Học giỏi để làm gì?

Nguyễn Quang Thân Thứ bảy, ngày 04/07/2015 06:46 AM (GMT+7)
Nếu tất cả mọi người chỉ học giỏi để có thể học giỏi tiếp, để săn lương cao, việc nhàn thì kiến thức của nhân loại tất nhiên dẫm chân tại chỗ. 
Bình luận 0

Nếu phải đi thi hay đưa con ra thành phố vật lộn với cái nắng hè thiếu bóng cây ở Hà Nội hay lặn ngụp trên đường phố Sài Gòn sau trận mưa thì ai cũng dễ dàng trả lời câu hỏi này.

img
Thí sinh tham dự kỳ thi THPT Quốc gia 2015
 Học giỏi để đi thi. Thi đậu để có một chỗ ở trường đại học, một ghế ngồi lớp 6, lớp 10 trường công. Học dốt thì hỏng thi, ở cái tuổi 13, 17 không được đi học thì sợ không biết làm gì.

Vậy là học giỏi thực chất là để tìm được một chỗ học tiếp. Nhiều cô chiêu cậu ấm con nhà giàu đi du học, có đủ tiền học một lèo đến thạc sĩ, tiến sĩ, nghĩa là leo hết cái thang học vấn mới thôi. Đó là những người học suốt đời. Có thể họ có một chỗ làm tốt, lương cao bổng hậu, nhưng với rất nhiều người thì chỉ có thế thôi, thời thanh xuân sôi nổi đã qua mà không để lại dấu vết gì đáng tự hào. Giấc mộng "làm trai phải có danh gì với núi sông" tan biến lúc nào không hay.

Vậy là họ vẫn chưa trả lời được câu hỏi "Học để làm gì?". Nếu chỉ để kiếm cơm thì không phải bon chen thi cử khốn khổ đến như thế.

Học giỏi thực chất là hiểu được, nhớ được một mớ kiến thức nào đó đã có sẵn trong đại dương kiến thức của dân tộc hay nhân loại. Khi nhận (chứ không phải mua) bằng tiến sĩ, cậu học sinh giỏi mới có một chút đóng góp sáng tạo của riêng mình dù chưa chắc đã có chút "danh gì với với núi sông".

Nhưng nếu tất cả mọi người chỉ học giỏi để có thể học giỏi tiếp, để săn lương cao, việc nhàn thì kiến thức của nhân loại tất nhiên giẫm chân tại chỗ.

Vì thế người ta mới đòi hỏi "học có sáng tạo", trong một nền giáo dục sáng tạo. Người Trung Quốc chế được thuốc súng, chữ viết, la bàn đầu tiên. Nhưng lối học "chi hồ giả dã" đã kìm chân họ mấy ngàn năm, tụt hậu so với một Âu Mỹ sáng tạo, đến nay vẫn nổi tiếng về việc làm giàu bằng hàng nhái. Còn người mình, có tiếng học giỏi xưa đến nay, nhưng có mấy tên tuổi Việt trong bảo tàng phát minh của thế giới?

Học giỏi để sáng tạo chứ không phải học chỉ để học. Nếu kỳ thi nào đó chặn mất đường học tiếp của mình, hãy tự tin nếu bạn là người có ý chí và nhiệt tình sáng tạo.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem