Một hồ nước ngọt nhân tạo rộng tới 50.000 ha nổi tiếng ở Đắk Nông, người ta ví đây là "Vịnh Hạ Long trên núi"

Thứ hai, ngày 29/01/2024 18:22 PM (GMT+7)
Hồ Tà Đùng-một hồ nước ngọt nhân tạo, hồ thủy điện ở huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông trở thành điểm du lịch sinh thái mới mẻ và hấp dẫn khách du lịch gần xa ví von là biển hồ trên núi, vì hồ nằm ở vùng cao nguyên giao thoa giữa 2 hệ sinh thái Nam Tây Nguyên và Đông Nam Bộ...
Bình luận 0

Hồ Tà Đùng, tỉnh Đắk Nông gần đây trở thành điểm du lịch sinh thái mới mẻ và hấp dẫn khách du lịch gần xa ví von là biển hồ trên núi, vì hồ nằm ở vùng cao nguyên giao thoa giữa 2 hệ sinh thái Nam Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, đoạn cuối của dãy Trường Sơn về phía Nam.

Hồ Tà Đùng thuộc tại 2 xã Đắk P’lao và Đắk Som, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông (cách TP Gia Nghĩa thủ phủ của tỉnh Đắk Nông 48km), là hồ nước ngọt nhân tạo có diện tích khoảng 22.103ha vào mùa khô và có thể lên đến gần 50.000ha vào cuối mùa mưa. 

Trong quá trình xây dựng Nhà máy thủy điện Đồng Nai 3, người ta đã chặn, ngăn dòng chảy của một nhánh sông Đồng Nai để tạo nên hồ Tà Đùng mênh mông, kỳ vĩ. 

Hồ có độ sâu trung bình trên 20m, trong lòng hồ rải rác hàng trăm hòn đảo lớn nhỏ, cây cối xanh tốt, rậm rạp. Từ cảnh quan đó mà người ta còn ví von hồ Tà Đùng giống như một vịnh Hạ Long thu nhỏ trên cao nguyên. 

Du khách thường đến Tà Đùng vào khoảng từ tháng 11 năm trước đến tháng 1, tháng 2 năm sau. Vào cuối mùa mưa, nước hồ dâng cao, cây cối trên các đảo xanh mướt, khiến hồ Tà Đùng lúc này như một bức tranh thiên nhiên hoang sơ non nước hữu tình.

Buổi hừng đông ở Tà Đùng là thời khắc thiên nhiên đẹp nhất trong ngày. Du khách sẽ chứng kiến biển mây thiên hình vạn trạng bay vùn vụt, cũng có khi la đà trên những dãy núi, trên những hòn đảo. 

Mây có khắp nơi, trước sân, trong vườn, trên những lối đi, những luống cà phê, hoa dã quỳ... khiến du khách có cảm giác như lạc vào chốn thần tiên. 

Du khách thường bọc mình trong áo khoác dày vì buổi sớm ở Tà Đùng khá lạnh, ngồi nhâm nhi cà phê nóng, ngắm nhìn toàn cảnh khu vực hồ Tà Đùng từ trên cao và cảm thán cảnh quan kỳ vĩ đúng như lời ví von Tà Đùng là tiểu Hạ Long trên núi. 

Tại Khu Du lịch sinh thái Tà Đùng còn có thiết kế cây cầu kính dài chừng 50m để du khách dạo chơi. Ngoài ra còn có tổ chim ưng, đôi cánh thiên thần, nấc thang lên thiên đường, vườn hoa kiểng với nhiều loài hoa luôn rực rỡ giữa không gian cao nguyên trong lành: hồng nhung, dã quỳ, mimosa, lan, cẩm tú cầu…

Một hồ nước ngọt nhân tạo rộng tới 50.000 ha nổi tiếng ở Đắk Nông, người ta ví đây là "Vịnh Hạ Long trên núi"- Ảnh 1.

Hồ Tà Đùng, một hồ nước ngọt nhân tạo nổi tiếng ở huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông được biết đến với cái tên khác là hồ thủy điện Đồng Nai 3, do nó là hồ thủy điện thứ 3 được xây trên sông Đồng Nai. Bao quanh hồ Tà Đùng là vùng núi rộng lớn, thế núi cao tạo thành lòng hồ rộng hơn 3.600ha.

Du khách đến hồ Tà Đùng nhất định sẽ đi du thuyền trên hồ. Trở ra quốc lộ 28, đi thêm chừng 10km về hướng Di Linh, qua cầu Đắk Blao một quãng ngắn, du khách sẽ đến bến du thuyền hồ Tà Đùng, mua vé (giá 100.000 đồng/vé) và lên tàu tham quan hồ. 

Thuyền máy chở chừng 20 khách lướt tốc độ vừa phải trên làn nước mênh mông, hai bên là những hòn đảo rậm rạp cây cối. Những hòn đảo này xưa kia là những quả đồi, nay chìm trong biển nước trở thành những đảo xanh. 

Trên thuyền, anh Hồ Bi, người dân tộc Mạ sẽ kể cho khách nghe về truyền thuyết núi Tà Đùng.

Chuyện kể rằng Bon (thôn) B’Nâm xa xưa là một vùng bình nguyên phì nhiêu, nhưng cứ mỗi mùa mưa bão cả làng thường bị nước lũ nhấn chìm, cuộc sống người dân vô cùng vất vả. 

Già làng Tang Klao Ca vì vậy đã ngày đêm băng rừng vượt suối đi mời hai anh em Thần Dít và Thần Dri đến giúp đỡ. Hai Thần nhận lời và đã tìm gặp Thần Cột Vồng (vị thần cai quản biển cả) để xin vài ngọn núi về đặt gần Bon B’Nâm nhằm cho dân có chỗ trú ẩn khi mưa bão, lũ lụt. 

Núi kéo về trước gọi là núi Cha, núi kéo sau là núi Mẹ… Được Thần giúp đỡ, bà con tổ chức lễ cúng tạ ơn và mời các Thần cai quản các ngọn núi chung vui. Bà con vui vẻ nhảy múa, đánh cồng chiêng bên bếp lửa đêm rừng, thế nhưng khi trời hửng sáng xuất hiện một cơn bão tuyết phủ trắng Bon B’Nâm, mọi lễ vật trong lễ cúng đều biến thành đá. 

Dân làng được thần Siêng Rút báo mộng cho biết, đó là do cơn thịnh nộ của thần Ba Trặ vì cho rằng dân làng cố tình quên mời ông trong lễ cúng tạ ơn. Vậy là dân làng tổ chức lễ cúng một lần nữa để tạ lỗi. 

Sau lễ tạ lỗi, khu vực núi Cha bỗng nhiên mọc lên rất nhiều cây mía to khổng lồ, mấy người ôm chưa giáp. Từ đó, dân gian gọi núi Cha là B’Nâm Tào Dung (có nghĩa là núi có cây mía to). Theo thời gian núi B’Nâm Tào Dung được gọi là núi Tà Đùng...

Trong hành trình khám phá Nam Tây Nguyên, đến với Đắk Nông, điểm đến hồ Tà Đùng đang được du khách yêu thích vì cảnh quan hùng vĩ, thiên nhiên còn giữ nét hoang sơ và vẫn lưu truyền những chuyện xưa tích cũ về vùng non nước hữu tình...

Hoàng Thám (Báo Cần Thơ)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem