Đoàn đánh giá, vùng sản xuất lúa đông xuân và lúa mùa phần lớn dựa vào nước trời (sử dụng nước mưa để trồng lúa) nên bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi hiện tượng El Nino.
Bộ trưởng Cao Đức Phát khảo sát tình hình hạn mặn tại Kiên Giang
Theo thống kê ban đầu của Sở NNPTNT, toàn vùng U Minh Thượng đã có đã hơn 34.000 ha lúa bị thiệt hại do hạn mặn, trong đó diện tích lúa mùa là 29.691 ha. Ngoài vùng trên, các địa phương lân cận như huyện Gò Quao, huyện Vĩnh Thuận cũng bị ảnh hưởng. Với tình trạng nắng nóng và xâm nhập mặn sâu tiếp tục diễn ra như hiện nay thì diện tích thiệt hại sẽ còn tăng thêm.
Trước thực trạng trên, ngành nông nghiệp tỉnh Kiên Giang đã kiến nghị Bộ NNPTNT hỗ trợ 106 tỷ đồng để xây dựng các phương án ứng phó với hạn, mặn. Ngoài ra, cũng đề nghị ứng vốn ngân sách T.Ư khoảng 120 tỷ đồng để hỗ trợ khẩn cấp cho nông dân có diện tích lúa bị thiệt hại (riêng vụ mùa là khoảng 80 tỷ).
Về biện pháp trước mắt, ông Nguyễn Văn Tâm - Giám đốc Sở NNPTNT Kiên Giang cho biết, tỉnh sẽ triển khai đắp đập tạm ở các cửa sông chưa có cống để ngăn mặn, đồng thời khắc phục những điểm nhiễm mặn mới phát sinh và vận động nông dân tiết kiệm nước...
Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát đánh giá, hạn mặn đã và đang diễn ra gay gắt tại Kiên Giang. Vì vậy, yêu cầu ngành nông nghiệp khẩn trương triển khai ngay các biện pháp bảo vệ diện tích lúa đông xuân còn lại, sớm đưa ra dự báo về tình hình khí tượng thủy văn từng vùng, từng khu vực để người dân theo dõi.
“Cơ quan chức năng tỉnh Kiên Giang phải đưa ra các giải pháp kỹ thuật can thiệp để giúp người dân giảm thiệt hại năng suất lúa, có cách ứng phó hạn, mặn thích hợp. Riêng những hộ có diện tích lúa bị thiệt hại, cần ứng ngân sách để hỗ trợ ngay, tạo điều kiện cho họ tái đầu tư vụ sau” - Bộ trưởng Cao Đức Phát nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.