Gia đình nhạc sĩ Trần Tiến từng rất giàu có, xếp thứ 6 ở Hà Nội?
Gia đình nhạc sĩ Trần Tiến từng rất giàu có, xếp thứ 6 ở Hà Nội?
Tuệ Lâm
Thứ sáu, ngày 15/11/2024 10:03 AM (GMT+7)
Theo Tiến sĩ Mỹ học Thế Hùng, nhà nhạc sĩ Trần Tiến ngày xưa giàu có nổi tiếng phố Khâm Thiên và phố Ngõ Gạch (Hà Nội). Trước năm 1954, nhà ông giàu thứ 6 ở Hà Nội (thứ nhất là nhà tư sản tàu thủy Bạch Thái Bưởi).
Tiến sĩ Mỹ học Thế Hùng kể với Dân Việt rằng, thời điểm mới chân ướt chân ráo vào Sài Gòn, nhạc sĩ Trần Tiến được chính nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cưu mang.
Theo đó, những năm đầu thập niên 80, khi nhạc sĩ Trần Tiến nhảy tàu "đểu" (cách nói của nhạc sĩ Trần Tiến – PV) vào Sài Gòn không một xu dính túi. Ngày đó, vợ con tiễn ông ra ga Hàng Cỏ lên tàu vào Nam cũng không có tiền mà đưa cho ông làm phí lộ hành. Trên tàu, ông may mắn gặp được người nhạc sĩ trẻ và chính người này đã giúp ông trụ được 3 ngày 3 đêm trên tàu với cái bụng no. Tuy nhiên, xuống khỏi tàu ông lại thành "người vô sản".
Ông đánh bạo thuê xích lô đến nhà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Em gái nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là Trịnh Vĩnh Trinh tiếp đón ông và trả tiền xích lô hộ. Ông được mẹ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và các thành viên trong gia đình tiếp đón rất nồng nhiệt, thân tình… Nhưng vì thế mà ông rất ngại nên ở được 3 ngày thì ông trốn đi lang thang, đêm ngủ vạ vật trong công viên.
"Trần Tiến kể, lúc đó nhạc sĩ Trịnh Công Sơn bảo với Tiến: "Tiến à, thôi kệ, Tiến không có đồng nào thì có anh. Tiến về đây đi". Rồi mạ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mời Tiến ăn cơm. Chén cơm Sài Gòn rất bé nên Tiến ăn đến ba chén cơm rồi vẫn thấy đói. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn bảo: "Mạ xới nữa đi". Bát thứ tư, thứ năm, thứ sáu… Ngượng quá Tiến bảo: "Con ăn có vẻ nhiều hơn mọi người bác nhỉ?". Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn an ủi: "Em là lính, em sống đời quân đội. Em cứ ăn đi, đây là nhà của em". Tiến ở 3 ngày… thấy được đối đãi thịnh tình quá nên ngượng bỏ nhà ra lang thang, đêm ngủ ngoài công viên".
Nhạc sĩ Trần Tiến cũng từng kể rằng: "Thời đó, tôi ở với gia đình anh Trịnh Công Sơn 3 ngày nhưng được chăm sóc quá nên đâm ngại, bỏ trốn ra ngoài công viên Tao Đàn ngủ bụi. Anh Tịnh (em trai nhạc sĩ Trịnh Công Sơn) tìm được đưa về. Mấy ngày sau, chị họ tôi nghe tin tôi vào Sài Gòn đã đến nhà anh Sơn tìm gặp.
Thế rồi anh Sơn biết tôi ngại không muốn ở lại nhà mình nên anh Sơn đưa tôi đến nhà bà chị. Giao tôi cho chị xong anh Sơn nói với tôi một câu: "Mình biết Tiến rất tự trọng, không ở nhà mình, không ở nhà chị, mặc dù họ hàng rất giàu có. Nhưng Tiến không biết một điều, ở đời, nếu Tiến không biết hàm ơn thì làm sao trả ơn cuộc đời bằng những ca khúc của mình".
Theo Tiến sĩ Mỹ học Thế Hùng, nhà nhạc sĩ Trần Tiến ngày xưa giàu có nổi tiếng phố Khâm Thiên và phố Ngõ Gạch (Hà Nội). Trước năm 1954, nhà ông giàu thứ 6 Hà Nội (thứ nhất là nhà tư sản tàu thủy Bạch Thái Bưởi). Sau này sa cơ, nhà cửa bị thu bằng sạch… mẹ ông phải đi làm thuê cho người ta. Và người chị mà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đưa nhạc sĩ Trần Tiến đến chính là chị con bác. Người chị có một ngôi nhà to đẹp, điều kiện khá giả nhưng ông không tìm đến vì "chị và bác bỏ mẹ em hai mươi năm trời biền biệt, mẹ ốm đau không biết nói với ai".
Nghe lời khuyên của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, nhạc sĩ Trần Tiến chịu ở lại nhà người chị con bác. Thời điểm đó, nhạc sĩ Dương Thụ phụ trách một tụ điểm âm nhạc nên đã cho ông đi hát tại quán để kiếm tiền. Khán giả thích thú, vỗ tay và Trần Tiến có tiền để sống những ngày tháng đó.
Gia đình nhạc sĩ Trần Tiến từng giàu thứ 6 ở Hà Nội?
Trước đây, mỗi khi hỏi nhạc sĩ Trần Tiến về những kỷ niệm với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, ông thường im lặng. Ông cho rằng, kỷ niệm nằm ở trong tim đã đủ ấm áp rồi, cần gì phải nói ra. Mãi sau này ông mới chịu trải lòng.
Nhạc sĩ Trần Tiến kể, tháng 5/1976, nhà thơ Phạm Tiến Duật rủ ông đến nhà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn chơi. Ấn tượng về nhạc sĩ đàn anh ngày đó là một người đàn ông bận đồ nhà chùa, dáng điệu thanh tịnh, làm ông bỗng tò mò.
Cả Sài Gòn lúc đó ai cũng biết nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Vì ông là thần tượng của trí thức và một thế hệ trẻ. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn lấy rượu mời nhạc sĩ Trần Tiến và nhà thơ Phạm Tiến Duật. Xong tuần rượu, nhạc sĩ lại dẫn Trần Tiến lên phòng và vặn nhạc của ông cho nghe.
Hồi đó, nhạc sĩ Trần Tiến rất mê viết giao hưởng. Trong một lá thư viết thăm đàn em (nhạc sĩ Trịnh Công Sơn rất chăm chỉ viết thư thăm hỏi bạn bè), nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết: "Tiến à, mình không nghĩ rằng một bản giao hưởng tồi lại có thể ví được với một câu hò hay".
Lời nhắc nhở nhẹ nhàng mà sâu cay của người bạn lớn khiến ông bừng tỉnh. Từ đó, nhạc sĩ Trần Tiến dành thời gian nhiều hơn để viết những bản du ca mộc mạc, gần gũi với đời sống, con người.
Nhạc sĩ Trần Tiến nhắc lại kỷ niệm: "Một lần, tôi viết thư báo tin anh Sơn, xe chở tôi và đoàn ca nhạc từ Hà Nội sẽ đi qua cầu Tràng Tiền – Huế vào buổi trưa. Chiều tối, xe mới tới. Anh và mấy người bạn thân vẫn ngồi đợi đầu cầu chờ, cùng một gánh phở và một gánh hoa. Cả đoàn ca nhạc muốn khóc".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.