Theo ông Lâm, hiện ở nước ta có nhiều nơi nuôi nhốt động vật hoang dã (ĐVHD), phần lớn đều thuộc các loài nguy cấp quý hiếm cần bảo vệ nghiêm ngặt. Trong đó, Bình Dương có tới 3 cơ sở. Những nơi này chỉ là những chuồng trại (chưa phải là vườn thú – PV), do đặc thù lịch sử để lại mà được cơ quan chức năng cấp phép nuôi nhốt hổ.
Đa số hổ nuôi nhốt ở chuồng trại không đảm bảo các tiêu chuẩn.
“Chắc chắn có vấn đề về quy trình quản lý và vận hành ở các chuồng trại này nên mới xảy ra tai nạn như vậy. Chẳng hạn, cơ sở nuôi nhốt thú không có hoặc không làm đúng các quy định quản lý ĐVHD, chuồng trại xây dựng không đúng tiêu chuẩn về an toàn cho người; nhân viên không chấp hành các quy phạm an toàn lao động…”, ông Lâm nhận định.
Ông Lâm nêu ví dụ, trong trường hợp tai nạn vừa xảy ra tại khu du lịch sinh thái Thanh Cảnh, nạn nhân tự ý để tay lên song sắt chuồng hổ là vi phạm, hơn nữa chuồng nuôi không có đủ khoảng ngăn cách an toàn giữa thú và người.
Ông Lâm cũng cho rằng, hiện nay Việt Nam chưa có một bộ quy chuẩn chung để quy định về quản lý vườn thú và nuôi nhốt ĐVHD. Văn bản mới nhất là Nghị định 06/2019/NĐ-CP chỉ quy định “Cơ quan Kiểm lâm cấp tỉnh có trách nhiệm quản lý, kiểm tra các cơ sở nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng, trồng cấy nhân tạo các loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp…”. Chính vì vậy, tiêu chuẩn chuồng trại hiện nay chỉ do Kiểm lâm các tỉnh xây dựng, có trách nhiệm kiểm tra, giám sát và đa phần bị buông lỏng.
Ông Phan Việt Lâm cũng cho biết, hiện Hiệp hội Vườn thú Việt Nam gồm 21 thành viên, đang phối hợp cùng Bộ NN&PTNT, cơ quan CITES (Công ước quốc tế về buôn bán các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp) xúc tiến việc soạn thảo bộ Tiêu chuẩn phúc trạng động vật để áp dụng cho các thành viên, trong đó có các yêu cầu về môi trường, quy chuẩn chuồng trại, dinh dưỡng, thú y,... đến cuối năm 2019 sẽ hoàn chỉnh, sau đó đề xuất Chính phủ ban hành.
Khu du lịch sinh thái Thanh Cảnh vừa xảy ra vụ hổ nuôi cắn đứt cánh tay người đàn ông vào chiều 4/6.
Trong khi đó, một cán bộ nguyên là Giám đốc ngành động vật của Thảo Cầm Viên Sài Gòn cho biết, trước đây Thảo Cầm Viên Sài Gòn từng xây dựng Quy trình kỹ thuật chăm sóc nuôi dưỡng ĐVHD, trong đó có cả bộ định mức thức ăn cho ĐVHD đã được UBND TP.HCM phê duyệt và ban hành. Quy trình kỹ thuật này có yêu cầu tiêu chuẩn chuồng trại cho từng loài, được tham khảo các tiêu chuẩn kỹ thuật của các vườn thú trên thế giới. Bên Kiểm lâm TP.HCM có mượn để tham khảo.
“Vấn đề hiện nay là các cơ quan quản lý chuyên ngành chưa ban hành quy chuẩn chung để áp dụng quản lý và xử phạt vi phạm. Các Nghị định đã có cũng chỉ mới là quản lý danh mục loài, đặc biệt không có thông tư hướng dẫn về tiêu chuẩn chuồng trại, quy trình chăm sóc thú y,...”, vị này cho biết thêm.
Như Dân Việt đã thông tin, chiều 4/6, nghe tiếng kêu cứu từ chuồng nuôi thú trong Khu du lịch sinh thái Thanh Cảnh (thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương), nhiều người chạy đến thì phát hiện ông Võ T. Q (49 tuổi) bị con hổ cắn lìa cánh tay phải và một phần cánh tay trái, nằm gục trước cửa chuồng. Nạn nhân sau đó đã được chuyển lên TP HCM cấp cứu trong tình trạng mất khá nhiều máu, sốt do chấn thương…
Theo lời kể của ông Q, khi đi đến khu vực nuôi nhốt hổ của khu du lịch để xem bạn mình thực hiện việc cho hổ ăn, trong lúc sơ ý người này để tay lên song sắt của chuồng thì bất ngờ bị con hổ lao tới cắn vào cánh tay.
Lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Bình Dương cũng xác nhận, khu du lịch sinh thái Thanh Cảnh được cơ quan chức năng cấp phép cho nuôi thú, trong đó có 5 con hổ và nhiều loài ĐVHD khác.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.