Hoạt động thương mại điện tử gặp khó: Các nhà bán lẻ "gồng mình" trong cuộc đua

Thanh Tùng (tổng hợp) Thứ hai, ngày 14/08/2023 13:14 PM (GMT+7)
Sự phát triển của thương mại điện tử đã tạo cơ hội đáng kể cho các doanh nghiệp tiếp cận thị trường tiêu dùng trong thời điểm dịch bệnh. Tuy nhiên, khi tình hình thực tiễn và điều kiện kinh tế thay đổi, sức hút của hoạt động thương mại điện tử đã hạ nhiệt với người tiêu dùng.
Bình luận 0

Hoạt động thương mại điện tử giảm dần sức hút

Thời điểm những năm 2020 – 2021. Khi tình hình dịch bệnh kéo dài, các hoạt động mua bán, giao thương gặp nhiều hạn chế. Khi đó, làn sóng thương mại điện tử nổi lên như một giải pháp cứu cánh giúp nhà kinh doanh và khách hàng xích lại gần nhau. Quá trình này đã tạo nên bước phát triển nhảy vọt với ngành thương mại điện tử khi hầu hết các nhà cung ứng, đơn vị bán lẻ bán lẻ đều gia sức chạy đua, phát triển mô hình kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử.

Làn sóng thương mại điện tử: Qua rồi một thuở vàng son - Ảnh 1.

Trong quý II - 2023, doanh thu của Amazon tăng 11% so với cùng kỳ. Ảnh Reuters.

Thế nhưng, khi tình hình dịch bệnh dần được kiểm soát, mọi hoạt động của cuộc sống đã trở lại thường nhật, sức nóng của hoạt động kinh doanh, mua sắm trên các sàn thương mại điện tử theo đó cũng dần hạ nhiệt.

Mới đây, hãng bán lẻ trực tuyến hàng đầu thế giới là, Amazon đã công bố báo cáo tài chính quý II của mình. Theo đó, doanh thu của hãng đã tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, con số này chỉ bằng một phần nhỏ so với mức tăng trưởng doanh thu 42% mà Amazon đã ghi nhận trong quý II-2020 và còn chậm hơn so với xu hướng tăng trưởng trước đại dịch của ông lớn ngành thương mại điện tử. Theo số liệu của GeekWire, đây là lần đầu tiên trong lịch sử doanh số bán hàng trực tuyến chiếm chưa đến 40% tổng doanh thu thuần của Amazon.

Vô vàn những khó khăn

Theo nhận định, nền kinh tế giảm tốc chỉ là một phần nguyên nhân khiến doanh số thương mại điện tử chậm lại. Sau thời kỳ tăng mạnh vào đầu năm 2020, tỷ lệ chi tiêu cho bán lẻ trực tuyến ở Mỹ vẫn trì trệ ở mức khoảng 15%. Theo các số liệu của Công ty nghiên cứu thị trường Euromonitor, những câu chuyện tương tự cũng xảy ra ở Anh, Pháp và Đức.

Theo Ngân hàng đầu tư TD Cowen, đối với một số danh mục hàng hóa nhất định – bao gồm quần áo và đồ nội thất, mức độ thâm nhập của thương mại điện tử ở Mỹ đã sụt giảm so với thời kỳ đỉnh điểm trong đại dịch. Người tiêu dùng đã quay trở lại với những cửa hàng thực để trực tiếp thử trang phục, hay tìm mua tủ quần áo phù hợp với mình.

Làn sóng thương mại điện tử: Qua rồi một thuở vàng son - Ảnh 2.

Tại Mỹ, người tiêu dùng đã quay trở lại với hình thức mua hàng truyền thống. Ảnh minh hoạ.

Tỷ lệ mua sắm hàng hóa trực tuyến của Mỹ – từng tăng từ 4% năm 2019 lên 7% năm 2020 – vẫn đang tiếp tục tăng lên, nhưng với tốc độ chậm hơn. Hồi năm ngoái, tỷ lệ này đạt 9%. Nhiều người tiêu dùng khi mua sắm, có vẻ như vẫn thích tương tác trực tiếp với con người tại các quầy tính tiền hoặc quầy bán thịt hơn là thao tác trên các trang mạng trực tuyến.

Về phần mình, nhiều hãng bán lẻ đang phải vật lộn với tính kinh tế phức tạp của việc bán hàng tạp hóa trực tuyến. Theo hãng tư vấn Bain, tạp hóa là một ngành kinh doanh có tỷ suất lợi nhuận thấp, chỉ trong khoảng từ 2-4%.

Việc cộng thêm chi phí thuê nhân viên lựa chọn các sản phẩm trên kệ hàng và tài xế để vận chuyển chúng đến tay khách hàng một cách nhanh chóng, đã khiến họ rơi vào tình trạng thua lỗ.

Bên cạnh đó, hoạt động của các trung tâm bán hàng tự động thay vì cửa hàng thực không giúp cải thiện đáng kể tình hình. Ocado, một hãng bán lẻ tạp hóa trực tuyến của Anh đã đi theo chiến lược đó và giờ đang dao động giữa tình trạng thua lỗ và lợi nhuận ở mức rất thấp.

Theo chuyên gia Stephen Caine của Công ty tư vấn Bain, một giải pháp được đưa ra là tăng tỷ suất lợi nhuận bằng cách bán quảng cáo, bởi có nhiều bên sẵn sàng trả tiền để quảng bá sản phẩm của họ cho những người tiêu dùng trực tuyến. Hồi năm ngoái, Amazon đã tạo ra 38 tỉ đô la Mỹ doanh thu theo cách này, chiếm khoảng 9% tổng doanh thu của hãng, không bao gồm mảng điện toán đám mây.

Tuy nhiên, hầu hết các hãng bán lẻ, trong đó bao gồm cả Amazon, đều dựa vào chi phí giao hàng bổ sung để giúp cho giao hàng tạp hóa trực tuyến tăng lên. Điều này đã làm giảm đáng kể sự hài lòng của người tiêu dùng. Theo hãng phân tích McKinsey, 47% người dân Mỹ cho biết sẽ mua tạp hóa trực tuyến nếu như mức phí giao hàng rẻ hơn.

Theo chuyên gia Caine, vào thời điểm hiện tại, phần lớn đà tăng trưởng trong mua sắm hàng tạp hóa trực tuyến đến từ hoạt động kerbside pickup – tức là dịch vụ khách hàng sẽ đặt đơn hàng và thanh toán qua hệ thống trực tuyến của cửa hàng. Nhân viên soạn hàng xong sẽ cho vào túi, để khách hàng chỉ việc đến, đọc số đơn và lấy hàng, qua đó tiết kiệm được chi phí giao hàng.

Quá nhiều đối thủ cạnh tranh, đến lúc cần thay đổi

Thương vụ Amazon mua lại Whole Foods, một siêu thị cao cấp, với giá 14 tỷ đô la trong năm 2017 đã cho thấy cửa hàng thực vẫn là trọng tâm của hoạt động kinh doanh tạp hóa trong tương lai gần. Các nhà bán lẻ truyền thống, với mạng lưới cửa hàng rộng lớn, sẽ tiếp tục thống trị hạng mục này. Theo dữ liệu của GlobalData, Walmart, hãng bán lẻ lớn nhất tại Mỹ, đã bán ra 17% tổng lượng hàng tạp hoá của Mỹ, trong khi thị phần của Amazon chỉ chiếm chưa đầy 2%.

Trong khi đó, tại những lĩnh vực khác, nơi mà thương mại điện tử có sự phát triển mạnh mẽ, cuộc cạnh tranh giành thị phần giữa các doanh nghiệp lại đang ngày càng quyết liệt hơn.

Shein, hãng bán lẻ thời trang nhanh trực tuyến của Trung Quốc, vốn khá nổi tiếng trong cộng đồng người tiêu dùng Gen Z ở phương Tây, đang mở rộng hoạt động kinh doanh sang hàng điện tử và đồ nội thất. Trong năm nay, hãng đã cho ra mắt một nền tảng dành cho những người bán bên thứ ba. Temu, một nhánh của Pinduoduo – ngôi sao mới nổi trong làng thương mại điện tử Trung Quốc – cũng đã phát triển nhanh chóng sau khi ra mắt tại Mỹ hồi năm ngoái.

Một thách thức khác đến từ TikTok, ứng dụng video ngắn của Trung Quốc được giới trẻ rất yêu thích. Để kiếm tiền từ người dùng của mình, TikTok cho phép các doanh nghiệp chèn quảng cáo và trình diễn trực tiếp vào các video trên nền tảng, với các liên kết để mua sản phẩm mà không cần rời khỏi ứng dụng.

Làn sóng thương mại điện tử: Qua rồi một thuở vàng son - Ảnh 3.

TikTok Shop dần nổi lên như một đối thủ nặng kí với các nền tảng thương mại điện tử.

Mô hình “giải trí có thể mua sắm” này, như cách gọi của TikTok, đã thúc đẩy sự thành công của Douyin, ứng dụng “chị em” của nó ở Trung Quốc. Các số liệu thống kê cho thấy, Douyin hiện bán nhiều quần áo và phụ kiện hơn cả tmall, nền tảng thương mại điện tử Trung Quốc do Alibaba – hãng công nghệ hàng đầu của nước này điều hành.

Tik Tok cũng nuôi dưỡng những tham vọng tương tự ở phương Tây. Hồi tháng 10 năm ngoái, công ty này được cho là đã sẵn sàng phát triển mạng lưới của riêng mình ở Mỹ.

Còn tại Đông Nam Á, một trong những thị trường thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ nhất trong thời kỳ đại dịch Covid-19, sự hạ nhiệt đáng kể về nhu cầu cũng đang buộc các doanh nghiệp phải xem xét lại chiến lược kinh doanh của mình. Theo Business Times, nhiều thương hiệu hiện đang chuyển trọng tâm sang chiến lược đa kênh để thu hút người tiêu dùng.

Nikkei Asia cho biết, cuộc cạnh tranh trong khu vực đang ngày càng trở nên quyết liệt hơn. Hồi tháng trước, Alibaba đã đầu tư 845 triệu đô la vào chi nhánh thương mại điện tử Lazada của Singapore. Trong khi đó, TikTok hiện cũng đang nổi lên như một trong những nền tảng thương mại điện tử nổi bật nhất Đông Nam Á, với doanh số bán hàng tăng gấp 7 lần trong vòng một năm qua nhờ vào việc thu hút làn sóng người dùng trẻ, am hiểu công nghệ với các tính năng mua sắm và giải trí.

Đây được coi là những thách thức lớn với những tên tuổi bản địa bao gồm Shopee và Tokopedia, nhánh thương mại điện tử của GoTo. Các doanh nghiệp này hiện vẫn đang phải vật lộn với tốc độ tăng trưởng chậm lại, và đã thực hiện một loạt biện pháp sa thải nhân sự cũng như cắt giảm chi phí nhằm nỗ lực có lãi.

Thách thức cuối cùng đối với các công ty thương mại điện tử là các thương hiệu ngày càng mong muốn bán hàng trực tiếp cho người tiêu dùng. Euromonitor cho biết doanh số bán hàng trực tiếp cho người tiêu dùng hiện chiếm 16% thương mại điện tử, một tỷ lệ đã tăng gấp 4 lần trong 8 năm qua. Chuyên gia Michelle Evans đến từ Euromonitor, lưu ý: Việc có nhiều quyền truy cập hơn vào dữ liệu của người tiêu dùng đã giúp các thương hiệu đẩy nhanh tốc độ đổi mới. Bằng cách loại bỏ người bán trung gian, các thương hiệu cũng có thể cải thiện đáng kể lợi nhuận.

Shopify, một nền tảng thương mại điện tử của Canada, đã tạo nên một ngành kinh doanh bùng nổ bằng cách xây dựng các công cụ bán hàng dành cho doanh nghiệp để giúp họ dễ dàng xây dựng cửa hàng trực tuyến. Hôm 2-8, công ty này đã báo cáo mức tăng trưởng 31% so với cùng kỳ năm ngoái trong quý II-2023.

Các thương hiệu nổi tiếng như Nike nằm trong số những thương hiệu đã nắm bắt kịp thời xu hướng này. Doanh số bán hàng trực tiếp đến người tiêu dùng của Nike đã tăng từ 17% lên 42% tổng doanh thu trong thập kỷ qua, với hơn một nửa doanh số bán hàng đó được tạo ra từ mua sắm trực tuyến.

Có thể thấy, trong tình hình mới, hoạt động thương mại điện tử đang gặp khó khi phải đối mặt với nhiều thách thức từ nền kinh tế suy thoái cùng như sự trỗi dậy mạnh mẽ của nhiều đối thủ cạnh tranh. Có lẽ, thế độc quyền như trong thời điểm đại dịch Covid vừa qua sẽ không thể tiếp diễn hay trở lại. Vì thế, các công ty, doanh nghiệp, đơn vị hoạt động thương mại điện tử nên có những thay đổi, tự làm mới mình trong tình hình mới để bắt kịp xu thế, phù hợp với nhu cầu thị hiếu cùng như “xích lại gần hơn” với khách hàng. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem