Học lao dốc vì mê bán hàng qua mạng

Thứ hai, ngày 28/12/2015 07:39 AM (GMT+7)
Thông qua đề tài của mình, học sinh muốn kêu gọi tính trung thực trong thi cử, bảo vệ môi trường và ý thức học tập lành mạnh trong cộng đồng.
Bình luận 0

Phát động từ giữa tháng 6-2015, cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh (HS) trung học TP.HCM thu hút 450 đề tài dự thi từ cấp trường. Sau quá trình đánh giá chọn lọc, 41 đề tài xuất sắc nhất đến từ 16 trường học đã lọt vào vòng chung kết, diễn ra cuối tuần qua tại Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong. Không chỉ lĩnh vực khoa học tự nhiên, nhiều vấn đề xã hội thiết thực, đời sống... cũng trở thành những mối quan tâm của nhiều HS.

Choáng với học sinh bán hàng qua mạng xã hội

46,6% các bạn HS đang bán hàng trên mạng xã hội, gần 30% HS đã từng hoặc đang có ý định này là số liệu đáng quan tâm trong một cuộc khảo sát để thực hiện đề tài nghiên cứu về Hiện tượng HS bán hàng qua mạng xã hội của hai em Đoàn Thị Bích Vân và Đặng Tú Tài (Trường THPT Trần Văn Giàu).

Hai em đã khảo sát qua bảng hỏi trên 600 HS đang theo học tại ba trường gồm THPT Trần Văn Giàu, THPT Gò Vấp và THCS Lê Văn Tám. Trong số HS bán hàng trên mạng, hơn 34,6% HS bán mỹ phẩm, kế đó là quần áo, giày dép... cũng chiếm tỉ lệ lớn. Phần lớn HS bán hàng từ lớp 9-10 vì muốn có thêm thu nhập. Điều này trở nên đáng lo ngại khi nhóm tiến hành khảo sát qua 50 HS cho thấy hầu hết HS đều cho rằng kết quả học tập bị giảm sút từ khi tham gia bán hàng qua mạng.

img

Đại diện nhóm HS thuyết trình về đề tài của mình tại buổi chung kết. Ảnh: PHẠM ANH

“Em rất bất ngờ rằng trước khi bán hàng có hơn 27% HS giỏi thì sau khi tham gia một học kỳ, tỉ lệ này chỉ còn hơn 14%, hơn 54,5% HS khá cũng giảm còn hơn 32% và vì thế tỉ lệ HS trung bình tăng từ gần 18,2% lên đến hơn 42%. Điều đó chứng tỏ HS hiện nay không chỉ có mối quan tâm duy nhất là học hành mà đã dành không ít thời gian để kiếm tiền khiến kết quả học tập bị ảnh hưởng không nhỏ” - em Bích Vân cho hay.

Vì thế hai em đề xuất nhà trường nên cấm HS tham gia bán hàng qua mạng vì tuổi này việc học mới là quan trọng nhất. Nhà trường và gia đình nên quan tâm, định hướng việc sử dụng mạng xã hội cho các HS để tránh việc các bạn chạy theo những lợi ích vật chất quá sớm, bị lợi dụng hoặc mắc cạm bẫy.

Góc nhìn môi trường từ phố đi bộ

Một đề tài khác cũng được chú ý bởi tính gần gũi đó là Đánh giá phố đi bộ Nguyễn Huệ dưới góc nhìn môi trường sau một thời gian phố được đưa vào hoạt động. Đề tài này do hai em Nhâm Lê Quỳnh An và Vũ Ngọc Mai, Trường Trung học Thực hành ĐH Sư phạm TP.HCM, thực hiện.

Để thực hiện đề tài này, trong suốt hai tháng hầu như ngày nào hai em cũng rảo qua phố đi bộ vào nhiều thời điểm khác nhau. Hai em cũng tiến hành phỏng vấn 300 người hay lui đến đây, trong đó có 70 khách du lịch trong và ngoài nước.

