Hoà Bình: Gây “khó” doanh nghiệp trồng rừng, lãnh đạo huyện Đà Bắc có hiểu luật?

Thanh Phong Thứ bảy, ngày 06/06/2020 06:00 AM (GMT+7)
Theo ông Xa Tuyến Hoàng, Phó trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Đà Bắc, dự án trồng rừng của Cty D&G thuộc diện bị chấm dứt. Tuy nhiên, trước đó, doanh nghiệp này đã được UBND tỉnh Hòa Bình và các cơ quan liên quan, trong đó, có cả chính quyền huyện Đà Bắc đồng ý gia hạn tiến độ.
Bình luận 0

Như Dân Việt đã đưa tin, theo Giấy chứng nhận đầu tư số 25121000145 ngày 16/03/2009 của UBND tỉnh Hòa Bình, Cty TNHH Một thành viên D&G Hòa Bình (Cty D&G) được thực hiện dự án: Trồng rừng nguyên liệu – Keo Tai Tượng (ACACIA MANGIUM WILD) trên diện tích 2.250 ha với mật độ 2.500 cây/ha.

Địa điểm thực hiện dự án tại các xã: Giáp Đắt, Đồng Chum, Mường Chiềng, Trung Thành, Cao Sơn và Tân Minh, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình. Theo đó, thời gian hoạt động của dự án là 50 năm kể từ ngày cấp giấy chứng nhận đầu tư.

Tuy nhiên, trong thời gian qua, như Dân Việt đã thông tin tại các bài trước, doanh nghiệp này liên tục vấp phải sự gây khó khăn của chính quyền các cấp huyện Đà Bắc như: Ra lệnh đình chỉ thiếu căn cứ, UBND xã ra văn bản phản đối,…

Bài 3: Gây “khó” DN trồng rừng tại Hòa Bình: lãnh đạo huyện Đà Bắc có hiểu luật? - Ảnh 1.

Ông Xa Tuyến Hoàng, Phó trưởng phòng Tài chính – Kế hoạch huyện Đà Bắc

Trước những bất cập trên, PV Dân Việt đã có cuộc trao đổi với đại diện các lãnh đạo huyện Đà Bắc. Ông Nguyễn Thanh Tuấn, Phó chủ tịch UBND giải thích, việc các xã trực thuộc có nhiều động thái cản trở, thậm chí ra văn bản không đồng ý cho doanh nghiệp đầu tư trồng rừng theo chủ trương của tỉnh Hòa Bình là do "thay đổi thế hệ lãnh đạo" nên không nắm được hồ sơ.

Đáng chú ý, theo ông Xa Tuyến Hoàng, Phó trưởng phòng Tài chính – Kế hoạch huyện Đà Bắc, dự án trồng rừng của Cty D&G thuộc diện bị chấm dứt do chậm tiến độ theo kế hoạch đã đăng ký.

"Theo nội dung trong giấy chứng nhận đầu tư từ năm 2009 của tỉnh Hòa Bình, chủ đầu tư dự án phải thực hiện theo đúng tiến độ trong đó. Đối chiếu theo Luật Đầu tư năm 2014, dự án này không nằm trong diện được giãn tiến độ, tạm hoãn hoặc ngừng theo điều 46. 

Căn cứ điều 48, điểm g, mục 1 của Luật này, dự án sẽ bị chấm dứt nếu sau 12 tháng dự án không được thực hiện hoặc không có khả năng thực hiện dự án theo đúng tiến độ đã đăng ký", ông Hoàng nói.

Tuy nhiên, được biết, sau khi được cấp phép đầu tư Cty D&G đã thực hiện hoạt động trồng rừng, đến năm 2011, do điều kiện thời tiết, nhiều diện tích trồng cây keo bị chết. Cty D&G bị ảnh hưởng về vốn, do đó, doanh nghiệp này đã làm các thủ tục xin giãn tiến độ dự án.

Theo đó, các cơ quan ban ngành của tỉnh Hòa Bình, trong đó có cả huyện Đà Bắc đã đồng ý với phương án này. Tuy nhiên, không rõ lý do vì sao ông Hoàng vẫn khẳng định dự án này nằm trong diện bị chấm dứt do chậm tiến độ? Thậm chí không được gia hạn?

Cụ thể, theo văn bản số 38/UBND-VP ngày 21/01/2013 của chính UBND huyện Đà Bắc cho thấy, từ năm 2010, Cty D&G đã triển khai trồng rừng tại xã Tân Minh với diện tích là 300,0 ha. Năm 2011, Cty D&G triển khai trồng rừng tại xã Tân Minh với diện tích 200,0 theo kỹ thuật gieo hạt.

Tuy nhiên, kế hoạch trồng rừng từ năm 2012 trên địa bàn 3 xã Mường Chiềng, Trung Thành, Tân Minh bị ảnh hưởng do vấn đề tài chính của công ty nên chưa thể thực hiện. Sau đó cả 3 xã đã đồng ý với phương án thực hiện dự án mới từ năm 2013.

Bài 3: Gây “khó” DN trồng rừng tại Hòa Bình: lãnh đạo huyện Đà Bắc có hiểu luật? - Ảnh 2.

Bất cập trong công tác quản lý của các cấp chính quyền huyện Đà Bắc khiến hoạt động trồng rừng bị đình trệ.

"Sau khi thảo luận với các phòng ban trong huyện và các xã vùng dự án, UBND huyện có ý kiến như sau: Cả 3 xã đồng ý với chủ trương đầu tư trồng rừng của Công ty D&G tại 3 xã Tân Minh, Trung Thành và Mường Chiềng trong kế hoạch mới từ năm 2013", trích văn bản số 38/UBND-VP ngày 21/01/2013 của UBND huyện Đà Bắc.

Ngoài ra, theo văn bản số 141/SKHĐT-XTĐT ngày 30/01/2013 của Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tỉnh Hòa Bình cũng nêu rõ, đến ngày 31/12/2012, Cty D&G đã được bàn giao 43.262.859,9 m2, diện tích rừng đã trông được là 1.680 ha. Tiến độ thực hiện dự án chậm hơn so với đăng ký nhưng do công ty gặp khó khăn về vốn.

"Yêu cầu Công ty TNHH Một thành viên D&G Hòa Bình điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư, điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án, thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất trồng rừng và không được góp vốn hoặc chuyển đổi quyền sử dụng đất", trích văn bản số 141/SKHĐT-XTĐT của Sở KH&ĐT tỉnh Hòa Bình.

Về phía chính quyền tỉnh Hòa Bình, ngày 06/02/2013, cơ quan này cũng có văn bản số 126/UBND-NNTN về việc đồng ý cho Cty D&G thực hiện điều chỉnh tiến độ dự án. Theo đó, UBND tỉnh giao Sở KH&ĐT thực hiện công việc này.

Như vậy, có thể thấy, việc ông Hoàng nêu quan điểm về việc chấm dứt dự án trồng rừng của Cty D&G khi chưa nắm vững hồ sơ, chủ trương của các cấp chính quyền cũng như thiếu hiểu biết về pháp luật. Với cách làm việc có dấu hiệu quan liêu của lãnh đạo huyện Đà Bắc như vậy, liệu rằng còn bao nhiêu doanh nghiệp, người dân phải "gánh" thiệt hại?

Báo Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem