Hoá giải và tranh thủ

Thứ năm, ngày 08/09/2011 04:46 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Chuyến thăm Bangladesh của Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh được cả hai phía coi là có ý nghĩa lịch sử.
Bình luận 0

Sau 12 năm mới lại có Thủ tướng Ấn Độ tới thăm Bangladesh và ông Singh còn là Thủ tướng thuộc Công Đảng Ấn Độ đầu tiên kể từ gần 40 năm qua thăm Bangladesh.

Tuy Ấn Độ đóng vai trò rất quan trọng trong việc Bangladesh tách ra khỏi Pakistan năm 1971, quan hệ giữa Ấn Độ và Bangladesh từ đó đến nay không hẳn luôn suôn sẻ và hữu hảo, mà vẫn có căng thẳng và đụng độ vũ trang, vẫn nghi kỵ lẫn nhau và dè dặt, vẫn còn không ít vấn đề vướng mắc chưa được giải quyết, từ biên giới lãnh thổ đến cùng sử dụng nguồn nước.

Chuyến thăm này của ông Singh giúp cho mối quan hệ song phương hoàn toàn khác trước. Rất nhiều hiệp định và dự án hợp tác được ký kết, trong đó đặc biệt là thoả thuận phân định hơn 4.000km biên giới chung. Chưa phải mọi trắc trở đều đã được khắc phục, nhưng rõ ràng một thời kỳ mới đã được mở ra cho quan hệ hai nước.

Hoá giải các bất hoà và tranh thủ lẫn nhau là chủ định được cả hai bên thể hiện trong chuyến thăm này. Bangladesh muốn tận lợi từ sự trỗi dậy mạnh mẽ của Ấn Độ về mọi phương diện và tạo vị thế tốt nhất cho mình trong tiến trình hoà đàm cũng như ganh đua giữa Ấn Độ và Pakistan, gây dựng đối trọng cho quan hệ song phương với Pakistan.

Ấn Độ cũng cần tranh thủ nước láng giềng này trong một dạng tập hợp lực lượng để đối phó với nước láng giềng kia và đặc biệt để cạnh tranh ảnh hưởng với Trung Quốc ở Bangladesh cũng như ở khu vực. Cơ hội để hai bên hoá giải bất hoà và tranh thủ lẫn nhau hiện lại đang rất thuận lợi vì chính phủ đương quyền ở Bangladesh được coi là thân thiện với Ấn Độ và Ấn Độ đang rất được trọng vọng ở cả khu vực lẫn trên thế giới.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem