Hỗ trợ gà nhiễm dịch cho hộ nghèo: Giá đắt gấp đôi, làm kiểu áp đặt

Ngô Hùng Thứ tư, ngày 31/07/2019 11:32 AM (GMT+7)
Theo tìm hiểu của Dân Việt, quá trình thực hiện Dự án theo chương trình 135 năm 2019 tại một số xã của huyện Thanh Ba (Phú Thọ) thể hiện việc mất dân chủ, mang tính áp đặt, độc đoán. Trong khi giá gà của dự án đắt gấp đôi so với giá thị trường.
Bình luận 0

Như Dân Việt đã có bài "Phú Thọ: Hỗ trợ... gà nhiễm dịch cho hộ nghèo?" phản ánh về việc thời gian gần đây, người dân ở huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ bàn tán xôn xao về việc những con gà nhận được từ Dự án hỗ trợ gà thuộc chương trình 135 nhưng đều bị dịch, chết hết.

img

Người dân cho biết những con gà này không những có giá đắt gấp đôi so với giá thị trường mà chúng còn mang bệnh, lây sang đàn gà của gia đình khiến người dân đã nghèo, nay còn nghèo hơn. Ảnh Ngô Hùng

Giá gà đắt gấp đôi mà vẫn... chết

Theo người dân, những con gà này không những có giá đắt gấp đôi so với giá thị trường mà chúng còn mang bệnh, lây sang đàn gà của gia đình khiến người dân đã nghèo, nay còn nghèo hơn(?). Cụ thể, nhiều người dân ở xã Thái Ninh, Thanh Xá, Đại An và một số xã khác của huyện Thanh Ba cho biết, nhận được gà từ Dự án hỗ trợ gà thuộc chương trình 135 năm 2019 về được từ sáng đến tối, hoặc một hai hôm sau thì đã thấy gà có biểu hiện gật gù, khèn khẹt, đầu lắc lư, cánh xõa rồi chết dần chết mòn. Không những thế, nhiều con gà của gia đình nuôi trước đó cũng bị nhiễm bệnh và chết.

Ngoài ra, cũng theo người dân, việc gà dự án được tính giá 35.000 đồng/con là quá cao, bởi lẽ, cùng giống gà, cùng độ tuổi như gà dự án thì ở ngoài chỉ có giá 15.000 - 16.000 đồng/con. Tìm hiểu sâu vấn đề, PV Dân Việt nhận thấy, trong quá trình triển khai, thực hiện dự án hỗ trợ theo chương trình 135 năm 2019 tại một số xã của huyện Thanh Ba đã xảy ra tình trạng mất dân chủ, áp đặt và nghi vấn có "lợi ích nhóm" trong việc thực hiện triển khai dự án này...

Cụ thể, theo bà Nguyễn Thị Chín trú tại khu 3, xã Đại An, huyện Thanh Ba, năm 2019 này, khi có chương trình hỗ trợ dự án 135, trưởng khu đến nhà chỉ đưa cho tôi tờ giấy, yêu cầu tôi ký và bảo đến ngày phát gà thì đến nhận.

Còn theo ông Nguyễn Trường Giang, trưởng khu 3, xã Đại An, huyện Thanh Ba: Tôi chỉ biết, khi xã cho biết theo chủ trương năm nay người dân được nhận gà thì đem giấy cho người dân ký nhận, còn đâu không có cuộc họp khu để xem người dân có nhu cầu gì...

"Đến nay, xã Đại An có khoảng 12% số gà trong dự án bị chết. Theo chương trình hỗ trợ, xã đã yêu cầu khu dân cư họp dân xem nhu cầu người dân là có nhận phân bón, nhận gà, hay giống. Biên bản họp dân do khu dân cư cầm", ông Nguyễn Xuân Hiển, Chủ tịch UBND xã Đại An cho biết.

