Nằm ở độ cao khoảng 4.000m giữa dãy núi High Pamir của Tajikistan, hồ Karakul thậm chí còn cao hơn hồ Titicaca huyền thoại của Nam Mỹ. Vùng nước khổng lồ này có diện tích khoảng 380km2, sâu tới hơn 230m, được hình thành bởi một mảnh thiên thạch va chạm vào trái đất khoảng 25 triệu năm trước.
Cú va đập đã khiến mặt đất lõm xuống ít nhất 200m, hình thành miệng hố khổng lồ với đường kính rộng tới 52km. Nước mưa và lượng nước ngầm dần dần tích tụ trong lòng hố, qua thời gian, hình thành nên hồ Karakul như ngày nay. Ở vị trí tuyệt vời như vậy, Karakul được bao quanh bởi những ngọn núi tuyết và chỉ tiếp cận được bằng đường cao tốc Pamir.
Ban đầu, các nhà bản đồ học người Anh đặt tên hồ là Victoria. Sau đó, nó được đổi thành "Hồ Đen", nhưng thực tế, hồ nước này thay đổi màu sắc liên tục. Nước hồ chuyển sắc thái màu rất nhanh, từ màu ngọc lam sang ngọc lục bảo hoặc xanh coban đậm. Điều này khiến Karakul trở thành điểm đến hút khách du lịch ở khu vực Trung Á.
Hồ "tử thần": Mang vẻ đẹp ngoạn mục nhưng không có sự sống
Được bao bọc bởi các trầm tích muối, hồ Karakul không có dòng chảy ra và là một trong những hồ mặn nhất ở châu Á. Trên thực tế, hàm lượng muối trong nước quá đậm đặc tới mức không sinh vật nào có thể sinh sống.
Chỉ duy nhất một loài cá có tên gọi Nemacheilus thuộc phân nhánh của họ cá chạch suối bất chấp môi trường sống khắc nghiệt, vẫn tồn tại ở đây. Nhờ chế độ ăn tạp, tiêu hóa từ côn trùng tới động vật giáp xác cỡ nhỏ, sinh vật phù du, loài cá này mới sống được trong điều kiện khó khăn như vậy.
Người ta vẫn so sánh hồ Karakul là một phiên bản của Biển Chết. Nước trong hồ không có lối thoát ra ngoài, chỉ có thể tự bốc hơi. Dần dần, lượng muối lắng đọng ngày càng nhiều khiến hồ Karakul mỗi ngày một mặn chát.
Thêm nữa, hồ còn nhận muối từ các mỏ muối xung quanh. Chính vì vậy, nước hồ mặn tới mức tàu thuyền đi qua đây đều bị lật khi di chuyển. Tuy nhiên điều này không ngăn được dòng khách du lịch ưa mạo hiểm từ khắp nơi trên thế giới đổ về trải nghiệm.
Bất chấp nồng độ muối trong hồ rất cao, vành đai xung quanh lại nhộn nhịp sự sống. Bên cạnh các loài lông vũ bản địa, hồ còn thường xuyên đón những đợt chim di cư. Chúng di chuyển từ vùng sa mạc cằn cỗi tràn xuống để làm tổ, kiếm mồi.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.