Kết quả cho thấy phần lớn người được hỏi đều cho rằng thường xuyên gặp cảnh rác xả bừa bãi vì số lượng thùng rác quá hạn chế và không thuận tầm nhìn, hàng rong bày bán gây mất mỹ quan, thiếu cây xanh có bóng mát...

Hai em kêu gọi các bạn trẻ nâng cao ý thức bảo vệ môi trường và ứng xử văn minh tại đây vì đây là điểm nhấn của TP, thu hút nhiều du khách nước ngoài. Nhà quản lý cần tăng cường giám sát, nhắc nhở, lắp ráp nhiều thùng rác hơn và khoa học hơn, tạo lập những bãi đậu xe thuận tiện hơn và phát huy các loại hình nghệ thuật đường phố để thu hút và quảng bá phố đi bộ.

Cuộc thi năm nay còn có nhiều đề tài được các giám khảo đánh giá cao về tính ứng dụng và thiết thực như Phương pháp viết chữ bằng suy nghĩ của Trường THPT Bùi Thị Xuân, Số hóa cổ nhạc của Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong,Tủ thuốc thông minh và Robot thám hiểm dưới nước của Trường THPT Gia Định, Thước vô hình của Trường THCS Phan Tây Hồ (Gò Vấp)... Sau chung kết này, 18 đề tài xuất sắc nhất sẽ tham dự cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho HS trung học năm 2015-2016 do Bộ GD&ĐT tổ chức.

Chống tiêu cực trong thi cử

Đề tài chế tạo thiết bị chống gian lận công nghệ cao trong thi cử của hai em Ngô Đức Huy và Võ Trần Công Nguyên (đang học lớp 8, Trường THCS-THPT Việt-Úc) đã thu hút rất nhiều sự tò mò, tranh luận từ các HS.

Thông qua nguyên lý hoạt động của các cảm biến tiệm cận điện cảm và môđun công tắc từ lưỡi gà, cảm biến từ trường, cảm biến hồng ngoại, thiết bị này sẽ dò tìm và nhận biết các thiết bị gian lận công nghệ cao. Khi cho HS đi qua cổng quét, thiết bị sẽ phát ra tín hiệu nếu bạn đó có mang theo công nghệ để quay cóp bài, kể cả những thiết bị siêu nhỏ hoặc chưa hoạt động.

Nhiều giáo viên đánh giá đề tài này rất thiết thực. Không bàn đến tính ứng dụng của thiết bị có khả thi hay không nhưng ít nhất các em đã biết trăn trở, sáng tạo, có ý thức trung thực và chống tiêu cực là điều rất đáng khích lệ.

Cuộc thi nhằm khuyến khích HS trung học nghiên cứu khoa học, sáng tạo kỹ thuật, công nghệ và vận dụng kiến thức đã học vào giải quyết những vấn đề thực tiễn. Nó sẽ góp phần đổi mới dạy và học, phương pháp đánh giá kết quả và nâng cao năng lực của HS trong nhà trường.

Điểm mới của năm nay là cuộc thi đã được mở rộng hơn đến nhiều trường, cho thấy các trường bắt đầu chú trọng và đầu tư giảng dạy theo hướng ứng dụng thực tế. Có thể sản phẩm của các em chỉ là những ý tưởng ban đầu, những mô hình nhỏ nhưng chúng tôi đánh giá cao ý tưởng độc đáo và sáng tạo của các đề tài, tính chủ động và linh hoạt của HS chứ không nặng về đầu tư kỹ thuật và vật chất cho đề tài.

Ông PHẠM NGỌC TIẾN,
Phó Trưởng phòng Giáo dục trung học Sở GD&ĐT TP.HCM - Phó Trưởng Ban tổ chức cuộc thi

Phạm Anh (Pháp luật TP.HCM)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem