
HLV Mai Đức Chung luôn trăn trở với chiến lược đào tạo trẻ bóng đá Việt Nam, đặc biệt là bóng đá nữ. Ảnh: Getty
"Ngay từ khi còn là cầu thủ, chúng tôi đã vô cùng nể trọng HLV Mai Đức Chung, coi ông như cha, thậm chí "bố Chung" còn gần gũi các cầu thủ hơn cả những người mẹ, lắng nghe tâm tư, tình cảm của các học trò.
Tại VCK giải vô địch nữ châu Á 2022, HLV Mai Đức Chung đã luôn biết cách động viên các cầu thủ vượt khó từ trước khi bước vào giải và qua từng trận đấu.
HLV Mai Đức Chung thực sự là một người thầy đáng kính của bóng đá nữ Việt Nam nói riêng và bóng đá Việt Nam nói chung".
Để có một cách nhìn sâu hơn về "Đường tới World Cup" của ĐT nữ Việt Nam, Dân Việt xin lược đăng lại bài Dân Việt Trò Chuyện cùng HLV Mai Đức Chung, trong đó có những nỗi niềm đau đáu của ông về chiến lược đào tạo trẻ bóng đá nữ nước nhà.
"Bóng đá Việt Nam cần một tầm nhìn xa hơn"
Cách đây gần 2 năm, sau khi cùng ĐT bóng đá nữ Việt Nam giành HCV SEA Games 2019 và lọt tới vòng loại cuối cùng Olympic Tokyo 2020, tranh thủ chút thời gian về thăm nhà, HLV Mai Đức Chung hẹn gặp gỡ anh em bạn bè cựu cầu thủ Tổng cục Đường sắt một thời vang bóng. Tại một quán cafe quen nằm trong khuôn viên Nhà hát chèo Việt Nam nằm ở phố Kim Mã, ông Chung "Xe ca" đã trải lòng cùng Dân Việt về những trăn trở đối với bóng đá Việt Nam nói chung và bóng đá nữ nói riêng. Những suy tư của HLV Mai Đức Chung cho đến lúc này, ngay khi ĐT bóng đá nữ Việt Nam vừa giành vé dự World Cup 2023 vẫn còn nguyên giá trị.
Điều tự hào nhất là ông đã xây dựng được một tập thể ĐT nữ Việt Nam có kế thừa và luôn thi đấu với tinh thần bất khuất?
Có lẽ ai cũng thấy các cầu thủ của tôi thi đấu như những "chiến binh" ở SEA Games 2019. Trong 2 trận play-off lượt đi và về tranh vé dự Olympic Tokyo 2020 với đối thủ cực mạnh từng nhiều lần dự World Cup như Australia, ĐT nữ Việt Nam vẫn cho thấy phẩm chất, ý chí của phụ nữ Việt Nam.
Tôi nói vui một chút, nếu trên thế giới có môn thi đấu về "tinh thần và ý chí" thì chúng ta không ngại bất kỳ đối thủ nào. Bàn thắng của Huỳnh Như vào lưới Australia trong trận lượt về play-off giúp chúng ta tự tin hơn nhiều khi đọ sức với các đội bóng hàng đầu châu lục và thế giới. Trong tương lai, chúng ta có quyền nghĩ tới những mục tiêu cao hơn.
HLV Mai Đức Chung ca ngợi tinh thần, ý chí thi đấu tuyệt vời của ĐT nữ Việt Nam.
(Thực tế, tại giải vô địch bóng đá nữ châu Á vừa qua, dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19, ĐT nữ Việt Nam vẫn chơi kiên cường và chỉ chịu thua 2 đội bóng trên về đẳng cấp là Hàn Quốc, Nhật Bản cùng tỷ số 0-3. Gặp ĐT nữ Trung Quốc ở tứ kết, ĐT nữ Việt Nam đã bất ngờ ghi bàn dẫn trước và chỉ chấp nhận thua ngược 1-3. Sau những trận đấu này, HLV Mai Đức Chung đều dành lời khen tinh thần, ý chí thi đấu của các học trò – PV)
Nói thì nhanh nhưng để "liệu cơn gắp mắm", xây dựng được ĐT nữ Việt Nam tương đối ổn định như hiện nay ông cần tới cả một quá trình, sự kiên nhẫn…
Tôi rất hiểu và thông cảm cho giới cầu thủ, đặc biệt là cầu thủ nữ vốn đều xuất thân từ nông thôn ở ngoại thành Hà Nội, Hà Nam, Quảng Ninh, Nghệ An, Quảng Ngãi, các tỉnh miền Tây… Tôi coi các cháu như người trong gia đình, có cháu gọi tôi là chú, bác, có người gọi tôi là bố.
Có lẽ tất cả thành công của tôi cùng bóng đá nữ đều xuất phát từ tình thương, muốn cải thiện đời sống cho học trò.
Trước đây khi chưa có anh Hùng (Trưởng ban bóng đá nữ VFF Phạm Thanh Hùng – PV), tôi là người trực tiếp đi kêu gọi tài trợ từ bạn bè mình. Người 30 triệu, người 50 triệu, có chỗ cho 150 triệu đồng. Đến dịp tết, ngoài tiền thưởng của VFF khoảng 3 triệu đồng, mỗi em có thêm khoảng 10 triệu là vui lắm rồi!
Một câu chuyện nữa ít được nói đến là trước đây có quỹ đội, mỗi bạn đóng 200 nghìn đồng để chi phí các khoản sinh nhật, thăm hỏi… Nhưng từ khi tôi làm thì không ai phải đóng nữa, tôi tìm được kinh phí lo những chuyện đó. Rồi cả việc kết nối các đội tập luyện cùng, qua đó hỗ trợ, giúp đỡ thêm các cháu, giúp các cháu có một tinh thần tốt nhất để yên tâm cống hiến. Tôi chỉ làm những việc nho nhỏ thế thôi!
SEA Games 2017 từng có chuyện nữ cầu thủ không biết mình đang mang bầu, vẫn ra sân thi đấu và giành HCV tại Malaysia. Trong sự nghiệp của mình, ông còn nhiều kỷ niệm đáng nhớ?
Kể lại thì nhiều lắm! Ví dụ như trước trận chung kết SEA Games 2003 mà Việt Nam là chủ nhà gặp Myanmar, bác sĩ có báo với tôi trường hợp một cầu thủ đá chính đến… "ngày phụ nữ". Lúc đó tôi cũng cảm thấy mông lung lắm! Nếu vì mục tiêu trước mắt cho cháu vào sân mà làm sao thì ảnh hưởng tới tương lai, mình ân hận.
Tôi đã gọi bạn ấy ra nói chuyện riêng khuyên bạn ấy nghỉ vì "bác lo cho tương lai sau này của con". Nghe thế bạn ý lăn đùng ra khóc bảo "không được, ngày mai là ngày lấy HCV của con sao bác lại làm thế, con không đồng ý!"
Thế là tôi phải xem bạn ấy tập luyện ra sao. Khi thấy không vấn đề gì thì đành cho vào sân. Nghĩ lại thì thấy đó là may mắn khi không chuyện gì xảy ra. Lúc này bạn đó đã có một gia đình hạnh phúc bên chồng con.
HLV Mai Đức Chung được lớp lớp thế hệ học trò nể trọng, gọi là "bố Chung".
Một trường hợp nữa là có cầu thủ bỗng nhiên tập luyện không tốt. Tôi quan sát và cảm thấy học trò gặp vấn đề gì đó. Hỏi ra mới biết ngày mai là giỗ mẹ cô bé nên không thể tập trung. Biết vậy tôi giải quyết cho cầu thủ về ngay, nói cho bác gửi mấy trăm thắp hương cho mẹ. Đoạn đường di chuyển đi về tới gần 200km nhưng chiều cô bé về quê, tối đã trở lại ngay tập trung cùng đội.
Chuyện cầu thủ không chơi với nhau ngoài đời, trong tập luyện không chuyền bóng cho nhau, không hỗ trợ nhau cũng có. Tôi đã chỉ ra cho các bạn ấy hiểu rõ đây là một đội bóng, là ĐTQG. Các bạn có thể không chơi với nhau nhưng trên sân phải làm tất cả vì mục tiêu chung, vì màu cờ sắc áo.
Tôi nói: "Đây không phải là vấn đề cá nhân, nếu cứ làm thế thì không phải cháu hại hay bạn cháu hại mà tập thể hại". Khi hiểu vấn đề các bạn ấy đã xin lỗi, rồi sau đó rất đoàn kết.
Mới nhất là câu chuyện cầu thủ đội TP.HCM và Than Khoáng sản Việt Nam đánh nhau trên sân Thống Nhất năm 2018.
Sau này khi các cầu thủ nên tập trung đội tuyển tôi cũng phải giải quyết tư tưởng cho các em dần dần. Bây giờ chính những người đã va chạm với nhau lại trở thành bạn thân, gắp cho nhau từng miếng trong bữa ăn cơ đấy!
Sau những thành công của bóng đá nữ Việt Nam những năm qua, ông có tin chúng ta sẽ giành được vé dự World Cup 2023 – khi FIFA nâng số đội dự giải từ 24 lên 32 và châu Á sẽ có ít nhất 6 suất dự ngày hội bóng đá thế giới?
Thời gian qua, ĐT nữ Việt Nam đã có những trải nghiệm hữu ích khi được đọ sức với 2 đội bóng hàng đầu châu lục và thế giới là Hàn Quốc và Australia tại vòng loại Olympic 2020.
Các cầu thủ đã học hỏi, tích lũy thêm được nhiều điều, đặc biệt là những cầu thủ trẻ được tôi đưa lên chuẩn bị cho những mục tiêu trong tương lai như trung vệ Thu Thương, tiền đạo Tuyết Ngân, hậu vệ Hồ Thị Quỳnh…
HLV Mai Đức Chung cho rằng bóng đá Việt Nam cần chăm chút, đầu tư cho lứa trẻ nhiều hơn.
Phải khẳng định rằng ngay cả khi chúng ta bỏ nhiều tiền ra mời những đội đẳng cấp như Hàn Quốc, Australia sang thi đấu giao hữu chưa chắc họ đã nhận lời. Lực lượng, tâm thế thi đấu của họ khi đó cũng khác hẳn việc đọ sức với chúng ta ở một giải đấu chính thức như vòng loại Olympic.
Phía trước chúng tôi là mục tiêu bảo vệ tấm HCV SEA Games 2021 tổ chức ở Việt Nam. Tôi cũng hy vọng chúng ta có mặt trong tốp 6 châu Á, giành quyền dự World Cup (ĐT nữ Việt Nam đã giành vé dự World Cup 2023 ngay những ngày đầu năm mới Nhâm Dần vừa qua - PV). Nhưng muốn làm được điều đó tất cả phải rất cố gắng, chăm chút đầu tư cho lứa trẻ, đào tạo ở các CLB phải tốt hơn nữa, chế độ cho VĐV cần ổn định hơn để họ yên tâm phấn đấu.
Chế độ cho HLV cơ sở, đào tạo trẻ phải được nâng cao hơn. Khi có đồng lương đảm bảo thì họ mới tập trung vào công việc.
Nghĩa là BĐVN còn rất nhiều việc phải làm để giữ vững, duy trì vị thế hiện tại trước khi nghĩ tới việc nâng tầm, tiệm cận trình độ hàng đầu châu lục, thế giới?
Những gì chúng ta đã giành được thời gian qua rất đáng khích lệ, thể hiện nỗ lực, cố gắng từ nhiều phía. Nhưng BĐVN cần có tầm nhìn xa hơn.
Chúng ta muốn phát triển bền vững, tiệm cận trình độ thế giới thì không còn cách nào khác là phải đào tạo trẻ. Các em lúc này bắt đầu khi 14-15 tuổi đã là muộn rồi. Ở các nước phát triển, các em được chơi bóng cộng đồng từ năm 5-6 tuổi, khi 8-10 tuổi đã bắt đầu tập luyện.
Một minh chứng cho sự thiếu ổn định của BĐVN chính là thất bại tại vòng chung kết U23 châu Á 2020, sau khi đã giành HCB U23 châu Á lịch sử năm 2018 (Thường Châu – Trung Quốc).
Rõ ràng lứa cầu thủ vừa rồi không tốt bằng lứa cách đây 2 năm. Thêm nữa, nhiều cầu thủ trụ cột phải thi đấu quá nhiều ở CLB, ĐTQG và tập trung quá nhiều trên hành trình giành HCV SEA Games 2019 nên không thể đạt phong độ tốt nhất tại giải U23 châu Á 2020.
Tất cả nói lên lực lượng của BĐVN chưa đủ dày, thể chất của cầu thủ Việt Nam lúc này cũng không đủ để hoàn thành nhiều mục tiêu một lúc.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.