Hoạn quan từng là những người khuynh đảo triều đình phong kiến Trung Quốc. Ảnh minh họa.
Hoạn quan là những người không thể thiếu trong lịch sử phong kiến Trung Quốc. Họ thường là người thân cận, được hoàng đế tin dùng, nên dễ dẫn đến lộng quyền, nắm đại quyền, thậm chí có thể phế bỏ hoàng đế. Loạt bài này sẽ kể lại chuyện về những hoạn quan khét tiếng nhất trong lịch sử Trung Quốc. |
Tông Ái (401-452) là hoạn quan phục vụ dưới thời nhà Bắc Ngụy (386-534). Theo cuốn Tư Trị thông giám của sử gia Trung Quốc Tư Mã Quang, Tông Ái thân phận thấp hèn, vì phạm tội nên bị hoạn rồi được đưa vào cung.
Tông Ái bề ngoài hiền lành, tỏ ra khách khí với đồng sự, khiêm tốn trước bậc bề trên, làm việc nhanh nhẹn, cẩn thận, kín đáo nên được nhiều người yêu quý. Nhưng bên trong lớp vỏ bọc như vậy là sự nham hiểm, gian ác và tàn độc.
Hoạn quan họ Tông dần dần gây dựng được sự tín nhiệm, trở thành người chăm sóc thái tử Thác Bạt Hoảng.
Thác Bạt Hoảng là con trai trưởng của Thái Vũ Đế Thác Bạt Đảo, được phong làm thái tử khi mới 4 tuổi. Dù mất khả năng sinh lý, Tông Ái trong lòng vẫn không quên được nhục dục.
Khi thái tử mây mưa cùng một cung nữ, ông ta đứng ngoài nhìn trộm. Thác Bạt Hoảng phát hiện liền vô cùng tức giận, giáng chức Tông Ái. Kể từ đó, mối quan hệ giữa Tông Ái và thái tử trở nên “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”.
Trong một lần đi săn, Thái Vũ Đế Thác Bạt Đảo (hoàng đế thứ ba của triều đại Bắc Ngụy) thấy Tông Ái đầu óc linh hoạt, làm việc chu đáo bèn giữ lại bên mình. Tông Ái chăm sóc hoàng thượng vô cùng tỉ mỉ, được vua trọng dụng và phong chức Trung thường thị, phụ trách sinh hoạt hàng ngày của hoàng đế.
Được sủng ái, Tông Ái liền tác oai tác quái, trắng trợn nhận hối lộ, câu kết bè phái. Năm 451, thái tử Hoảng mâu thuẫn gay gắt với Tông Ái vì phát hiện hoạn quan này tham ô, tư lợi.
Tông Ái lo sợ các thuộc quan thân tín của Thái tử Hoảng là Cừu Ni Đạo Thịnh và Nhâm Bình Thành tố cáo mình, nên đã ra tay trước.
Nhà Bắc Ngụy (màu nâu đậm) là một triều đại trong lịch sử Trung Quốc.
Nhân lúc vua Thác Bạt Đảo đang chinh phạt phía nam, Tông Ái tố cáo hai trợ thủ đắc lực của thái tử Hoảng phạm pháp. Trong cơn thịnh nộ, Thái Vũ Đế ra lệnh xử tử họ. Nhiều quan lại khác thân cận với Thái tử cũng bị xử tử. Tháng 6 năm 451, hơn ba tháng sau khi vua Thác Bạt Đảo về kinh, thái tử khiếp sợ mà lâm bệnh chết ở tuổi 24.
Sau khi thái tử chết, Thái Vũ Đế nhận ra sai lầm, ngày đêm uống rượu và vô cùng hối hận. Điều này không lọt qua được một người đầu óc xảo quyệt như Tông Ái.
Tông Ái lo sợ sớm muộn tội ác của mình sẽ bị phanh phui, nên quyết định ra tay giết vua.
Mùa xuân năm 452, hoàng đế Thác Bạt Đảo đi săn, trở về quá mệt nên uống rượu say bất tỉnh. Tông Ái nhân cơ hội đuổi hết nô tài ra ngoài, sau đó cùng một tên thái giám thân tín đè gối cho vua chết vì ngạt thở, theo cuốn Tự trị thông giám của sử gia Tư Mã Quang.
