Thưa ông, nhiều ý kiến cho rằng một khi gia nhập TPP, Việt Nam sẽ có rất nhiều lợi thế về nông nghiệp nhờ hàng rào thuế quan các mặt hàng đối với 11 nước còn lại sẽ được dỡ bỏ, ông có nhận định như thế nào về vấn đề này?
Theo ông Trương Minh Hoàng, Nhà nước cần hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp dự trữ thủy sản lúc dư thừa, giá thấp... Ảnh: Nông dân Cà Mau thu hoạch tôm. Ảnh: HASASA
- Tôi cũng có xem một vài báo cáo, đánh giá, song tôi chưa hoàn toàn đồng tình nhận định với việc mình sẽ có lợi thế này khác hay tăng trưởng mạnh hơn khi gia nhập TPP. Điều tôi quan tâm nhất là thách thức khi tham gia vào hiệp định này, trong đó lớn nhất là nguy cơ lao động Việt Nam mất việc làm ngay trên đất nước mình.
Do vậy, không riêng ngành nông nghiệp, các bộ, ngành khác, nhất là tổng thể chỉ đạo từ Chính phủ phải có chiến lược đào tạo lao động tốt hơn để nâng cao năng suất lao động, bởi không có doanh nghiệp nào sử dụng lao động kém hiệu quả để làm việc cả, nhất là khi chúng ta hội nhập với 11 nước còn lại trong khối TPP.
Những thách thức khi nước ta gia nhập TPP đã được đề cập nhiều trên các diễn đàn, cũng như qua ý kiến của các chuyên gia, trong đó riêng về thủy sản, nhiều ý kiến cho rằng sẽ có lợi thế. Song trên thực tế, người nông dân hiện đang được hưởng lợi rất ít do diện tích nuôi thủy sản không nhiều?
- Qua hoạt động giám sát, chúng tôi nhận thấy như ở Cà Mau hiện các nhà máy vẫn chưa hoạt động hết công suất, cho dù người dân có nâng gấp đôi sản lượng nuôi trồng hiện nay. Tuy nhiên, việc nuôi tôm theo mô hình công nghiệp hiện còn thấp như ở Cà Mau, còn lại chủ yếu nuôi theo mô hình quảng canh.
Trong khi đó, hiện đã có doanh nghiệp nuôi đạt được 60 tấn, thậm chí 200 tấn/ha, nên chúng ta phải xem xét đến khâu này. Tôi cho rằng, thứ bà con nông dân không tự giúp được mình là giá vật tư, từ thức ăn chăn nuôi, thủy sản cho đến thuốc trị bệnh đều cao hơn so với bình thường.
"Chúng tôi thấy, đi gặp những người nông dân trực tiếp sản xuất ở nhiều tỉnh, bà con hiện rất khó khăn trong tiêu thụ nông sản và việc tiêu thụ nông sản cứ lặp đi, lặp lại tình trạng là bà con tự tiêu thụ, giá gần như cứ được mùa thì rớt giá. Việc đầu tư sản xuất cái gì, nuôi con gì, gần như bà con tự bơi”.
Ông Trương Minh Hoàng
|
Như báo cáo Chính phủ có nêu, tới đây Nhà nước sẽ bán cổ phần các doanh nghiệp, nếu mình không còn chi phối, đương nhiên các doanh nghiệp họ sẽ thâu tóm, thậm chí các doanh nghiệp nước ngoài sẽ mua cổ phần để điều hành hoạt động doanh nghiệp, khi đó lao động trong nước đương nhiên sẽ còn mất việc làm.
Việc Việt Nam gia nhập TPP trong bối cảnh hiện nay diễn ra đúng lúc nước ta triển khai tái cơ cấu nông nghiệp. Theo ông, hai vấn đề này có liên quan như thế nào và chúng ta cần có những giải pháp gì để triển khai tất cả những vấn đề liên quan?
- Nhìn tổng thể chung của nông nghiệp, trong 4 năm liên tục tăng trưởng bị sụt giảm so với mức tăng trưởng chung. Chúng ta luôn nói, nông nghiệp là trụ cột cho nền kinh tế nhưng thực tế đầu tư về cơ sở hạ tầng, cho khai thác để tạo điều kiện cho nông dân làm ra nông sản còn quá thấp. Năm nào chúng ta cũng cứ nêu đi, nêu lại còn thiếu sót này, hạn chế kia, nhưng trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn không thay đổi, bà con nông dân rất thiệt thòi.
Tôi có đi khảo sát nhiều đầm tôm công nghiệp, mặc dù đã chuẩn bị được đầm sạch rồi, nhưng diện tích thả nuôi chỉ đạt 1/3. Tôi có hỏi và được bà con trả lời là, các loại vật tư như thức ăn, thuốc trị bệnh nhất là thuốc xử lý môi trường giá rất cao. Trong khi bà con bán con tôm ra, giá rất thấp, bởi vì các doanh nghiệp có nói nếu mua tôm ở Cà Mau thì giá cao hơn tôm nhập khẩu về.
Do đó, Bộ NNPTNT cần tính toán xem, có hay không giá vật tư nông nghiệp bị lũng đoạn ở thị trường, tức chúng ta gần như không can thiệp được, mà ai muốn định giá thế nào cũng được. Nên tính toán có nguồn để hỗ trợ cho doanh nghiệp, nông dân dự trữ tôm và thủy sản vào kho như lương thực để đến thời điểm được giá thì doanh nghiệp hoặc nông dân mới bán.
- Xin cảm ơn ông!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.