Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vẫn vào diện tinh giản biên chế

Lương Kết (ghi) Thứ bảy, ngày 12/12/2015 15:26 PM (GMT+7)
"Có những người được đánh giá, phân loại là hoàn thành tốt hoặc xuất sắc nhiệm vụ nhưng vẫn bị đưa vào diện tinh giản biên chế" - Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết như vậy khi trả lời báo chí sáng 12.12, xung quanh vấn đề tinh giản biên chế.
Bình luận 0

Thưa Thứ trưởng, kết quả tinh giản biên chế trong thời gian qua đã được các bộ, ngành và địa phương thực hiện thế nào?

Căn cứ vào nghị định của Chính phủ và thông tư của Bộ Tài chính, năm 2015, các bộ, ngành và địa phương cũng bắt đầu tinh giản biên chế trên cơ sở đánh giá phân loại. Bộ Nội vụ giữ nhiệm vụ thẩm tra lại danh sách tinh giản biên chế trước khi Bộ Tài chính cấp kinh phí.

Trên cơ sở thẩm tra, Bộ Nội vụ thấy, các bộ, ngành và địa phương cũng triển khai một cách đồng bộ, nghiêm túc chính sách tinh giản biên chế như Chính phủ đã quy định.

img

Thứ trưởng Trần Anh Tuấn

Tuy nhiên trong quá trình thẩm tra cũng thấy những chỗ này, chỗ khác chưa xác định đúng đối tượng để tinh giản biên chế. Ví dụ có những người được đánh giá, phân loại là hoàn thành tốt hoặc xuất sắc nhiệm vụ nhưng vẫn bị đưa vào diện tinh giản biên chế. Có những trường hợp trình độ được đào tạo phù hợp với vị trí việc làm nhưng cũng bị đưa vào này. Có nơi, cơ quan, tổ chức. đơn vị đó không có sắp xếp lại bộ máy cũng lấy lý do đó để tinh giản biên chế. Trong quá trình thẩm tra, Bộ Nội vụ cũng không thống nhất tinh giản với những đối tượng nêu trên.

Việc thẩm tra của Bộ Nội vụ cũng nhằm đảm bảo tránh thất thoát lãng phí trong quá trình tinh giản biên chế, chỉ đảm bảo tinh giản biên chế với những người không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, không đủ sức khỏe hoặc thuộc diện dôi dư. Cần phải nói tinh giản biên chế là để nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức.

Trong 6 tháng cuối năm 2015, các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện tinh giản biên chế trong khu vực hành chính và khu vực sự nghiệp được khoảng trên 5.000 người.

Theo Thứ trưởng, để việc tinh giản biên chế đạt đúng mục tiêu, đảm bảo khách quan, cần phải có những giải pháp gì?

Để việc tinh giản biên chế đúng có nhiều giải pháp để thực hiện. Bên cạnh việc đưa những người không đủ sức khỏe, không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ ra khỏi biên chế thì các bộ, ngành, địa phương cũng cần nâng cao chất lượng trong tuyển dụng. Việc tuyển dụng theo nguyên tắc ra 2 vào 1, nghĩa là cứ 2 người ra khỏi cơ quan vì lý do nghỉ hưu hay lý do khác theo quy định của pháp luật thì cơ quan đó chỉ được tuyển vào 1 người.

Thưa Thứ trưởng, để tránh tình trạng tuyển những người "con ông, cháu cha" không có năng lực vào cơ quan Nhà nước, cần phải có giải pháp gì?

Để đảm bảo tính khách quan, công bằng và chất lượng trong công tác tuyển dụng cán bộ, công chức, Bộ Nội vụ cũng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong việc tuyển dụng khi được giao thẩm quyền đó. Ngoài ra, phương thức tuyển dụng cũng là vấn đề quan trọng nên chúng tôi muốn gắn việc hoàn thành nhiệm vụ của các đơn vị với trách nhiệm của người đứng đầu. Nghĩa là việc phân loại người đứng đầu gắn liền với mức độ hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị mà người đó đứng đầu.

Các đơn vị muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ thì đội ngũ cán bộ, công chức phải đảm bảo chất lượng cả về phẩm chất lẫn năng lực trình độ chuyên môn. Nếu như người đứng đầu cơ quan mà tuyển dụng dựa trên sự nể nang, quen biết, dẫn đến dễ dãi, không căn cứ vào yêu cầu công việc để tuyển dụng thì đội ngũ được tuyển dụng đó sẽ không đáp ứng được nhu cầu công việc, dẫn đến đơn vị đó không hoàn thành nhiệm vụ. Không hoàn thành nhiệm vụ sẽ gắn liền với đánh giá phân loại người đứng đầu. Anh đứng đầu một cơ quan mà 2 năm không hoàn thành nhiệm vụ thì rõ ràng cơ quan có thẩm quyền sẽ xem xét bố trí lại công tác.

Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem