Họa sĩ Phạm Huy Thông và nỗi ám ảnh về sự "thoát xác"

Ma Khánh Yến Thứ hai, ngày 17/07/2023 07:26 AM (GMT+7)
Họa sĩ Phạm Huy Thông mang tới cho người xem nhiều xúc cảm với tác phẩm điêu khắc mang tên "Thoát Xác" – phản ánh nỗi đau chiến tranh và khao khát hoà bình.
Bình luận 0

Phạm Huy Thông tiếp PV Dân Việt tại phòng làm việc của anh – một căn phòng gọn gàng và được "bố cục" ngăn nắp có phần "hơi quá mức" so với những họa sĩ tôi từng gặp. Ở vị trí trung tâm, tác phẩm "Thoát Xác" được đặt một cách trang trọng, nổi bật. Đây cũng chính là thứ khiến tôi tìm gặp chủ nhân của nó.

Những xúc cảm từ một chiếc mũ nhiều lỗ thủng

Ngay khi trình làng, "Thoát Xác" (Disembodying) - tác phẩm điêu khắc của họa sĩ Phạm Huy Thông đã gây ấn tượng mạnh mẽ với giới chuyên môn cũng như khán giả. Sau khi tham gia triển lãm "David Thomas và những người bạn" tại Việt Nam, "Thoát Xác" tiếp tục được giới thiệu với công chúng quốc tế tại 333 Gallery, Icon Siam (Bangkok, Thái Lan). Tác phẩm cũng nhận về hàng chục ngàn lượt yêu thích và bình luận trên mạng xã hội.

Họa sĩ Phạm Huy Thông và nỗi ám ảnh về sự "thoát xác" - Ảnh 1.

Tác phẩm "Thoát Xác" (Disembodying) của họa sĩ Phạm Huy Thông. (Ảnh: NVCC)

Họa sĩ Phạm Huy Thông và nỗi ám ảnh về sự "thoát xác" - Ảnh 2.

Những lỗ thủng trên mũ gây ấn tượng mạnh với người xem. (Ảnh: NVCC)

Chia sẻ với PV Dân Việt, họa sĩ Phạm Huy Thông cho biết: "Ý tưởng cho tác phẩm "Thoát Xác" đến ngay khi tôi được ông Tira (một nhà sưu tập đồ cổ và nghệ thuật) khoe với tôi một chiếc mũ sắt toang hoác và chi chít những lỗ thủng. Chiếc mũ này được họa sĩ Phan Kế An – họa sĩ thời chiến - mang về từ chiến trường, sau đó tặng lại cho ông. Loại thép để làm ra những chiếc mũ dành cho người lính thường được tôi luyện rất cứng. 

Thế nhưng, trước mắt tôi, phần thép trên chiếc mũ ấy đã bị xé toạc như giấy mỏng, chứng tỏ những vật xuyên thủng nó phải có động năng cực lớn. Người lính ấy, dù thuộc phía nào của cuộc chiến, họ cũng đã không còn tồn tại. Khoảnh khắc nhìn thấy chiếc mũ, tôi cảm nhận rõ hơn sự khủng khiếp của chiến tranh, sự mong manh, bé nhỏ của phận người. Chính điều đó đã thôi thúc tôi bắt tay vào thực hiện tác phẩm".

Họa sĩ Phạm Huy Thông và nỗi ám ảnh về sự "thoát xác" - Ảnh 3.

Hoạ sĩ Phan Kế An (bên phải), nhà sưu tập Tira và chiếc mũ nguyên gốc. (Ảnh: NVCC)

Dựa trên mạch cảm hứng từ bức vẽ "Hy vọng cuối cùng" (The Last Hope) của chính mình vào năm 2015, Phạm Huy Thông một lần nữa thách thức anh ở một địa hạt mới – đó là điêu khắc. Anh tìm những chiếc mũ sắt đã qua sử dụng, được thu gom từ chiến địa, sau đó tái tạo những lỗ thủng giống với chiếc mũ nguyên gốc. Các mảnh sắt đã văng ra được hoạ sĩ sinh năm 1981 thay thế bằng những cánh chim như lời cầu nguyện của anh dành cho những người đã khuất. 

Họa sĩ Phạm Huy Thông và nỗi ám ảnh về sự "thoát xác" - Ảnh 4.

Bức tranh "Hi Vọng Cuối Cùng" của hoạ sĩ Phạm Huy Thông được vẽ vào năm 2015. (Ảnh: NVCC)

Bản đầu tiên được Phạm Huy Thông làm trong một tháng, với nhiều lần nâng lên đặt xuống và chỉnh sửa (Theo thông lệ quốc tế, các bản điêu khắc sẽ có 8 bản, đánh số từ 1 đến 8, bản đầu hoạ sĩ làm được viết tắt là AP). Anh chia sẻ: "Tôi không làm mũ mới mà sử dụng những chiếc mũ đã cũ với mong muốn tái hiện lại cho người xem cảm xúc chân thực nhất. Những con chim được chế tác có màu ánh bạc, tương phản với màu của chiếc mũ, giống như phần linh hồn đã thoát ra. Trong nhiều tôn giáo, khoảnh khắc hồn lìa khỏi xác không phải khoảnh khắc con người vĩnh viễn lìa đời, mà họ chỉ thay đổi dạng thức tồn tại này sang dạng thức tồn tại khác. Tôi cầu nguyện cho những người đã qua đời vì bom đạn, qua đó cũng phản ánh nỗi sợ chiến tranh, khao khát hoà bình".

"Sự khác biệt của một hoạ sĩ là ở cách kể chuyện"

Sinh ra trong một gia đình bố mẹ đều là nhà báo, cách Phạm Huy Thông đến với hội họa vô cùng đặc biệt. "Thuở nhỏ, tôi đã lớn lên trong môi trường mà bạn bè thân thiết của bố mẹ đều là văn nghệ sĩ. Họ thường tới nhà tôi tụ tập, chuyện trò, cũng bởi vậy, tình yêu dành cho nghệ thuật cứ tự nhiên ngấm vào trong máu thịt".

Tốt nghiệp THPT, Phạm Huy Thông theo học ngành Thiết kế đồ hoạ và từng có thu nhập cao từ những dự án đồ hoạ, tuy nhiên anh không gắn bó lâu dài với công việc này. "Khi còn là sinh viên, cuối tuần nào tôi cũng theo thầy vẽ phong cảnh, thời gian rảnh thì ở nhà học tiếng Anh. Chính điều đó đã khiến tôi có vốn ngoại ngữ vững chắc, học và đọc được nhiều kiến thức không có trong nước. Tiếng Anh tốt còn khiến tôi có cơ hội làm việc với các phòng tranh của người nước ngoài tại Việt Nam, qua đó nhận được những hợp đồng tài trợ để dám từ bỏ công việc khác, tập trung theo đuổi hội họa".

Họa sĩ Phạm Huy Thông và nỗi ám ảnh về sự "thoát xác" - Ảnh 5.

Họa sĩ Phạm Huy Thông. (Ảnh: NVCC)

Cơ duyên tới với Phạm Huy Thông một cách rõ rệt trong lần anh đi xem nghệ thuật và chứng kiến một người nước ngoài đang rất vất vả khoa tay múa chân để nói chuyện với các họa sĩ Việt Nam. Không chần chừ, Phạm Huy Thông tới giúp chuyển ngữ. Cuối buổi nói chuyện, người đàn ông này đặt câu hỏi: "Cậu là họa sĩ phải không, bởi tôi đã thuê phiên dịch nhiều lần nhưng họ không hiểu được tiếng Anh chuyên ngành như vậy? Từ nay, hãy cho tôi đặt cậu phiên dịch giúp tôi mỗi lần tôi sang đây".

Người Phạm Huy Thông gặp khi ấy chính là chủ của Witness Collection - một không gian sưu tập đồ sộ về nghệ thuật Việt Nam. Sau 2 năm cùng làm việc và quan sát tranh của Phạm Huy Thông, nhìn thấy niềm đam mê của anh, ông đề nghị: "Tranh của cậu hay và có ý tưởng, nhưng cần đầu tư hơn về thời gian. Hãy lên kế hoạch, tôi sẽ giúp cậu lo toàn bộ chi phí sinh hoạt trong một năm, ngoài ra tôi đưa cậu thêm một khoản không nhỏ để đi xem các bảo tàng quốc tế, và một chừng đó nữa để mua các hoạ phẩm tốt nhất. Điều kiện là toàn bộ các bức tranh của cậu trong một năm tới sẽ do tôi sở hữu".

Quyết định từ bỏ các công việc khác để tập trung vào hội hoạ đã khiến Phạm Huy Thông đi được một chặng đường đáng tự hào. Năm 2008, anh được Bảo tàng Mỹ thuật Singapore chọn là một trong hơn 40 nghệ sĩ Việt Nam tiêu biểu sau đổi mới. Phạm Huy Thông cũng được mời đi dự trại sáng tác nghệ thuật tại nhiều quốc gia như Hàn Quốc, Mỹ, Malaysia, Thái Lan… Hiện anh đã có 8 triển lãm cá nhân và 15 triển lãm quan trọng ở cấp độ bảo tàng. Năm 2015, anh lập chương trình Tự Lập Young Talent, tài trợ các nghệ sĩ trẻ đi du ngoạn các Hội chợ Nghệ thuật lớn và sáng tác ở nước ngoài. Hoạ sĩ sinh năm 1981 cũng nổi tiếng với nhiều bài bình luận thẳng thắn trên các diễn đàn nghệ thuật trong nước.

Các tác phẩm của Phạm Huy Thông mang trường phái siêu thực, ở đó, anh gửi gắm nhiều triết lý sống cũng như các vấn đề xã hội nổi cộm và nhức nhối. "Tôi quan niệm, người hoạ sĩ khác một thợ vẽ ở chỗ bức tranh của họ sẽ kể câu chuyện gì? Mỗi tác phẩm cần đưa tới cho người xem một câu chuyện, thay vì chỉ đơn giản là một bức tranh, một bộ tác phẩm sẽ là một tuyển tập truyện ngắn với nội dung xuyên suốt" – Phạm Huy Thông chia sẻ.

Với những bộ tác phẩm ấn tượng như Mưa, Cập nhật, Đồng bào và mới đây nhất là tác phẩm Thoát xác, Phạm Huy Thông đang định vị cho mình một lối đi riêng trong nghệ thuật tạo hình. Tại đó, anh tiêu biểu cho một thế hệ nghệ sĩ mới, những người có kết nối mạnh mẽ với quốc tế và bay bổng với nghệ thuật theo một cách chỉn chu, thông minh và khoa học.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem