Hỗ trợ 30% tiền mua BHYT cho nông dân có mức sống trung bình: 4 năm vẫn chưa được hưởng

Diệu Linh Thứ ba, ngày 14/10/2014 07:00 AM (GMT+7)
Sau gần 4 năm ban hành quy định hỗ trợ 30% tiền mua thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) cho đối tượng nông dân, ngư dân, diêm dân có mức sống trung bình, hiện đối tượng này vẫn chưa được hưởng sự đãi ngộ. Trong khi đó, theo những người làm công tác bảo hiểm xã hội, mức hỗ trợ này khó “câu kéo” được nông dân.
Bình luận 0

Mới xong tiêu chí

Từ ngày 1.1.2012, Luật BHYT đã quy định: “Hỗ trợ tối thiểu 30% mức đóng BHYT từ ngân sách nhà nước cho đối tượng nông dân, ngư dân, diêm dân có thu nhập trung bình”.

Theo bà Tống Thị Song Hương – Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế), đây là nhóm đối tượng đông, chiếm hơn 70% dân số. Ngoài các đối tượng chính sách, người nghèo, người dân tộc thiểu số, trẻ em dưới 6 tuổi… thì nhóm tự nguyện đóng BHYT chính là nông dân và lao động làng nghề, ước tính khoảng 19,5 triệu người. Tuy nhiên, mới chỉ có xấp xỉ 30% số này tham gia BHYT. Trong khi đó, đời sống của các hộ gia đình có thu nhập trung bình này cũng không hơn người cận nghèo bao nhiêu. Nếu như trong nhà có người ốm nặng, chi phí y tế lớn mà không có BHYT hỗ trợ thì sẽ rất dễ bị nghèo hóa. Do đó, để động viên, khuyến khích đối tượng này tham gia BHYT, Nhà nước cần có chế độ hỗ trợ. Trước mắt là hỗ trợ 30% tiền mua thẻ BHYT, nhưng tiến tới sẽ đề xuất tăng lên 50%.

“Đây là một chính sách nhân văn, có ý nghĩa đối với các gia đình còn khó khăn này, cũng là một trong những giải pháp cấp bách nhằm hướng tới bao phủ BHYT toàn dân”- bà Hương khẳng định.

img
Bán thẻ BHYT cho người dân tại Bưu điện Phú Thọ.


Tiêu chí “nông dân, ngư dân, diêm dân có mức sống trung bình” được Chính phủ giao cho Bộ LĐTBXH xây dựng. Tuy nhiên, không rõ vì lý do gì, Bộ LĐTBXH sau hơn 3 năm mới “đẻ được” tiêu chí. Đến ngày 27.5.2014, theo đề nghị của Bộ LĐTBXH, Thủ tướng mới ban hành Quyết định 32 về tiêu chí “hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình giai đoạn 2014 - 2015”. Theo quyết định, hộ có mức sống trung bình là có thu nhập từ 521.000 - 900.000 đồng/người/tháng (nông thôn) và từ 651.000 - 900.000 đồng/người/tháng (thành thị). Đây là mức sống trên chuẩn cận nghèo. Quyết định có hiệu lực từ 15.7.2014.

Sau 3 tháng quyết định có hiệu lực, đến tháng 10.2014, Bộ LĐTBXH mới lại ban hành thông tư hướng dẫn quy trình xác định hộ gia đình theo Quyết định 32. Theo đó, các hộ gia đình có nhu cầu tham gia BHYT làm đơn đề nghị, nộp trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện đến UBND cấp xã thẩm định. Sở LĐTBXH sẽ tổng hợp, cập nhật danh sách để bảo hiểm xã hội có căn cứ thực hiện. Thông tư có hiệu lực kể từ ngày 15.10.2014.

Bà Hương cho biết, dự định đến đầu năm 2015, quy định này mới có thể thực thi. Như vậy, sau gần 4 năm, những người dân “xấp xỉ” cận nghèo vẫn mỏi cổ chờ đợi được hưởng quyền lợi của mình.

Không khả quan

Tuy nhiên ông Trần Văn Dũng – Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Nam Định không lạc quan về chính sách này. Ông Dũng cho biết, trước đây, hộ cận nghèo ở Nam Định được hỗ trợ tới 70% tiền mua thẻ BHYT, tuy nhiên, dù vận động “rã bọt mép” cũng chỉ 15% số hộ mua thẻ BHYT. Thực tế, 15% này là những người bệnh, ốm mới đi mua BHYT rồi khám chữa bệnh luôn, số tiền mà BHYT phải chi trả lớn hơn rất nhiều lần. Còn 2 năm gần đây, ngoài tiền Ngân sách Nhà nước hỗ trợ 70%, tỉnh Nam Định cũng đã hỗ trợ nốt 30% thì hơn 130.000 người cận nghèo trong tỉnh đã được “bao phủ” BHYT.

“Những đối tượng nông dân có thu nhập trung bình dưới 900.000 đồng/tháng/người thực ra cũng chẳng khá hơn người cận nghèo được bao nhiêu, hỗ trợ 30% cũng sẽ chẳng động viên họ tham gia BHYT” – ông Dũng khẳng định.

Hiện tỷ lệ bao phủ BHYT của Nam Định mới được 62%, hơn 30% (trừ công an, bộ đội) còn lại hầu hết là nông dân, phải tham gia tự nguyện, nhưng đây chính là đối tượng “khó lay chuyển” nhất.

Cùng ý kiến này, ông Trần Văn Phong – Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Hưng Yên cho biết, đối tượng nông dân mua BHYT tự nguyện của tỉnh mới được 40% và nhiều năm nay “khó lay chuyển”. Ngay cả những người cận nghèo được hưởng tới 70% tiền hỗ trợ mua thẻ cũng chỉ thực hiện được 40% kế hoạch tỉnh giao, con số thực tế còn thấp hơn nhiều. Tỷ lệ bao phủ BHYT của tỉnh cũng ở mức trung bình khoảng 64%. “Nông dân thu nhập thấp, chỉ đủ chi trả các nhu cầu thiết yếu hàng ngày, do đó không có đủ tiền tích cóp để mua thẻ BHYT phòng lúc ốm đau. Mỗi nhà nếu mua thẻ cho 5-6 người thì cũng mất 3-4 triệu đồng, đó là số tiền không nhỏ” – ông Phong chia sẻ.

Còn ông Phan Văn Anh – Trưởng phòng thu Bảo hiểm xã hội tỉnh Hà Tĩnh tin tưởng rằng sau khi Quyết định 32 đi vào thực tế thì sẽ động viên được nhiều đối tượng nông, ngư, diêm dân mua thẻ BHYT. Tuy nhiên, theo ông Anh, cần phải nâng hỗ trợ lên mức cao hơn vì đời sống của người dân làm nghề bám biển, bám đất vẫn còn rất khó khăn, ốm đau là dễ trắng tay. Ông Anh cho biết, hiện Sở LĐTBXH đã nắm được thông tư hướng dẫn của Bộ nhưng để triển khai bình xét xuống xã, tổng hợp danh sách đưa lên tỉnh thì sớm nhất đến năm 2015 chính sách này mới có thể thực thi được.

  Cho đến thời điểm này, Việt Nam có khoảng 64,1 triệu người đang tham gia BHYT, đạt khoảng 71% dân số. Trong số đó có khoảng 14,3 triệu người nghèo và dân tộc thiểu số. Nhưng mới chỉ có gần 2 triệu người cận nghèo có thẻ BHYT (trong tổng số hơn 6,5 triệu người).  


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem