Hòa Bình đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số: Cơ quan, doanh nghiệp, người dân cùng hưởng lợi!

Xuân Tuấn Thứ tư, ngày 09/11/2022 18:17 PM (GMT+7)
Trong những năm vừa qua, các cơ quan ban ngành của tỉnh Hòa Bình đã liên tục thực hiện việc cải cách thủ tục hành chính công (CCTTHCC). Công nghệ cũng được các địa phương triệt để áp dụng nhằm làm giảm tối đa chi phí, thời gian cho nhân dân, doanh nghiệp...
Bình luận 0

Giảm chi phí, tiết kiệm thời gian, tăng hiệu quả

Từ cuối năm 2020, UBND huyện Lạc Sơn đã triển khai phần mềm "phòng họp không giấy" tại các phòng, ban, thành viên UBND huyện… Toàn bộ quy trình của "phòng họp không giấy" được thực hiện thông qua hệ thống văn bản điện tử. Theo đó trước mỗi cuộc họp, nội dung chương trình và tài liệu được chuẩn bị, xem xét, phê duyệt và cập nhật lên hệ thống để các thành viên tham dự họp nghiên cứu trước. Người họp nhận tài liệu (bản file) thông qua các thiết bị thông minh, như: Máy tính, iPad, smartphone..., thay vì sử dụng nhiều văn bản cồng kềnh như trước đây.

Hòa Bình đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số: Cơ quan, doanh nghiệp, người dân cùng hưởng lợi!  - Ảnh 1.

Huyện Lương Sơn quản lý cán bộ công chức bằng công nghệ nhận diện khuôn mặt và quét vân tay. Ảnh: X.T

Đến nay, các huyện của Hòa Bình đã đầu tư xây dựng Bộ phận một cửa hiện đại cho 100% đơn vị cấp xã; tích cực chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý sử dụng phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc, phần mềm một cửa điện tử. Triển khai hiệu quả "Điểm hỗ trợ người dân thực hiện TTHC qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4" tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả huyện và các xã, thị trấn...

Theo ông Bùi Nguyệt Minh - Trưởng phòng Nội vụ huyện Lạc Sơn, qua triển khai "phòng họp không giấy", văn bản điện tử giúp các đại biểu có thể truy cập tức thời nhiều tài liệu liên quan đến nội dung cuộc họp. Hơn nữa, việc này tiết kiệm được thời gian, chi phí văn phòng phẩm, đặc biệt tránh được những sai sót trong sắp xếp tài liệu. "Các đại biểu có nhiều thời gian hơn để nghiên cứu tài liệu nên chất lượng thảo luận được nâng lên, từ đó nâng hiệu quả trong xử lý công việc, quản lý, điều hành của lãnh đạo" - ông Minh cho biết.

Theo ông Bùi Văn Thảo - chuyên viên Văn phòng UBND huyện Lạc Sơn: "Qua hơn 1 năm triển khai "phòng họp không giấy", chi phí về văn phòng phẩm của huyện giảm đáng kể cho ngân sách nhà nước. Từ quý II/2022, huyện triển khai "phòng họp" không giấy tại 24/24 xã, thị trấn".

Nhiều đơn vị khác trong tỉnh Hòa Bình như Lạc Thủy, Kim Bôi, Mai Châu, TP.Hòa Bình… đã và đang triển khai mạnh mẽ việc cải cách thủ tục hành chính. Tại huyện Lương Sơn, Cổng thông tin điện tử cấp huyện đã triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 phục vụ nhu cầu của người dân, doanh nghiệp. Ngoài ra huyện cũng áp dụng hệ thống quản lý văn bản và điều hành, họp trực tuyến cấp huyện, cấp xã. Chương trình "phòng họp không giấy" được triển khai ở tất các đơn vị. Hệ thống thư điện tử được triển khai thay thế việc sử dụng văn bản giấy truyền thống.

Hòa Bình đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số: Cơ quan, doanh nghiệp, người dân cùng hưởng lợi!  - Ảnh 3.

Và một trong những ứng dụng được UBND huyện Lạc Sơn đưa vào sử dụng là thẻ cán bộ, công chức, viên chức điện tử với hình thức chấm công bằng vân tay hoặc nhận diện khuôn mặt từ ngày 1/3/2021. Mỗi người phải thực hiện điểm danh 2 lần/buổi, từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần vào đầu giờ và hết buổi làm việc.

Theo ông Lê Cảnh Hiếu - Phó trưởng Phòng Nội vụ huyện Lương Sơn, sau hơn 2 tháng thực hiện cho thấy, công tác quản lý cán bộ công nhân viên hiệu quả hơn, tránh được làm việc riêng, tạo thói quen làm việc khoa học, hiệu suất lao động cao.

Không ngừng cải cách thủ tục hành chính

Hòa Bình đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số: Cơ quan, doanh nghiệp, người dân cùng hưởng lợi!  - Ảnh 4.

Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả TP.Hòa Bình được đầu tư hiện đại. Ảnh: Vũ Phong

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hòa Bình lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2021-2026) xác định cải cách hành chính (CCHC) là 1 trong 4 khâu đột phá chiến lược của tỉnh, hướng đến xây dựng hệ thống chính trị minh bạch, năng động, luôn đồng hành với người dân và doanh nghiệp. Tỉnh ủy đề ra mục tiêu phấn đấu mỗi năm cải thiện tối thiểu 3 bậc để lọt vào Tốp 30 chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch CCHC tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021-2025. Theo đó, tỉnh chỉ đạo rà soát, ban hành Bộ chỉ số CCHC của các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, xã. Tổ chức điều tra xác định chỉ số CCHC và mức độ hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, đáp ứng sự mong đợi và hài lòng từ người dân. Bên cạnh đó, UBND tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh và bộ phận một cửa cấp huyện, giúp các tổ chức, cá nhân có môi trường thân thiện, thuận lợi nhất, tiết kiệm chi phí tối đa nhất khi thực hiện giải quyết TTHC tại các cơ quan nhà nước.

Để cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hòa Bình cũng đã tập trung chỉ đạo hoàn thiện các cơ chế, chính sách, đơn giản hóa các TTHC, nâng cao trách nhiệm cán bộ, công chức. Tiếp tục tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; nâng cao chất lượng bộ máy dịch vụ công. Nâng cao chất lượng phục vụ của cơ chế một cửa, một cửa liên thông; chú trọng rà soát, đơn giản hóa thành phần hồ sơ, cắt giảm 30% thời gian giải quyết các TTHC…

Theo kết quả công bố Chỉ số CCHC cấp tỉnh năm 2021, tỉnh Hòa Bình đạt 87,06 điểm, xếp thứ 25/63 tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư (tăng 28 bậc so với năm 2020). Để tiếp tục nâng cao Chỉ số CCHC (Par Index), Chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (Sipas) của tỉnh trong năm 2022 và các năm tiếp theo, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu: Các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thành phố; UBND các xã, phường, thị trấn… tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền CCHC giai đoạn 2021-2025 và năm 2022 trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đặc biệt, cần đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin, sử dụng các nền tảng kết nối, phần mềm trực tuyến, dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa, nhanh gọn cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết TTHC...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem