Việt kiều Thái Lan vẽ Bác Hồ: "Tôi thấy Bác có đôi mắt rất sáng, sáng như những vì sao"

Phạm Thứ Chủ nhật, ngày 19/05/2024 07:15 AM (GMT+7)
"Tôi thấy Bác có đôi mắt rất sáng, sáng như những vì sao và toát lên vẻ rất hiền từ. Đó cũng là một trăn trở với tôi khi cầm bút vẽ, làm sao để có thể họa lên được thần thái của Bác, làm sao để đôi mắt của Bác trông thật sự là có hồn", họa sĩ Đào Trọng Lý chia sẻ với Dân Việt.
Bình luận 0

Xuất phát từ tấm lòng ngưỡng mộ và tình cảm kính yêu đối với Bác Hồ, với quê hương, đất nước, từ năm 2018 khi chuyển sang quản lý Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại tỉnh NakhonPhanom, họa sĩ Đào Trọng Lý bắt đầu vẽ Bác theo tâm thức của mình và dựa một phần vào những tư liệu, hình ảnh tìm kiếm được.

Triển lãm “Tấm lòng của họa sĩ Việt kiều với Bác Hồ” tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam do Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam phối hợp với Hội Thái Việt tại tỉnh NakhonPhanom (Thái Lan) tổ chức nhân dịp kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2024). Triển lãm giới thiệu 55 bức tranh do hoạ sĩ Việt kiều Đào Trọng Lý sáng tác về Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ kiệt xuất, Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, Danh nhân văn hóa thế giới.

Trong tranh của Đào Trọng Lý, cuộc đời hoạt động của Bác Hồ, từ những ngày đầu ra đi tìm đường cứu nước, đến những dấu mốc quan trọng của lịch sử cách mạng Việt Nam luôn gắn liền với hình ảnh vị lãnh tụ kiệt xuất nhưng bình dị, chan hòa tình yêu thương dành cho nhân dân Việt Nam và nhân dân trên toàn thế giới.

PV Dân Việt đã có cuộc trò chuyện với họa sĩ Việt kiều Đào Trọng Lý nhân dịp này xoay quanh những chủ đề về những bức tranh cho chính ông sáng tác.

Thưa họa sĩ Đào Trọng Lý, ông sinh ra và lớn lên trên đất nước Thái Lan, dù chưa một lần được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhưng ấn tượng về Người trong ông từ nhỏ như thế nào?

- Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh có thời gian sống và hoạt động ở Thái Lan từ tháng 7/1928 đến tháng 11/1929. Trong thời gian đó, Bác đã để lại rất nhiều tình cảm cho bà con Việt kiều, những người cao tuổi, những lớp thế hệ của cha mẹ chúng tôi. Bác là một nhà yêu nước lớn. Tình yêu nước của Bác được truyền tới bà con Việt kiều tại Thái Lan.

Qua lời kể của lớp thế hệ ông bà, cha mẹ tôi, khi Bác sang, Bác dạy cho bà con Việt Kiều học tiếng Việt, dạy bà con làm việc và rất nhiều các phẩm chất như tiết kiệm. Đặc biệt, trong những lời dặn dò của Bác, không thể thiếu việc tìm con đường để cứu nước.

Việt kiều Thái Lan vẽ Bác Hồ: "Tôi thấy Bác có đôi mắt rất sáng, sáng như những vì sao"- Ảnh 1.

Họa sĩ Đào Trọng Lý chia sẻ tại buổi khai mạc triển lãm “Tấm lòng của họa sĩ Việt kiều với Bác Hồ”. Ảnh: Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Ngay từ lúc còn nhỏ, khi tôi bắt đầu có những nhận thức, hiểu biết về Việt Nam, tôi được cha mẹ, ông bà dạy dỗ là luôn hướng về quê hương, luôn tin tưởng theo Bác Hồ. Khi ấy, miền Bắc đang xây dựng xã hội chủ nghĩa, miền Nam đang trong quá trình đấu tranh để thống nhất nước nhà.

Tôi vẫn nhớ, khi còn nhỏ, được nghe giọng của Bác Hồ trên đài phát thanh, từ Thủ đô Hà Nội phát và ở nước ngoài mở nghe được. Đó là những lần Bác chúc Tết đầu xuân. Tuy chỉ nghe giọng của Bác, không có hình nhưng cũng để lại cho tôi nhiều ấn tượng.