Sau khi Thái Vũ Đế đột ngột băng hà ở tuổi 44, hai người nhiều khả năng lên kế vị nhất là con trai của thái tử, Thác Bạt Tuấn và con trai thứ ba của Thái Vũ Đế, Đông Bình Vương Thác Bạt Hàn. Tông Ái không muốn hai người này lên ngôi, vừa sợ Thác Bạt Tuấn báo thù cho cha mình, vừa bất hòa với Thác Bạt Hàn.
Hoạn quan này chỉ quan hệ tốt với con trai thứ sáu của vua là Thác Bạt Dư. Ngay trong đêm, Tông Ái phong tỏa tin tức vua qua đời, lặng lẽ triệu Thác Bạt Dư vào cung.
Tông Ái còn giả truyền lệnh của hoàng hậu, triệu các đại thần vào cung để thanh trừng. Những người dám lên tiếng phản đối Tông Ái đều bị giết ngay lập tức. Đông Bình Vương Thác Bạt Hàn cũng không tránh khỏi số phận.
Thác Bạt Dư lên ngôi hoàng đế, không quên phong Tông Ái làm đại tư mã, đại tướng quân và thái sư. Tông Ái khi đó nắm toàn bộ quyền lực trong triều, không hề kém vua.
Thác Bạt Dư biết mình lên ngôi không chính thống nên đã cố gắng mua chuộc các quan bằng cách ban cho họ nhiều tiền bạc, châu báu. Điều này cũng khiến ngân khố cạn kiệt nhanh chóng.
Hình tượng Thác Bạt Khuê, hoàng đế khai quốc nhà Bắc Ngụy.
Kể từ khi lên ngôi, Thác Bạt Dư chìm đắm trong trong tửu sắc, ăn chơi vô độ, bỏ bê việc triều chính. Tông Ái thấy thế, lại coi mình là ân nhân giúp vua thì càng lạm quyền, hành xử bạo ngược.
Mùa đông năm 452, Thác Bạt Dư nghe theo đại thần, lên kế hoạch trừ khử Tông Ái. Nhưng không ngờ rằng hoạn quan gian manh, quỷ quyệt này lại ra tay trước.
Nhân lúc Thác Bạt Dư cúng tế tiên hoàng vào ban đêm, Tông Ái đã cử trợ thủ đi ám sát hoàng đế. Thác Bạt Dư qua đời khi mới lên ngôi được 7 tháng.
Lần thứ hai giết hoàng đế Bắc Ngụy, Tông Ái lĩnh quả báo khi một thân tín của ông ta đã tiết lộ sự việc cho Nam Bộ Thượng thư Lục Li.
Lục Li bí mật đón Thác Bạt Tuấn vào cung, đồng thời triệu tập cấm vệ quân, tuyên bố Tông Ái phạm tội giết vua, ra lệnh xử tội chết. Cái chết của Tông Ái được ghi chép lại là diễn ra hết sức từ từ và đau đớn.
Giới sử gia Trung Quốc ngày nay vẫn tranh cãi về tội trạng của Tông Ái. Mặc dù trực tiếp liên quan đến việc giết hại hai hoàng đế nhưng đến cuối cùng, Tông Ái chỉ bị kết tội ám sát vua Thác Bạt Dư. Điều này dấy lên nghi vấn rằng Tông Ái không hành động một mình khi giết chết Thái Vũ Đế Thác Bạt Đảo.
Cuối cùng, Thác Bạt Tuấn lên ngôi, trở thành vị vua thứ 5 nhà Bắc Ngụy khi mới 13 tuổi, chấm dứt giai đoạn đầy bất ổn do Tông Ái gây ra.
___________________
Lịch sử Trung Quốc ghi nhận hoạn quan thời nhà Minh trở thành Đô đốc, chỉ huy hàng trăm chiến thuyền chu du khắp thế giới. Mời bạn đón đọc bài viết tiếp theo về nhân vật này vào sáng 1.12.
Đồng Quán thời Bắc Tống là một trong số hoạn quan hiếm hoi trở thành tướng lĩnh, lập nhiều đại công, nhưng cuối cùng...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.