Nhận được thông tin, PV Dân Việt đã đi thực tế tại nhiều địa phương của huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ. Qua tìm hiểu, PV Dân Việt nhận thấy rằng những phản ánh trên có một phần cơ sở.
Bà Phạm Thị Minh cho biết, từ năm 1986 đến nay, khi ra khu đất biệt lập này ở, chưa bao giờ có tình trạng gà bị nhiễm dịch và chết nhiều như đợt này. Ảnh Ngô Hùng
Gà mới nhận về nuôi đã bị bệnh, chết
Đứng bên chuồng gà còn lại vài chục con nhưng cứ gật gù, khèn khẹt, đầu lắc lư, cánh xõa, bà Phạm Thị Minh (trú khu 2, xã Thanh Xá, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ) không khỏi ngao ngán: "Mẹ chồng tôi được nhận 22 con gà từ dự án hỗ trợ gia đình hộ nghèo. Do bà đã già, không nuôi được nên cho vợ chồng tôi nuôi. Tuy nhiên, mang về buổi sáng thì buổi tối những con gà của dự án bắt đầu có biểu hiện bệnh như chảy nước mũi, phát ra những tiếng nghẹt mũi, kêu khèn khẹt, đến hôm sau thì bắt đầu chết dần."
Cũng theo bà Minh, từ năm 1986, gia đình bà đã ra đây ở, khu nhà bà ở chỉ có 2 - 3 nhà, sống tách biệt với khu dân cư. Cũng từ đó đến nay, gia đình bà chưa bao giờ thấy hiện tượng gà bị nhiễm dịch và chết nhiều như vây giờ. "22 con gà của dự án mang về, giờ còn lại có 6 con còn đang ngắc ngoải, không những thế, 60 con gà đẻ của gia đình giờ còn lại 20 con, 45 con gà giò còn lại 5 con. Trong khi đó, ngay nhà hàng xóm của tôi có đàn gà hơn 200 con, nhưng vì không có gà dự án nên chẳng bị làm sao", bà Minh cho biết thêm.
Cũng trong tình trạng như gia đình bà Minh, gia đình ông Nguyễn Công Tuyển (trú tại khu 3, xã Thanh Xá, huyện Thanh Ba) cho biết: "Gia đình tôi thuộc hộ cận nghèo nên được nhận 18 con gà trong dự án, tôi mua thêm 22 con nữa. Tuy nhiên, khi vừa mang về, gà đã có biểu hiện mang bệnh, chết dần dần và lây sang cả gà của gia đình nữa. 40 con gà được nhận từ dự án và mua thêm, giờ chỉ còn khoảng chục con. Không những thế, hơn 30 con gà của gia đình tôi nuôi trước đó cũng bị nhiễm bệnh và chết. Đúng là nghèo nhận hỗ trợ lại còn nghèo hơn."
"Không chỉ có gia đình tôi đâu, mà hầu hết những hộ gia đình trong khu nhận gà hỗ trợ đều bị nhiễm bệnh và chết. Khi gia đình tôi có ý kiến thì Hội Cựu chiến binh, Hội nông dân xã xuống nói thôi thì đồng cảm, mình là cựu chiến binh thì phải gương mẫu tí. Không những thế họ còn bảo gia đình không biết nuôi nên gà mới bị chết. Nói thế mà nói được, tôi hơn 60 tuổi rồi, từ trước đến nay nuôi biết bao nhiêu đàn gà, lứa gà rồi mà có bao giờ bị như thế này đâu? Vậy mà họ lại nói vậy?", ông Tuyển bức xúc.
Ông Phạm Đức Dũng, Chủ tịch UBND xã Thanh Xá cho biết đa phần gà chết là gà trong dân và không phải gà của dự án, người dân phản ứng: Mời cán bộ xuống thực tế với dân để nắm tình hình. Ảnh Ngô Hùng
Đã nhận được phản ánh của người dân...
Trao đổi với Dân Việt, ông Phạm Đức Dũng, Chủ tịch UBND xã Thanh Xá cho biết, năm 2019 xã Thanh Xá có 389 hộ nghèo và cận nghèo được nhận 7.638 con gà ri lai từ Chương trình 135 với tổng số tiền hơn 267 triệu đồng. Việc gà dự án mắc bệnh, xã đã nhận được phản ánh của người dân, tuy nhiên, sau khi đi khảo sát thì không hẳn là như vậy, đa phần gà mắc bệnh, chết là gà của dân chứ không phải là gà của dự án. Khi nhận gà, cán bộ đã hướng dẫn người dân mang đồ ra nhận gà như thế nào, cách chăm sóc, cách nuôi ra sao rồi.
Tuy nhiên, trái ngược với lời của ông Dũng, nhiều người dân ở đây khẳng định, khi nhận gà, người dân không được hướng dẫn về cách chăm sóc gà của dự án ra sao. Không những thế, từ khi gà có biểu hiện bệnh và chết, nhưng lãnh đạo xã cũng chưa xuống xem và thống kê số gà bệnh, gà chết cho người dân.
"Gà dự án ở đây chết gần hết rồi, nhà nào cũng bị dịch, nhà nào cũng bị chết, nhiều nhà đã chết sạch và lây sang gà của nhà nữa, đúng là nhận gà hỗ trợ đã nghèo còn nghèo hơn", chị Lê Thị Xuân ở khu 2, xã Thái Ninh chia sẻ. Ảnh Ngô Hùng
Theo người dân phản ánh, hiện tượng gà dự án mắc bệnh, chết, còn xảy ra tại xã Thái Ninh, huyện Thanh Ba. Gặp PV Dân Việt, chị Lê Thị Xuân (khu 2, xã Thái Ninh, huyện Thanh Ba) bức xúc: "Gà dự án gì chứ, chết hết rồi, đúng là đã nghèo còn nghèo hơn".
