Tam Quốc tuy là thời kỳ lịch sử không dài nhưng diễn ra nhiều cuộc chiến đẫm máu và đỉnh cao là những màn tranh đấu nhằm thống nhất thiên hạ của ba tập đoàn chính trị là Tào Nguỵ, Thục Hán và Đông Ngô.
Cục diện Tam Quốc có nhiều thay đổi, kể từ sau cái chết đột ngột và nhiều nuối tiếc của "Võ thánh" Quan Vũ, danh tướng uy trấn Hoa Hạ, từng được ba thế lực lôi kéo, kiêng dè.
Lưu Bị vì nóng vội báo thù, tập hợp lực lượng tổng tiến công chinh phạt Đông Ngô nên cuối cùng lại chịu thất bại nặng nề trong trận Di Lăng (221 – 222). Thất bại này là đòn chí mạng nặng nề với Lưu Bị và chính quyền Thục Hán. Mất Kinh Châu, Quan Vũ và sau đó là đại bại ở Di Lăng khiến Lưu Bị u sầu mà sinh bệnh và không bao lâu qua đời tại thành Bạch Đế vào tháng 6/223.
Vì sao Lưu Bị không trao binh quyền cho Triệu Vân?
Trước khi mất, biết bản thân không còn nhiều thời gian, Lưu Bị đã có những bước chuẩn bị hoàn hảo cho con trai Lưu Thiện và cơ nghiệp nhà Thục Hán. Về nội chính của Thục Hán, trách nhiệm dìu dắt Lưu Thiện, phục hưng Hán thất, Lưu Bị đều giao cho Thừa tướng Gia Cát Lượng. Còn về binh quyền của Thục Hán, Lưu Bị phó thác cho đại thần Lý Nghiêm.
Tại sao Lưu Bị lại chọn Lý Nghiêm để trao binh quyền mà không phải là Triệu Vân, vị tướng rất trung thành và được coi là dũng mãnh hơn cả "chiến thần" Lã Bố?
Đây không phải là lần đầu tiên Lưu Bị "phớt lờ" Triệu Vân. Vị tướng được ca ngợi là dũng tướng hoàn mỹ nhất Tam Quốc này ban đầu là tướng dưới trướng của Công Tôn Toản.
Sau khi Công Tôn Toản chết, Triệu Vân mới đầu quân cho Lưu Bị. Những ai ngờ Lưu Bị không hề trọng dụng Triệu Vân.
Minh chứng là sau khi lập ra nhà Thục Hán, xưng là Hán Trung Vương, Lưu Bị đã sắc phong tước vị cao cho rất nhiều võ tướng, nhưng Triệu Vân chỉ được phong là Dực tướng quân.
Trước đó, trong trận chiến ở Trường Bản năm 208, Triệu Vân sẵn sàng liều mạng một mình phá vòng vây của đại quân Tào để cứu con trai của Lưu Bị là Lưu Thiện.
Lần đầu trông thấy Triệu Vân chiến đấu, chính Tào Tháo cũng phải thốt lên rằng: "Không ngờ trên đời lại có người dũng mãnh hơn cả Lã Bố".
Lòng trung thành cũng sự dũng mãnh của Triệu Vân cũng là nguyên nhân khiến Tào Tháo không nỡ giết ông, chỉ hạ lệnh bắt sống, không được bắn tên. Tài năng cùng lòng trung thành của Triệu Vân có lẽ là điều không phải bàn cãi. Chính điều này cũng đã được Lưu Bị thừa nhận. Ông từng ngợi khen Triệu Vân là một người gan góc phi thường, trong toàn quân Thục gọi dũng tướng này là "Hổ uy tướng quân".
Tuy nhiên, một dũng tướng văn võ song toàn như Triệu Vân lại chỉ được Lưu Bị sử dụng vào việc bảo vệ vợ con. Điều này liệu có công bằng?
Thậm chí, trước khi qua đời, Lưu Bị cũng dặn dò Gia Cát Lượng không được trọng dụng Triệu Vân? Rốt cục là có ý gì? Có thật là cả đời Triệu Vân đều không được Lưu Bị trọng dụng?
Lưu Bị hé lộ chân tướng sự việc
Chân tướng sự việc hoá ra được Lưu Bị tiết lộ vào trước lúc lâm chung. Lưu Bị giao cho Triệu Vân nhiệm vụ bảo vệ sự an toàn cho Lưu Thiện. Sau màn phó thác con côi cho Gia Cát Lượng, thậm chí Lưu Bị còn dặn dò Triệu Vân vài lời rằng phải bảo vệ tốt cho hậu chủ Lưu Thiện. Nếu ai không thần phục ấu chúa thì ông có thể thẳng tay giết chết mà không bị xử tội. Đây thực là quyền lực tối cao.
Điều này chứng tỏ Lưu Bị rất tin tưởng Triệu Vân. Khác với Quan Vũ tuy trung nghĩa nhưng tự phụ, Trương Phi nóng nảy, hung hăng, thì Triệu Vân chính là sự lựa chọn hoàn hảo khi ông là dũng tướng vừa có tài vừa là người biết phân biệt phải, trái, tư duy nhạy bén, đồng thời biết suy nghĩ thấu đáo.
Do đó, chỉ có giao cho Triệu Vân bảo vệ vợ con mình thì Lưu Bị mới có thể yên tâm ra đi. Đặt lòng tin tuyệt đối vào Triệu Vân có thể bảo vệ cho Lưu Thiện, người đăng cơ sau này của Thục Hán, chẳng phải là một trọng trách vô cùng lớn đó sao.
Chân tướng được tiết lộ vào phút cuối này đã phần nào giải mã thắc mắc về việc Lưu Bị không trọng dụng Triệu Vân. Với ông, binh quyền không thể so sánh với việc tìm được người tuyệt đối trung thành như Triệu Vân bảo vệ cho người kế vị cơ nghiệp của Thục Hán. Bởi vì tương lai của Thục Hán vẫn phụ thuộc phần lớn vào Lưu Thiện.
Gia Cát Lượng đứng bên cạnh cũng hiểu được ẩn ý của Lưu Bị. Hoá ra đằng sau màn phó thác con côi này lại ẩn chứa không ít mưu tính. Quả thực, Lưu Bị là một vị quân chủ không hề đơn giản.
Kết quả, đúng như uỷ thác của Lưu Bị, Triệu Vân đã hết lòng phò tá và bảo vệ cho Lưu Thiện. Còn thừa tướng Gia Cát Lượng cũng đã lãnh đạo giúp Thục Hán vượt qua nhiều khó khăn. Ông hết lòng vì hậu chủ Lưu Thiện và nhà Thục Hán, đúng như câu nói "cúc cung tận tuỵ, đến chết mới thôi".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.