Không tổ chức họp dân mà chỉ đi lấy... chữ ký

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Trường Giang, sau khi họp với Ban xóa đói giảm nghèo của UBND xã về việc thực hiện chương trình 135 năm 2019, tất cả các trưởng khu họp với xã xem năm 2019 lấy phân bón, giống hay gà thì tất cả quyết định nhận gà. Sau đó, khu đã thông báo cho người dân là năm nay sẽ nhận gà và đến tận nhà để xin chữ ký, một thời gian sau thì phát gà cho người dân.

"Hôm đó trưởng khu đến nhà bảo là ký, đi từng hộ gia đình một và bảo ký vào danh sách để mai kia đi nhận gà chứ không có họp khu. Xong loa của xã thông báo là những hộ nghèo và cận nghèo là 7 giờ sáng ngày mùng 3/6 ra sân vận động ủy ban để nhận gà. Khi lấy gà cũng không được ai hướng dẫn cách chăm sóc gà", bà Cao Thị Phương (khu 2, xã Thanh Xá) cho biết.

Khi được hỏi về quy trình cấp gà cho người dân, ông Nguyễn Lương Hưng, Trưởng khu 2, xã Thanh Xá cho biết, khu có tổ chức họp dân, có người đến có người không đến, trong cuộc họp chỉ thông báo là năm nay có chương trình cấp gà cho bà con mà thôi.

img

Làm việc với PV Dân Việt, bà Hoàng Thị Minh Luyến yêu cầu PV phải cung cấp đầy đủ tên tuổi của người cung cấp nguồn tin, người nói việc hỗ trợ sai quy trình và kết luận bằng một biên bản là không cung cấp hồ sơ họp dân ở khu dân cư, trong khi theo Luật báo chí PV có trách nhiệm bảo vệ nguồn tin của mình. Ảnh cắt từ clip

Xã lòng vòng, không trả lời báo chí

Để có tài liệu, thông tin về việc triển khai thực hiện dự án hỗ trợ theo chương trình 135 năm 2019, sáng 29/7, PV Dân Việt đã đến trực tiếp UBND xã Thanh Xá để liên hệ làm việc. Tuy nhiên, bà Hoàng Thị Minh Luyến - Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Xá hẹn buổi chiều sẽ cung cấp đầy đủ biên bản họp khu để thực hiện, triển khai dự án xem người dân có nhu cầu hưởng thụ phân bón, giống, hay gà.

Tuy nhiên, chiều 29/7, khi phóng viên có mặt, bà Hoàng Thị Minh Luyến lại yêu cầu phóng viên cung cấp nguồn tin, ai là người cho biết việc hỗ trợ sai quy trình. Mặc dù phóng viên đã giải thích nhiều lần Luật Báo chí về việc cung cấp nguồn tin ra sao, nhưng bà Hoàng Thị Minh Luyến vẫn cố tình không hiểu và kết luận bằng một biên bản là không cung cấp hồ sơ họp dân ở khu dân cư.

Còn tại xã Thái Ninh, nhiều người dân bức xúc cho biết là đã bị mất dân chủ khi thực hiện dự án theo chương trình 135 năm 2019. Người dân không được hỏi ý kiến, nguyện vọng được hỗ trợ gì mà chỉ được thông báo là năm nay nhận gà và yêu cầu họ ký vào biên bản.

img

Theo ông Đinh Xuân Xá, việc hỗ trợ theo chương trình 135 năm 2019, người dân không được họp bàn để lấy ý kiến. Nếu được nói lên nguyện vọng, đa phần người dân sẽ thích lấy phân bón hơn vì cho phân người dân có thể bón cho đồi chè. Ảnh cắt từ clip

"Khi có dự án, tôi chỉ thấy trưởng khu báo là năm nay nhận gà, chẳng họp hành xem nguyện vọng của người dân thế nào cả. Tôi chỉ thấy, trưởng khu đến nhà nói sáng hôm sau ra sân kho nhận gà mà thôi", ông Đinh Xuân Xá, khu 7, xã Thái Ninh chia sẻ.

Cũng theo ông Xá, khi mọi người trong khu được phổ biến chương trình hỗ trợ gà, thì trưởng khu cho biết đã xuống tận trại gà để xem và cho mọi người xem ảnh chụp và có nói là gà tầm cỡ 3 lạng.

"Khi xem ảnh gà, chúng tôi thấy nếu cho đúng như thế thì chúng tôi cũng tin tưởng, vì là loại gà trụi, màu đỏ. Nhưng khi đến hôm giao gà thì chúng tôi thấy đó là gà tổng hợp, tức là không phải một loại gà", ông Xá nói.

Theo ông Nguyễn Trung Kiên, Chủ tịch UBND xã Thái Ninh, Dự án theo chương trình 135 năm 2019, huyện cho biết sẽ hỗ trợ người dân phân bón, giống hoặc gà. Tuy nhiên, chủ trương của huyện năm nay là gà, sau đó xã về nói cho các trưởng khu để thông báo cho người dân năm nay được gà.

"Việc hỗ trợ theo chương trình 135 năm 2019, người dân không được họp bàn để lấy ý kiến. Nếu được nói lên nguyện vọng, đa phần người dân sẽ thích lấy phân bón hơn vì cho phân chúng tôi có thể bón cho đồi chè. Đằng này lại hỗ trợ gà, mà nuôi gà thì chúng tôi phải mua cám, rồi thuốc men này kia, người nghèo thì lấy tiền đâu để làm việc đó. Tôi nghĩ rằng việc áp đặt người dân lấy gà phải có lợi ích nhóm nên mới có chuyện như vậy?", ông Đinh Xuân Xá bày tỏ.

Đối chiếu với việc thực hiện Dự án theo chương trình 135 năm 2019 tại một số xã của huyện Thanh Ba đã thể hiện việc mất dân chủ khi người dân không được họp bàn để bày tỏ những nhu cầu thực tiễn của cá nhân. Không những thế, việc thực hiện Dự án theo chương trình 135 năm 2019 còn không đúng với hướng dẫn tại thông tư số 18/2017/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngày 9/10/2017.

Cụ thể, tại điều 6 của thông tư này, UBND cấp xã chủ trì xây dựng dự án hỗ trợ người nghèo theo 4 bước sau: Bước 1: Tuyên truyền, phổ biến dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế sẽ thực hiện trên địa bàn; Bước 2: Tổ chức họp lấy ý kiến về nội dung dự án và lập danh sách đối tượng tham gia dự án có ít nhất 2/3 đối tượng được thụ hưởng dự án tham gia để thảo luận lựa chọn nội dung dự án, danh sách đối tượng tham gia dự án và phải lập biên bản họp thôn, bản; Bước 3: Xây dựng dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế bằng cách tổng hợp biên bản của các cuộc họp thôn, bản để xây dựng dự án; Bước 4: Phê duyệt dự án.

Ở bước này, UBND cấp xã trình UBND cấp huyện phê duyệt dự án với các liệu trình gồm có: Tờ trình phê duyệt dự án; Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế; Biên bản họp thôn, bản và bảng tổng hợp danh sách đối tượng tham gia dự án.

Ở một diễn biến khác, theo nguồn tin của Dân Việt, ngày 30/7, Phòng an ninh kinh tế (Công an tỉnh Phú Thọ) đã vào cuộc xác minh thông tin nhiều xã ở huyện Thanh Ba (tỉnh Phú Thọ), người dân phản ánh về việc nhận được gà từ Dự án hỗ trợ gà thuộc chương trình 135 năm 2019 với giá cao và gà bị dịch, chết nhiều, thậm chí lây sang cả gà nhà khiến người dân đã nghèo nay còn nghèo hơn...

Được biết, ngoài xã Thanh Xá, Thái Ninh, Đại An còn nhiều xã trên địa bàn huyện Thanh Ba như: Đồng Xuân, Hanh Cù, Năng Yên, Quảng Nạp, Thanh Vân, Võ Lao... người dân cũng được nhận gà từ Dự án hỗ trợ gà thuộc chương trình 135 năm 2019 với tổng số tiền lên đến hàng tỷ đồng.

Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem