Hoàng Anh Gia Lai - “con bò” bị vắt kiệt sức?

Quốc Hải Thứ năm, ngày 03/11/2016 07:00 AM (GMT+7)
Kết quả kinh doanh quý 3 của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) tiếp tục lỗ không khiến nhà đầu tư bất ngờ bởi gánh nặng chi phí lãi vay “khủng” mà tập đoàn này đang chịu. Tuy nhiên, biến động của dòng tiền 9 tháng qua đang khiến nhà đầu tư đặt vấn đề về “sức khỏe” tài chính của tập đoàn này…
Bình luận 0

img

 Cụ thể, riêng quý III, HAGL tiếp tục lỗ sau thuế 77 tỷ đồng, nâng khoản lỗ lũy kế 9 tháng lên 1.268 tỷ đồng. Như vậy, kế hoạch “không lỗ nửa cuối năm 2016” của bầu Đức (đã được Đại hội cổ đông thường niên 2016 thông qua) đã hoàn toàn… “phá sản”.

 Mỗi ngày, HAGL “gánh” 4,1 tỷ đồng lãi vay

Tính lũy kế 9 tháng, chi phí lãi vay của HAGL đã lên tới 1.159 tỷ đồng, trong khi lợi nhuận gộp của tập đoàn chỉ đạt 764 tỷ đồng. Điều này có nghĩa là toàn bộ kết quả sản xuất kinh doanh của tập đoàn không bù nổi chi phí lãi vay, chứ chưa nói đến các gánh nặng chi phí khác mà HAGL phải chi trả như chi phí bán hàng, quản lý doanh nghiệp…

Dấu hiệu trên đây cho thấy “sức khỏe” của HAGL đang có vấn đề ở cả 2 phương diện: Gánh nặng lãi vay của HAGL đang ngày càng lớn và có dấu hiệu vượt quá khả năng chịu đựng của tập đoàn này, hoặc tình hình kinh doanh của tập đoàn đang có chiều hướng xấu hơn.

Ở phương diện lãi vay, dù quý 3 này HAGL đã được giảm 1,4 tỷ đồng/ngày (2 quý đầu năm 2016, chi phí lãi vay của HAGL khoảng 5,5 tỷ đồng/ngày), nhưng mức lãi vay lũy kế (9 tháng) lên tới hơn 1.159 tỷ đồng không phải là con số nhỏ.

Tiếp đó, ở tình hình kinh doanh, lợi nhuận gộp cùng kỳ năm ngoái đạt tới hơn 1.851 tỷ đồng thì 9 tháng năm nay con số này chỉ đạt 764 tỷ đồng, giảm gần 60%.

Rõ ràng, với tình hình “sức khỏe” như thế, HAGL phải tiến hành thanh lý khá nhiều tài sản để “bù đắp” khoản chi phí lãi vay “khủng này”. Bằng chứng là HAGL đang tiến hành đàm phán để bán mảng mía đường cho Tập đoàn Thành Thành Công; dự kiến sẽ bán đi 20.000 ha cao su tại biên giới 3 nước Đông Dương và bán các dự án thủy điện tại Lào…

Vấn đề đặt ra ở đây, theo phân tích của một số chuyên gia kinh tế thì có 2 xu hướng trong việc HAGL chấp nhận thanh lý tài sản: Thứ nhất là HAGL đang “cắt” bỏ những ngành kinh doanh không hiệu quả. Thứ 2 là gánh nặng chi phí lãi vay quá lớn khiến HAGL phải chấp nhận bán tài sản để trả nợ.

“Nếu xét mảng mía đường, theo báo cáo tài chính thì rõ ràng đây cũng là mảng mang lại doanh thu lớn nhất cho HAGL sau nuôi bò. Còn về các dự án thủy điện thì mới chỉ đang trong giai đoạn đầu tư, xây dựng nên chưa thể đánh giá lỗ lã. Thế nên có khả năng là áp lực vay quá lớn khiến HAGL phải chấp nhận bán để trả nợ”, một chuyên gia kinh tế nói.

Được biết, trong quý 3 này, HAGL đã nhận được 1.423 tỷ đồng tạm ứng trước của khách hàng từ việc bán thủy điện tại Lào, trên tổng giá bán 2.800 tỷ đồng.

Nhà đầu tư có dám “giữ vững niềm tin”?

Còn nhớ, tại Đại hội Cổ đông thường niên diễn ra hồi giữa tháng 9.2016, bầu Đức đã trấn an các cổ đông rằng, hãy “giữ vững niềm tin” vào HAGL. Thực tế bầu Đức đang có gì để các cổ đông tin tưởng?

img

Theo báo cáo tài chính quý 3, dù đang phải gánh khoản nợ hơn 1.100 tỷ đồng tiền lãi vay nhưng HAGL cũng có nhiều khoản cho vay nghìn tỷ và thu về lãi vay 725 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm.

Trong các khoản cho vay này, lớn nhất là khoản HAGL cho Công ty CP Đầu tư Bất động sản An Phú (công ty con trước đây của HAGL, đã được HAGL thoái vốn vào năm 2013) vay ngắn và dài hạn trên 3.627 tỷ đồng, mang về khoản lãi vay 345 tỷ đồng  trong 9 tháng đầu năm. Tuy nhiên, toàn bộ lãi vay này của An Phú hiện vẫn đang “treo” dưới dạng… khoản phải thu.

Đồng thời, HAGL cũng cho Chủ tịch HĐQT Đoàn Nguyên Đức vay khoảng 700 tỷ đồng và ông Đức cũng đang nợ hơn 58 tỷ đồng lãi vay.

Ngoài ra, HAGL còn có hơn 17 nghìn tỷ đồng đang nằm trong các tài sản dài hạn dở dang.

Đặc biệt, tính đến cuối quý III/2016, tổng tài sản của HAGL tiếp tục mở rộng quy mô, tăng thêm 3.076 tỷ đồng lên 52.304 tỷ đồng. Như vậy, nếu tính các khoản lỗ trong 9 tháng năm 2016 thì chẳng “nhằm nhò” gì so với tổng tài sản hay vốn chủ sở hữu của tập đoàn này.

Dù vậy, khoản vay ngắn hạn của HAGL trong quý 3 lại đang tăng lên rất nhiều, từ 8.298 tỷ đồng lên 12.271 tỷ đồng (tăng 48%). Điều đó đồng nghĩa với việc thời gian tới ngoài áp lực trả lãi vay, HAGL cũng phải gánh thêm áp lực trả nợ gốc các khoản vay ngắn hạn khá “khủng”.

Thực hiện theo quy định của Ủy ban Chứng khoán, cổ phiếu của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAG) và Công ty Cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia lai (HNG) hiện chưa được giao dịch ký quỹ từ 6.10.2016.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem