Nhờ vào hạ tầng giao thông, sự phát triển kinh tế và du lịch, cũng như việc đẩy mạnh hợp tác kinh tế và đào tạo nguồn nhân lực, Hòa Bình đã tạo ra sự kết nối và tăng cường quan hệ hợp tác với các tỉnh thành trong khu vực.
Hòa Bình cửa ngõ phía Tây của thủ đô Hà Nội và cũng là địa phương có vị trí chiến lược trong việc liên kết vùng. Những tuyến đường huyết mạch chạy qua tỉnh Hòa Bình như Quốc lộ 6, đường Hồ Chí Minh và Quốc lộ 21, Quốc lộ 15... Ngoài ra, trên địa bàn Hòa Bình cũng có một số tuyến quốc lộ và tỉnh lộ kết nối với các tỉnh lân cận, tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa và du lịch.
Mở lộ lớn đón sóng đầu tư và tăng cường liên kết vùng
Trong giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Hòa Bình cũng chủ trương ưu tiên và huy động nguồn lực đầu tư các tuyến đường từ Ba Sao đi Bái Đính; cầu Hòa Bình 5, 6; đường kết nối thị trấn Lương Sơn - Xuân Mai; dự án kết nối hạ tầng giao thông, thủy lợi tỉnh Hòa Bình với hệ thống hạ tầng giao thông quốc gia; cải tạo, nâng cấp các tuyến đường đối ngoại như QL21 (kết nối Hà Nam), QL12B (kết nối Ninh Bình), đường tỉnh 433 (kết nối Sơn La); đường vành đai 5 (kết nối khu vực vùng Thủ đô); các tuyến đường trục ngang kết nối với đường Hòa Lạc - Hòa Bình...
Dự án đường liên kết vùng Hòa Bình - Hà Nội và cao tốc Sơn La (Hòa Bình - Mộc Châu) được UBND tỉnh Hòa Bình phê duyệt tại Quyết định số 497/QĐ-UBND ngày 16/3/2022. Đây là dự án nhóm A, công trình giao thông đường bộ cấp II; thời gian triển khai từ năm 2022-2027. Tuyến đường có tổng chiều dài khoảng 50km. Trong đó, đoạn 1: đoạn tuyến từ huyện Kim Bôi kết nối với trục cao tốc quy hoạch Hòa Lạc - Hòa Bình tại TP.Hòa Bình từ Km0+00 - Km31+462, tổ chức phê duyệt triển khai trước, chiều dài 31,48km. Đoạn 2: có chiều dài khoảng 12,3km, hướng tuyến phát triển theo tuyến cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu đoạn từ Km0-Km19.
Bên cạnh đó, dự án xây dựng đường cao tốc trên địa bàn tỉnh Hòa Bình cũng đang được chú trọng triển khai. Dự án đường liên kết vùng Hoà Bình - Hà Nội và cao tốc Sơn La (Hòa Bình - Mộc Châu) không chỉ mang lại lợi ích to lớn cho địa phương mà còn góp phần đạt được các mục tiêu quốc gia, hình thành mạng lưới giao thông đường bộ cao tốc, đảm bảo kết nối các trung tâm kinh tế trọng điểm.
Theo ông Bùi Văn Khánh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình, việc xây dựng đường cao tốc này góp phần thu hút đầu tư, tạo ra hiệu quả tổng hợp, tăng thu ngân sách địa phương, tạo việc làm cho lao động. Để đảm bảo hoàn thành dự án theo tiến độ đề ra, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, UBND các huyện, thành phố có tuyến đường đi qua tạo điều kiện thuận lợi để chủ đầu tư thực hiện công trình, đặc biệt trong công tác giải phóng mặt bằng. Chủ đầu tư thực hiện đúng các quy định về xây dựng; đơn vị được giao nhiệm vụ phát huy trách nhiệm, đảm bảo kỹ thuật, chất lượng đề ra, tuân thủ quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành…
Đường giao thông cũng có vai trò quan trọng trong việc thu hút đầu tư và phát triển công nghiệp. Khi có một mạng lưới đường giao thông tốt, các doanh nghiệp có thể dễ dàng vận chuyển nguyên liệu và sản phẩm từ và đến các khu vực sản xuất. Điều này không chỉ giúp tăng cường sự cạnh tranh của các doanh nghiệp địa phương, mà còn thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư và doanh nghiệp quốc tế. Nhằm tăng cường việc liên kết và rút ngắn thời gian di chuyển giữa Hòa Bình và các vùng miền khác, thời gian qua qua, Sở Giao thông - Vận tải Hòa Bình cũng đã tập trung giải quyết các vấn đề liên quan đến dự án đường cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình theo hình thức hợp đồng BT; phối hợp tham mưu cho UBND tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ về việc giao UBND tỉnh Hoà Bình là cơ quan có thẩm quyền đối với dự án đầu tư xây dựng đường Hòa Lạc - Hòa Bình; cải tạo nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Xuân Mai - Hòa Bình và dự án đầu tư mở rộng đường Hòa Lạc - Hòa Bình theo hình thức PPP có sử dụng vốn ngân sách nhà nước (Chính phủ đã đã có ý kiến chấp thuận tại Công văn số 395/TTg-CN ngày 12/5/2023); triển khai thực hiện đường Hòa Bình - Mộc Châu đoạn Km19 - Km53...
Bên cạnh đó, ngành giao thông vận tải cũng rà soát, tham gia ý kiến lập quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trong đó có tích hợp các quy hoạch trong lĩnh vực giao thông vận tải. Đồng thời thường xuyên kiểm tra, rà soát hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông để kịp thời tham mưu triển khai thực hiện kế hoạch năm 2023 đối với kế hoạch đầu tư công trung hạn của tỉnh, đề án cứng hóa đường giao thông nông thôn giai đoạn 2021-2025 và đề án bảo dưỡng thường xuyên hệ thống đường tỉnh, đường huyện, đường xã giai đoạn 2022-2025.
Tiếp tục tập trung hoàn thiện hạ tầng về giao thông
Dù đã đạt được một số kết quả, song, theo đánh giá của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hòa Bình, mạng lưới giao thông đối ngoại, mang tính liên kết vùng tại Hòa Bình hiện còn thiếu, quy mô nhỏ, chưa tương xứng với lợi thế về vị trí địa lý của tỉnh. Giao thông đối nội tuy được phân bố trải rộng khắp địa bàn tỉnh nhưng tình trạng kỹ thuật còn hạn chế; năng lực lưu thông, vận chuyển hàng hóa chưa cao, chưa đảm bảo phục vụ nhu cầu giao thông an toàn, thuận lợi, liên tục, nhanh chóng...
Với quan điểm phát triển kết cấu hạ tầng nói chung và hạ tầng giao thông nói riêng phải đi trước một bước, trong đó ưu tiên những dự án quan trọng tạo sự đột phá và có tác động lan tỏa lớn, nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hòa Bình lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra nhiệm vụ: "Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành một số dự án công trình giao thông trọng điểm để từng bước hoàn chỉnh mạng lưới giao thông theo quy hoạch; đồng thời tranh thủ các nguồn ngân sách và hỗ trợ từ Trung ương, phát huy nội lực địa phương đầu tư các công trình trọng điểm...".
Mục tiêu tỉnh hướng tới là phát triển kết cấu hạ tầng giao thông một cách đồng bộ, hợp lý, liên hoàn giữa đường bộ và đường thủy nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa và hành khách ngày một gia tăng; kết nối hợp lý với hệ thống giao thông quốc gia, vùng và nội tỉnh tạo thành hệ thống giao thông thông suốt, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội bền vững...
Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hòa Bình đã quyết liệt chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án giao thông trọng điểm chuyển tiếp từ giai đoạn 2016 - 2020. Tập trung các nguồn lực của tỉnh, đề xuất, kêu gọi các nguồn hỗ trợ từ Trung ương, bộ, ngành và vốn nước ngoài để ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình giao thông mang tính đột phá trong phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Hòa Bình chủ trương sử dụng nguồn vốn ngân sách các cấp đầu tư xây dựng các tuyến đường kết nối những khu vực quan trọng, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội các huyện, thành phố. Triển khai thực hiện các dự án đầu tư xây dựng hệ thống đường tỉnh. Đồng thời phát huy mạnh mẽ phong trào làm đường giao thông nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an toàn giao thông vùng cao, vùng xa...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.