Theo những gì họa sĩ Đào Trọng Lý chia sẻ tại triển lãm “Tấm lòng của họa sĩ Việt kiều với Bác Hồ”, ý tưởng thực hiện các bức vẽ về Chủ tịch Hồ Chí Minh đều xuất phát xuất phát từ tấm lòng ngưỡng mộ và tình cảm kính yêu đối với Bác Hồ, với quê hương, đất nước?

- Đúng là xuất phát từ tấm lòng ngưỡng mộ và tình cảm kính yêu của tôi đối với Bác Hồ. Sau khi đảm nhận cương vị Trưởng ban Quản lý xây dựng Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại tỉnh Nakhon Phanom (Thái Lan) năm 2013, tôi đã ấp ủ ý tưởng thực hiện một phòng trưng bày về Chủ tịch Hồ Chí Minh để người dân trong nước sang Thái Lan và kiều bào ở Thái Lan đến tham quan, tìm hiểu.

Nhưng việc thực hiện được các bức tranh với tôi cũng không phải điều dễ dàng. Tôi đã bắt đầu vẽ Bác từ rất lâu theo tâm thức của mình, nhưng trước đây chưa có nhiều tư liệu ảnh để vẽ. Khoảng 10 năm trở lại đây, từ khi có mạng Internet, tôi dễ dàng tìm kiếm các tranh vẽ về Bác. Thấy bức hình nào đẹp, phù hợp với các chủ đề mà tôi đã lựa chọn, tôi sẽ lưu về máy tính cá nhân. Trong bộ sưu tập, tôi phải lưu tới hàng trăm bức tranh về Bác. Hằng ngày, tôi đều mang các bức ảnh đó ra ngắm, thấy bức nào ấn tượng nhất, tôi sẽ vẽ bức đó.

Ông thường lựa chọn chủ thế nào khi vẽ tranh về Chủ tịch Hồ Chí Minh?

- Các chủ đề thường tôi đã lựa chọn trước khi vẽ. Tôi tìm kiếm các bức tranh về Bác cũng theo các chủ đề đó. Đó là Bác Hồ cùng các đồng chí trong Bộ Chính trị như Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp; Bác Hồ cùng đồng bào các dân tộc thiểu số; Bác Hồ cùng các cháu thiếu niên nhi đồng - đây cũng là chủ đề mà tôi thích nhất.

Qua những chủ đề, các bức tranh ông sưu tầm và vẽ lại, Bác Hồ hiện lên như thế nào?

- Chủ tịch Hồ Chí Minh hiện lên trong tâm thức của tôi thực sự rất gần gũi, dù tôi chưa được gặp Bác lần nào. Qua những gì tôi biết về Bác, ở trong nước và quốc tế, Bác đi tới đâu cũng rất yêu quý các cháu thiếu niên nhi đồng. Ngược lại, các cháu thiếu nhi cũng rất yêu quý Bác, cũng chạy lại gần để ôm lấy Bác, vây xung quanh Bác, rất tình cảm, hồn nhiên. Bản thân tôi chưa từng thấy vị lãnh tụ nào được các cháu thiếu nhi gần gũi, yêu quý như vậy.

Tôi thấy cả những hình ảnh Bác Hồ mặc những trang phục rất Tây Bắc. Bác mặc trang phục màu nâu rất giản dị, không lòe loẹt. Sau này càng nghiên cứu, càng vẽ, tôi càng thấy Bác Hồ vĩ đại, cả một đời chỉ nghĩ cho nhân dân, cho đất nước.

Vậy nên, càng vẽ, hình ảnh về Bác Hồ lại càng hiện lên trong tâm trí tôi và càng vẽ, tôi thấy các bức vẽ lại càng đẹp. Có những bức ảnh tôi sưu tầm, cho dù có bị mờ, chất lượng không tốt thì tôi vẫn tưởng tượng ra được khuôn mặt của Bác. Đặc biệt, tôi thấy Bác có đôi mắt rất sáng, sáng như những vì sao và toát lên vẻ rất hiền từ.

Việt kiều Thái Lan vẽ Bác Hồ: "Tôi thấy Bác có đôi mắt rất sáng, sáng như những vì sao"- Ảnh 2.

Khách tham quan triển lãm “Tấm lòng của họa sĩ Việt kiều với Bác Hồ” tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Ảnh: Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Đó cũng là một trăn trở với tôi khi cầm bút vẽ, làm sao để có thể họa lên được thần thái của Bác, làm sao để đôi mắt của Bác trông thật sự là có hồn. Tôi cũng phải tìm đọc thêm rất nhiều về cuộc đời Bác, từ khi còn trẻ, quá trình hoạt động cách mạng để xem thời mỗi thời kỳ, trang phục của Bác mặc thế nào...

Chia sẻ tại buổi khai mạc triển lãm "Tấm lòng của họa sĩ Việt kiều với Bác Hồ", TS Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cho biết: "55 bức tranh vẽ về Bác Hồ trong triển lãm này được họa sĩ thực hiện tại Thái Lan, khi ông chuyển sang quản lý Khu tưởng niệm chủ tịch Hồ Chí Minh tại tỉnh Nakhon Phanom.

Quá trình hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ những ngày đầu ra đi tìm đường cứu nước, đến những dấu mốc quan trọng của lịch sử cách mạng được thể hiện qua những nét vẽ mộc mạc của hoạ sĩ, chứa đựng tình cảm sâu sắc về vị lãnh tụ kiệt xuất nhưng rất giản dị trong cuộc sống đời thường, chan hòa tình yêu thương nhân dân.

Họa sĩ Đào Trọng Lý vẽ về Bác theo tâm thức của mình, như một sự thôi thúc tình cảm tự nhiên và dựa một phần vào những tư liệu, hình ảnh mà ông tìm kiếm được, tất cả đều xuất phát từ tấm lòng, từ tình cảm kính yêu của ông đối với Bác Hồ. Họa sĩ cũng mong muốn, những bức tranh của mình sẽ giúp kiều bào Thái Lan cũng như những người Thái có cái nhìn trực quan, hiểu hơn về cuộc sống và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh".

Các bức tranh được ông sử dụng chất liệu giấy và mực vẽ thế nào?

- Các bức tranh tại triển lãm “Tấm lòng của họa sĩ Việt kiều với Bác Hồ”, tôi sử dụng 2 loại mực là màu nước và sơn dầu. Mỗi loại đều phải có những chất liệu giấy và vải riêng. Còn riêng ở Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thái Lan, hơn 20 bức vẽ tôi đều sử dụng phấn màu và loại giấy của Anh để vẽ. Tiếc là triển lãm tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam không có bức tranh nào sử dụng chất liệu phấn màu đó cho khách tham quan chiêm ngưỡng.

Hiện ông đã vẽ khoảng bao nhiêu bức tranh về Chủ tịch Hồ Chí Minh và được trưng bày tại những nơi nào?

- Nếu tính tất cả, tôi đã vẽ được khoảng hơn 150 bức tranh về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhưng đó mới chỉ là khoảng 1% trong tổng số ảnh tôi sưu tầm được về Bác. Tôi tặng cho rất nhiều bạn bè và các cơ quan nhà nước khác. Còn trưng bày thì ngoài Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thái Lan, tôi cũng tặng cho Bảo tàng Hồ Chí Minh 8 bức.

Sau khi triển lãm được trưng bày đã nhận được rất nhiều lời khen ngợi, ông cảm thấy thế nào?

- Thông qua triển lãm và các bức vẽ về cuộc đời hoạt động của Bác Hồ, từ những ngày đầu ra đi tìm đường cứu nước, đến những dấu mốc quan trọng của lịch sử cách mạng Việt Nam; mục đích của tôi không có gì mang đến cho mọi người những ấn tượng tốt đẹp, lòng ngưỡng mộ tôn kính với Bác Hồ kính yêu. Mong rằng, đây là dịp để chúng ta cùng ôn lại công lao to lớn của Người. Qua đó, cùng học theo Bác để xây dựng một đất nước Việt Nam ngày càng phát triển, văn minh.

Tôi cũng rất vui vì tại Thái Lan, mỗi dịp cuối tuần, Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại tỉnh NakhonPhanom đều có những đoàn học sinh đến thăm quan, tìm hiểu, học tập. Tôi có mong muốn rằng, những bức tranh của mình giúp kiều bào tại Thái Lan cũng như những người Thái hiểu hơn về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. 

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này! 

Họa sĩ Đào Trọng Lý sinh năm 1951 trong một gia đình Việt kiều yêu nước tại tỉnh NakhonPhanom, nguyên quán huyện Quốc Oai, Hà Nội. Cha ông được tặng thưởng Huy chương Kháng chiến hạng Nhất, bản thân ông được tặng thưởng Huy chương Kháng chiến hạng Nhì. Ông từng là Chủ tịch Hội người Thái gốc Việt tỉnh NakhonPhanom, từng là thầy giáo dạy tiếng Việt cho con em Việt kiều. Hiện ông giữ chức vụ Trưởng ban cố vấn của Tổng hội Việt kiều tại Vương quốc Thái Lan.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem