Đêm 26/9/1983, hệ thống cảnh báo sớm của Liên Xô về vũ khí hạt nhân đã cảnh báo nhầm cho sĩ quan Stanislav Petrov về việc các tên lửa đạn đạo Mỹ đang phóng tới lãnh thổ Liên Xô.
Thế nhưng viên trung tá Xô viết 44 tuổi này khi đó có cảm giác là lạ trong lòng và quyết định không kích hoạt quy trình bắn trả bằng tên lửa – điều này nếu xảy ra có thể kéo theo một cuộc hủy diệt bằng vũ khí hạt nhân.
Tên lửa đạn đạo của Liên Xô, xuất hiện trên Quảng trường Đỏ. Ảnh: Synonym.
Ngồi trên ghế nóng
Khi tiếng chuông báo động bắt đầu réo và bàn điều khiển lóe sáng phía trước Petrov (đang ngồi trong một boong-ke bí mật ở nam Moscow), thế giới dường như chỉ còn chưa đầy 30 phút nữa là bước vào một cuộc chiến tranh hạt nhân.
Về sau, Petrov kể lại, “tiếng còi hú lên, nhưng tôi ngồi thừ ra đó trong vài giây, mắt nhìn chằm chặp vào màn hình to màu đỏ trên đó có chữ “phóng””. Ông nói, chiếc ghế mình ngồi bắt đầu “nóng lên như chiếc chảo rán”.
Sĩ quan Petrov, thuộc bộ phận cảnh báo sớm của Liên Xô, có nhiệm vụ xác định xem liệu Mỹ đã phóng tên lửa liên lục địa vào Liên Xô hay chưa. Đêm 26/9, rạng sáng 27/9/1983, mọi dấu hiệu đều xác nhận là có.
Tín hiệu vệ tinh mà Petrov nhận được trong boong-ke cho thấy một quả tên lửa Minuteman đã rời bệ phóng và đang lao về phía Đông. Theo các tín hiệu vệ tinh, có thêm 4 trái tên lửa lao theo quả thứ nhất. Quy trình phản ứng được quy định rất rõ ràng: thông báo kịp thời cho bộ tư lệnh phòng không Liên Xô để Bộ Tổng tham mưu quân đội Xô viết có thể xin ý kiến của nhà lãnh đạo Liên Xô khi ấy là Yuri V. Andropov. Nhiều khả năng, một khi đã bị Mỹ tấn công như vậy, Liên Xô sẽ thực hiện cuộc tấn công trả đũa cũng bằng vũ khí hạt nhân.
Ảnh sĩ quan Stanislav Petrov thời trẻ (album gia đình Petrov)
Nhưng khi ấy Petrov - hai tay cầm 2 điện thoại - phán đoán rằng cảnh báo đỏ vừa xong là giả. Các tên lửa Liên Xô đã gắn đầu đạn và sẵn sàng khai hỏa, vẫn ở nguyên trong hầm ngầm. Còn các tên lửa Mỹ, có cảm giác chỉ còn vài phút nữa là nổ tung, dường như biến mất vào khoảng không.
Petrov kể với tờ Washington Post vào năm 1999: “Tôi có cảm giác nhồn nhột. Tôi không muốn mắc lỗi. Tôi đã đưa ra quyết định riêng, và mọi thứ đã diễn ra như vậy”. Ông ăn mừng bằng nửa lít rượu vodkka rồi ngủ liền một mạch 28 tiếng đồng hồ trước khi quay trở lại công việc.
Mặc dù quyết định “5 ăn 5 thua” của Petrov có thể đã giúp tránh được một thảm họa hạt nhân cho thế giới, sự kiện này cuối cùng đã hủy hoại sự nghiệp của chính ông.
Chiến tranh Lạnh
Petrov đã qua đời vào ngày 19/5/2017 tại nhà riêng ở Fryazino, một trung tâm nghiên cứu khoa học gần thủ đô Moscow. Cái chết của Petrov không được thông báo rộng rãi, giống như sự kiện năm 1983. |
Khoảnh khắc lịch sử của viên sĩ quan Liên Xô diễn ra vào thời điểm 6 tháng sau khi Tổng thống Mỹ Ronald Reagan gọi Liên Xô là một “đế chế ma quỷ”, và cũng chỉ 3 tuần sau khi máy bay số 007 của hàng không Hàn Quốc bị Liên Xô bắn rơi khi bay lạc vào không phận Liên Xô, khiến cho quan hệ Xô-Mỹ đã xấu lại càng xấu hơn.
Khi NATO tổ chức cuộc tập trận mang tên Able Archer 83 vào tháng 11 năm đó, các quan chức Liên Xô coi các hoạt động chuyển quân của phương Tây là sự chuẩn bị cho một cuộc tấn công phủ đầu. Đất nước này bắt đầu đưa kho vũ khí hạt nhân vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu. Phương Tây cũng sẵn sàng leo thang căng thẳng với Liên Xô. Nhưng lúc đó một sĩ quan tình báo trong lực lượng không quân Mỹ, tên là Leonard Perroots, cũng đã lựa chọn không đáp trả các động thái từ phía Liên Xô, tương tự như Petrov. Do đó, căng thẳng được hạ nhiệt.
Số phận long đong
Thế nhưng trong khi Perroots được ca tụng và tiến lên vị trí lãnh đạo Cơ quan Tình báo Quốc phòng thì Petrov lại bị gạt sang bên lề trong quân đội Liên Xô. Ông bị lấy làm lý do giải thích cho lỗi nhận diện trong phần mềm hệ thống cảnh báo sớm. Khi đó, thay vì nhận diện ra một nhóm tên lửa thực, phần mềm lại phát hiện ánh phản chiếu của mặt trời từ đỉnh các đám mây.
Ông Stanislav Petrov ở Đức năm 2013. Ảnh: EPA.
Petrov cho biết ông ban đầu nghi ngờ về khả năng có vụ phóng từ Mỹ, bởi chỉ có một nhóm nhỏ tên lửa được phóng. Ông nói với tờ Washington Post, “khi chiến tranh nổ ra, họ không khởi đầu chỉ bằng có 5 quả tên lửa”. Một lý do khiến ông nghi ngờ là hệ thống radar đặt trên mặt đất của Liên Xô không đưa ra bằng chứng nào về một cuộc tấn công như vậy.
Thế nhưng nhóm điều tra của quân đội Liên Xô đã phê bình Petrov và cuối cùng dẫn tới việc ông bị điều chuyển sang một vị trí khác. Phần lớn lý do cho động thái này là việc Petrov không lưu lại chi tiết các hành động của mình trong quãng thời gian 5 phút mà ông đã dành ra để xác định còi báo động là không chính xác. Ông cũng mắc lỗi là đã bỏ qua quy trình sử dụng máy tính để quyết định xem liệu mối đe dọa tên lửa đó đã cận kề chưa và theo đó, việc trả đũa có cần thiết hay không.
Các năm sau sự kiện đó, Petrov có kể rằng ông đơn giản chỉ là “ở đúng chỗ đúng lúc”.
Trên thực tế, Peter Anthony, một nhà làm phim Đan Mạch cho biết, theo lịch ban đầu, hôm đó Petrov không phải trực. “Nhưng một sĩ quan khác bị ốm và Petrov thế chỗ”.
Theo Petrov, hầu hết các đồng đội của ông có lẽ sẽ phản ứng theo hướng khác, bằng cách xác nhận tên lửa được phóng đến thay vì nghi vấn các báo động từ máy tính.
Petrov sinh năm 1939 ở Chernigovka, một căn cứ không quân. Cha ông là một kỹ sư hàng không, từng lái tiêm kích trong Thế chiến 2.
Khi mẹ của Petrov mang bầu người con thứ 2, cha mẹ ông thấy mình không đủ sức nuôi 4 miệng ăn nên đã đăng ký cho Petrov theo học trường quân đội. Petrov đã học về hệ thống radar tầm xa.
Về sau này, Petrov đã chủ động ra quân để chăm sóc mẹ bị bệnh nặng.
Petrov sống gần như dựa hoàn toàn vào tiền hưu trí. Có thời điểm, cuộc sống của ông khó khăn đến mức ông phải trồng khoai tây ở gần khu chung cư ông ở để nuôi sống gia đình mình.
|
Theo Washington Post
Trung Hiếu (VOV.vn)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.