Theo chị Xuân, ngày 4/7, gia đình chị được nhận 18 con gà theo diện hộ cận nghèo, gia đình nhà em trai chị được nhận 24 con theo diện hộ nghèo, nhưng do em trai bị đi viện nên gửi cho nhà chị nuôi. Tuy nhiên, ngay buổi tối nhận gà, gà đã có biểu hiện bị bệnh, bắt đầu chết dần. Cho đến nay chỉ còn 6 con, nhưng vẫn đang bị bệnh.
"Hầu hết cả làng này nhận gà trong dự án đều bị bệnh và chết, nhiều nhà chết không còn con nào, thậm chí là lây sang cả gà nhà nên dân bức xúc lắm. Không những thế, gà của dự án còn được tính giá quá đắt, khi gà cùng ngày tuổi, chủng loại, mua ở dân, đại lý gần đó chỉ khoảng 14 - 15.000 đồng/con, nhưng gà dự án lại lên tới 35.000 đồng/con", chị Xuân cho biết.
"Với loại gà cùng giống, cùng ngày tuổi, ở đây người dân chỉ bán 15.000 đồng/ con thôi, thế mà gà dự án lại 35.000 đồng/con, mang về nuôi thì nhiễm bệnh chết hết", bà Vũ Thị Thảo chia sẻ. Ảnh Ngô Hùng
"Tôi làm thú y bao nhiêu năm ở xã, khi nhận gà dự án hỗ trợ theo chương trình 135 về, tôi đã thấy có hiện tượng gà bị bệnh nên lấy thuốc cho uống, tuy nhiên không cứu được mà gà cứ chết dần. 24 con, giờ nhà tôi còn được 7 con", bà Vũ Thị Thảo (khu 2, xã Thái Ninh) cho biết.
Cũng theo bà Thảo, với số tiền 35.000 đồng/con gà dự án như vậy là quá cao so với thị trường, bởi lẽ, cùng giống, chủng loại như vậy, tuy nhiên người dân chỉ mua với giá khoảng 15.000 đồng/con. Cụ thể, con trai nhà bà được nhận 18 con gà trong dự án, nhưng vì đi vắng nên bán cho người hàng xóm, sau khi định giá theo thị trường chỉ được 14.000 đồng/con.
"Bán 14.000 đồng/con nhưng chưa nhận tiền thì gà bị dịch chết sạch. Gà bị dịch chết ngay khi bán thì làm sao dám lấy tiền chứ", bà Thảo chua xót.
Trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Trung Kiên, Chủ tịch UBND xã Thái Ninh cho biết, thực hiện dự án hỗ trợ chương trình 135, sau khi thống nhất với người dân, xã quyết định chọn gà để hỗ trợ. Toàn xã có 363 hộ nghèo, xã mua 7638 con gà của HTX gà Đỗ Sơn với giá hơn 267 triệu đồng về phát cho những hộ nghèo và cận nghèo.
"Xã đã nhận được phản ánh về việc gà dự án bị nhiễm bệnh và chết, hiện tại xã đang yêu cầu các khu thống kê cụ thể số lượng gà bệnh, gà chết ra sao. Không những thế, xã còn yêu cầu cán bộ của HTX gà Đỗ Sơn về để tiêm, phát thuốc cho bà con. Quan điểm của xã là, nếu gà dự án chết vì nhiễm dịch trước thì buộc HTX gà Đỗ Sơn phải đền bù cho người dân, không để dân thiệt", ông Kiên cho biết.
Trong khi định mức hỗ trợ cho xã 135 ở Thanh Ba là 267 triệu đồng, khu 135 ở Thanh Ba khoảng 46 triệu đồng thì ông Hà Anh Tuấn, Trưởng phòng Nông nghiệp lại tỏ ra khá lơ mơ khi bảo mức hỗ trợ cho xã 135 chỉ khoảng 140 triệu đồng và khu 135 là 40 triệu đồng. Ảnh Ngô Hùng
Còn theo ông Hà Anh Tuấn, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Thanh Ba, hiện tại huyện đã nhận được thông tin tình trạng gà hỗ trợ theo chương trình 135 ốm chết và đã giao cho Trạm thú y huyện kiểm tra, xác định nguyên nhân.
Ngoài ra, PV Dân Việt còn đặt câu hỏi về định mức hỗ trợ cho các xã 135 theo chương trình là bao nhiêu?, số tiền 35.000 đồng/con có cao hay không? Ông Hà Anh Tuấn cho biết, số tiền hỗ trợ cho xã 135 ở huyện Thanh Ba là khoảng 240 triệu, khu 135 là 40 triệu đồng còn giá gà 35.000 đồng/con là do các xã khảo sát, lựa chọn trên cơ sở báo giá của các cơ sở cung ứng đủ năng lực.
Theo khảo sát của PV Dân Việt, ngoài xã Thanh Xá, Thái Ninh, còn nhiều xã trên địa bàn huyện Thanh Ba như: Đại An, Hanh Cù, Quảng Nạp, Thanh Văn... cũng đều mua gà tại HTX gà Đỗ Sơn về hỗ trợ cho dân và cũng có tình trạng gà bị bệnh và chết. Tổng số tiền mua gà hỗ trợ người dân theo chương trình 135 lên đến hàng tỷ đồng. |
Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.