Chính phủ, Bộ LĐTBXH, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán VN tại Libya, các doanh nghiệp xuất khẩu lao động Hãng hàng không quốc gia VN cùng ra sức mới hoàn thành nhiệm vụ quan trọng này.
Để đưa được gần 10.000 người từ Libya về trong hoàn cảnh bất ổn ở quốc gia sở tại, trong một tình huống rất khẩn cấp, chắc chắn không thể không có những trục trặc, thiếu sót. Tuy nhiên, công dân VN được đảm bảo an toàn tính mạng là thành công lớn nhất. Người lao động, gia đình và dư luận xã hội có thể vì niềm vui này mà chia sẻ với những thiếu sót từ cơ quan chức năng và các doanh nghiệp.
An toàn trở về là niềm vui, nhưng tiếp theo sau sẽ là những mối lo toan. Hầu hết người lao động làm việc tại Libya là thanh niên vùng nông thôn, miền núi thuộc các huyện nghèo. Để đi XKLĐ, họ phải vay mượn, cầm cố tài sản, nợ nần chồng chất. Có người làm được thời gian dài nên có tiền tích lũy gửi về nước trả được đôi phần. Nhưng cũng có nhiều trường hợp vừa mới sang, chân ướt chân ráo, chưa làm được đồng nào đã phải về nước với tay trắng. Họ mừng vì thoát được những nguy hiểm, nhưng nghĩ lại món nợ trên vai, thật chua xót cho thân phận mình.
Đưa người về nước khó mà dễ, bởi vì việc dù khẩn cấp nhưng làm một lần là xong. Còn lo cho những người đó có cuộc sống ổn định sau biến cố này mới là việc khó khăn và lâu dài. Trước hết là món nợ ngân hàng để lo thủ tục trước khi đi, người lao động mong muốn được khoanh nợ để họ bớt áp lực. Điều mong muốn thứ hai là việc làm, được tiếp tục đi XKLĐ thì càng tốt.
Nếu như trong thời gian tới, có chỉ tiêu tuyển dụng lao động sang các thị trường khác, những người về từ Libya rất hy vọng họ có một suất ưu tiên.
Không chỉ XKLĐ, các tập đoàn, tổng công ty và doanh nghiệp trong nước có nhu cầu tuyển dụng lao động cũng nên dành chỗ cho những người về từ Libya. Nếu toàn xã hội cùng đưa tay ra giúp đỡ, gánh vác, thì sẽ giải quyết được công ăn việc làm và ổn định cuộc sống cho tất cả lao động trở về từ Libya.
Bất ổn chính trị tại Libya có thể sẽ dẫn đến những xáo trộn về thị trường lao động ở nước này và một số nước Bắc Phi, kế hoạch XKLĐ theo đề án hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh XKLĐ sẽ bị ảnh hưởng. Cho nên, bên cạnh việc tìm kiếm và khai thác thị trường mới, Cục Quản lý lao động ngoài nước và các doanh nghiệp cần có kế hoạch hỗ trợ đặc biệt hơn để người lao động ở các huyện nghèo được ưu tiên đi XKLĐ ở các thị trường truyền thống.
Chân Tâm
Vui lòng nhập nội dung bình luận.