Trên thực tế, việc chặt bỏ này đã xuất hiện từ cuối năm 2014, nhưng khi giá cao su giảm mạnh, diện tích chặt bỏ đã mở rộng hơn nhiều!
Thiếu vốn vẫn cố theo
Theo Bộ Công Thương, 7 tháng đầu năm 2015, tuy số lượng hồ tiêu xuất khẩu giảm 17,5%, nhưng kim ngạch vẫn tăng 6,1% so với cùng kỳ năm 2014, đứng thứ 4 trong số 4 mặt hàng có kim ngạch tăng.
Hiện nay, diện tích hồ tiêu ở Tây Nguyên đã đạt mức 50.000 ha, vượt mức quy hoạch đến năm 2020 và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Hồ tiêu là mặt hàng có mức giá xuất khẩu tốt nhất trong 7 tháng đầu năm, đạt mức tăng 28,6%.
Tuy nhiên, không ai có thể biết chính xác mức giá cao này sẽ duy trì trong bao lâu nữa!
Ông Cương ở xã Đăk N'Drung, huyện Đăk Song, tỉnh Đắk Nông, cho biết gia đình ông vừa trồng gần 3.000 trụ tiêu, cây giống đều do ông tự nhân ra từ vườn tiêu của gia đình, không quan tâm đến chất lượng.
Với ông Cương cũng như những người dân khác, trong lúc khan hiếm có tiêu giống để trồng đã là tốt rồi.
Tuy vậy, chi phí đầu tư cũng lên khoảng 700 triệu đồng/ha, gia đình có một số phần thiếu đi vay ngân hàng thêm.
Hiện nay, hầu hết nông dân trồng tiêu đều thiếu vốn và phải đi vay. Cơn sốt hồ tiêu ở Tây Nguyên diễn ra khoảng 4 năm nay, so với cà phê, cao su, hiện cây tiêu cho thu nhập cao gấp hàng chục lần, nên bằng mọi giá người dân vẫn bỏ tiền đầu tư trồng tiêu dù biết là mạo hiểm.
“Biết rằng ồ ạt trồng tiêu là mạo hiểm nhưng giá tiêu đang rất ổn định, vả lại có người dám bỏ cả vườn cà phê để trồng tiêu thì việc gì phải sợ. Trồng tiêu cho thu hoạch 2-3 năm rồi bỏ cũng được”, ông Cương nói.
Theo quy hoạch của tỉnh Đắc Lắc, đến năm 2020 sẽ có khoảng 15.000 ha hồ tiêu để đảm bảo sản lượng khoảng 30.000 tấn tiêu đen. Tuy nhiên, mới giữa năm 2015 diện tích tiêu toàn tỉnh đã lên đến hơn 16.000 ha, dự báo hết năm nay sẽ tăng thêm 2.000 ha hoặc có thể nhiều hơn.
Mùa mưa ở Tây Nguyên đang bắt đầu, cũng là thời điểm khắp nơi trồng tiêu. Tại nhiều địa phương quỹ đất không còn nên người dân chọn giải pháp bỏ cao su, cà phê để trồng tiêu.
Phát triển quá nhanh
Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), từ năm 2007 đến nay giá hồ tiêu luôn giữ ổn định ở mức 180.000-200.000 đồng/kg, đã kích thích người dân mạnh dạn đầu tư cho cây tiêu.
Vấn đề đáng lo ngại là nhiều diện tích trồng trên nhiều vùng đất không phù hợp khiến cho vốn đầu tư tăng cao, nhưng hiệu quả lại thấp. Trong khi thị trường hồ tiêu thế giới cũng đang tiềm ẩn nhiều rủi ro, khả năng rớt giá sâu do cung vượt cầu hoàn toàn có thể xảy ra trong vài năm tới.
Hiện nay, diện tích hồ tiêu ở Tây Nguyên đã đạt mức 50.000 ha, vượt mức quy hoạch đến năm 2020 và chưa có dấu hiệu dừng lại. Riêng mùa mưa năm nay các tỉnh trồng mới không dưới 5.000 ha, trong đó Đắc Nông trồng gần 2.500 ha.
Phá vườn cà phê, cao su để trồng tiêu, không quan tâm nhiều đến khâu chọn giống, chọn đất, cho thấy cây tiêu Tây Nguyên đang phát triển thiếu bền vững và ẩn chứa nhiều rủi ro.
“Do phát triển quá nhanh, cho nên người sản xuất tiêu giống vì lợi nhuận sẽ không tuân thủ các biện pháp kỹ thuật. Như vậy cây tiêu giống đã mang mầm bệnh từ trong vườn ươm, khi đưa ra trồng phần lớn các vườn tiêu đều đã nhiễm bệnh. Tỷ lệ bệnh chết nhanh sẽ rất cao”, ông Lê Ngọc Báu, Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên, cảnh báo.
Trong quy hoạch phát triển hồ tiêu Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, diện tích cả nước duy trì ổn định ở mức 50.000 ha, sản lượng đạt 140.000 tấn/năm, nhưng hiện nay đã tăng lên 80.000 ha.
Với đà tăng này sản lượng hồ tiêu sẽ tăng gấp đôi, khoảng trên 200.000 tấn/năm trong vài năm tới.
Khi nguồn cung trên thế giới dư thừa, hồ tiêu Việt Nam sẽ gặp nhiều rủi ro, bởi tỷ lệ tiêu chất lượng cao đạt tiêu chuẩn quốc tế trong tổng sản lượng lại rất thấp. Do vậy, VPA đã khuyến cáo nông dân ngay lập tức ổn định diện tích và đầu tư nâng cao năng suất, chất lượng.
Khôi Nguyên (VnEconomy)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.